Voyager 1, phi thuyền được phóng đi 28 năm trước để nghiên cứu sao Mộc và sao Thổ, đã vượt qua biên giới để chuẩn bị lọt vào một lãnh thổ mới: không gian liên vì sao.
“Chúng ta sẽ khám phá một khoảng không vũ trụ hoàn toàn mới”, Edward Stone, cựu giám đốc phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA ở Pasadena, California, và là trưởng nhóm khoa học của sứ mệnh Voyager cho biết.
Giờ đây, khi đang lao đi với tốc độ gần 1,6 triệu kilomet mỗi ngày, tương đương với việc bay từ New York tới Los Angeles trong vòng 4 phút, Voyager 1 đã chạm tới rìa của hệ mặt trời và bắt đầu băng vào không gian mênh mông của vùng không gian liên vì sao - trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên thực hiện điều đó.
Một số nhà nghiên cứu tin rằng Voyager đã đạt tới biên giới này vào cuối năm 2003, nhưng dữ liệu mà con tàu thu thập về sau dường như phủ nhận điều đó.
Giờ đây, cộng đồng khoa học cùng nhất trí rằng Voyager đã ở ngoài “cú sốc dứt điểm" (termination shock) - thuật ngữ về khu vực mà ở đó ảnh hưởng của mặt trời chấm dứt và bắt đầu ảnh hưởng của vùng không gian giữa các vì sao.
Ranh giới này được đánh dấu bằng sự sụp giảm đột ngột gió mặt trời. Tuy nhiên, ranh giới này rất khó xác định, bởi vùng này có thể mở rộng, thu hẹp và uốn lượn phụ thuộc vào sự thay đổi tốc độ và áp suất của gió mặt trời và do môi trường của vùng không gian liên vì sao cũng chưa được hiểu rõ.
“Quan sát của Voyager trong vòng vài năm qua cho thấy cú sốc dứt điểm phức tạp hơn nhiều so với hình dung của chúng ta”, nhà khoa học của NASA Eric Christian nhận định.
Dựa trên dữ liệu của máy từ kế gắn trên Voyager, các nhà khoa học giờ đây tin rằng con tàu đã đi vào vùng có tên gọi heliosheath, nằm ngoài vùng “cú sốc dứt điểm”. Voyager cách mặt trời khoảng 14 tỷ kilomét và con tàu chị em với nó - Voyager 2 - cách khoảng 10,4 tỷ kilomét.
Pin trên tàu Voyager, hoạt động nhờ phản ứng phân rã hạt nhân, dự kiến còn sử dụng được ít nhất cho đến năm 2020 - thời điểm mà con tàu cách trái đất hơn 20,9 tỷ kilomét, và có thể đã xuyên qua vùng heliosheath, vào vùng không gian giữa các vì sao.
( theo Tạp chí hoạt động khoa học )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com