Tháng 10.2008, anh Hùng được vinh dự đại diện nông dân thời hội nhập đi dự hội nghị quốc tế tại Nicaragoa với tư cách là đại biểu chính thức để báo cáo thành tích và kinh nghiệm trong quá trình lai tạo giống lúa phục vụ cộng đồng.
Ở vùng quê miền núi, anh Hùng học xong lớp 12 và canh tác 3 ha lúa của gia đình. Nhờ chịu khó nghiên cứu tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng Internet và chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước ứng dụng thành công quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến thân thiện với môi trường, anh đã sớm áp dụng thành công quy trình 3 giảm 3 tăng trong sản xuất lúa, năng suất bình quân đạt hơn 17 tấn/ha/năm, giá thành sản xuất giảm và lợi nhuận cao hơn 2,5 triệu đồng/ha so với các mảnh ruộng trong vùng sản xuất theo cách truyền thống.
Thấy sản xuất lúa giống hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất lúa thương phẩm, anh Hùng tích cực học hỏi các kỹ sư nông nghiệp, các nhà chọn tạo giống, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật về chọn và lai tạo lúa giống, nỗ lực tìm và nghiên cứu tài liệu khoa học về lai tạo giống lúa. Anh quyết tâm lai tạo nhiều giống lúa tốt cung cấp cho nông dân địa phương sản xuất, mặc cho nhiều người lời ra tiếng vào “cho rằng kỹ sư nông nghiệp mới lai tạo thành công lúa giống vì họ có chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cao, có đầy đủ các trang thiết bị, máy móc cho việc lai tạo, còn nông dân thì khó thành công”.
Được tập huấn quy trình, nghiên cứu tài liệu khoa học, học hỏi những người anh em đã thành công trong việc lai tạo và nhân giống lúa. Anh Hùng bắt tay vào thử nghiệm, anh lấy giống Khoadakmali (cây mẹ) lai với giống MTL 233 (cây cha). Suốt ngày anh bám đồng ruộng theo dõi, chú ý từng trạng thái cây lúa trong quá trình lai tạo. Kiên trì suốt 9 vụ lúa, anh Hùng đã lai tạo thành công giống lúa mới tên NV1 (Núi Voi 1), được Trung tâm khuyến nông tỉnh trồng thử nghiệm tại các huyện và được đánh giá cao, mở ra triển vọng cho giống lúa mới NV1.
Trung tâm khuyến nông tỉnh đã chuyển giống lúa này về Viện nghiên cứu và phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Trường Đại học Cần Thơ tiến hành các đánh giá cơ bản và đăng ký khảo nghiệm giống cấp quốc gia. Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL tổng hợp các kết quả nghiên cứu và khảo nghiệm chuẩn bị trình Bộ nông Nghiệp xin công nhận giống lúa mới.
Sau khi lai tạo thành công giống lúa NV1, anh Hùng tiếp tục lai tạo thành công giống lúa NV2, TB1 (Tịnh Biên 1) và trên 20 giống lúa khác với nhiều thuộc tính vượt trội.
Ông Huỳnh Quanh Tín, điều phối Dự án bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học cộng đồng (CBDC), thuộc Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL nhận xét: Anh Trần Thanh Hùng có nhiều triển vọng về chọn tạo giống lúa, do anh tập trung nghiên cứu, học hỏi trong lai tạo giống lúa, đặc biệt giống lúa mới đều được thử nghiệm trên đồng ruộng và đạt kết quả tốt.
(Theo tạp chí hoạt động khoa học)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com