Để tránh gây độc đối với người và gia súc, các biện pháp bảo quản sinh học và vật lý đang dần thay thế cho các chất hoá học trong bảo quản nông sản.
Mới đây, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã công bố phương pháp bảo quản thóc lúa quy mô hộ gia đình bằng chất hoạt động bề mặt do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu.
Thành phần chủ yếu của những chất hoạt động bề mặt chủ yếu kết tinh từ silicon dioxide, dung hoà với một số khoáng chất silic. Dựa trên nguyên lý phá lớp biểu bì, làm mất nước, mất dầu và ngăn cản quá trình hô hấp qua da của côn trùng, các chất hoạt động bề mặt rất hữu hiệu trong việc tiêu diệt côn trùng, nên chúng được sử dụng trong bảo quản hạt lương thực. Các chất này có tác dụng diệt mọt suốt thời gian dài mà không gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Hiệu quả của những chất hoạt động bề mặt khác nhau, tuỳ thuộc vào kỹ thuật, nhiệt độ, áp suất xử lý, kích thước hạt ngũ cốc, thành phần, đặc tính và mật độ phối trộn. Một số chất có tác dụng phá hủy biểu bì của côn trùng, làm cho côn trùng mất nước. Ưu điểm lớn nhất của các chất bề mặt chính là chúng hầu như không gây độc cho người và động vật.
Các nhà khoa học nước ta đã điều chế thành công chất silicagen, công trình nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch Việt Nam, gồm: TS. Trần Thị Mai, TS. Trần Văn Chương, Trịnh Đình Hoà, Tạ Phương Thảo, Nguyễn Thu Huyền.
Kết quả thực nghiệm cho thấy, sử dụng chất silicagen được sản xuất tại Việt Nam, với nồng độ 0,1% trộn đều vào đống thóc, đã cho hiệu lực diệt mọt 100% sau 15 ngày bảo quản.
Hiệu lực này còn duy trì tới 6 tháng ở điều kiện thường, với tỷ lệ tổn thất dưới 2%. Những kết quả nghiên cứu của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch với các loại côn trùng khác cũng cho thấy, chỉ sau 30 ngày, tất cả mọi côn trùng đều bị tiêu diệt hoàn toàn, và duy trì hiệu lực này tới 180 ngày.
Trong khi đó, ở mẫu đối chứng không sử dụng phương pháp bảo quản, mật độ mọt gạo và mọt đục hạt phát triển tăng cao so với ban đầu là 40 con/kg, đặc biệt còn xuất hiện thêm ngài mạch với tỷ lệ 10 con/kg, chỉ tiêu thủy phần tăng lên 14,7%, tỷ lệ hạt bị hại tăng 2,8%.
Nhờ khống chế được các chỉ tiêu độ ẩm, tiêu diệt côn trùng, vi sinh vật, nên chất lượng thóc bảo quản ở mẫu xử lý cao hơn hẳn so với mẫu đối chứng, tỷ lệ rạn nứt giảm 13%, tỷ lệ thu hồi gạo nguyên tăng 5,2%.
Theo TS. Trần Thị Mai, quy trình sơ chế thóc trước khi bảo quản với silicagen tương đối đơn giản, tiện dụng với việc bảo quản quy mô nhỏ tại hộ gia đình. Thóc thương phẩm trước khi đưa vào bảo quản, cần phải phơi khô để đảm bảo độ ẩm dưới 14%, đồng thời phải làm sạch, độ tạp chất không quá 2%. Công đoạn phơi khô và làm sạch rất quan trọng, giúp cho thóc được bảo quản an toàn, tránh bốc nóng, tránh hô hấp mạnh, hạn chế nhiễm côn trùng và vi sinh vật.
Nếu bảo quản thóc trong thùng kim loại, chỉ cần trộn 0,1% silicagen với lớp thóc dày 40 cm trên bề mặt, sau đó đậy nắp kín. Nếu bảo quản trong bao bì, thì trộn 0,1% silicagen với toàn bộ số thóc, sau đó đóng bao, xếp vào kho bảo quản. Thóc bảo quản nên đặt ở nơi thông thoáng, tránh chỗ ẩm ướt, tránh mưa nắng hắt vào.
Quá trình bảo quản, cần kiểm tra định kỳ 15 ngày 1 lần, nhằm kịp thời phát hiện những hiện tượng bất lợi xảy ra trong quá trình bảo quản: Bốc nóng, hấp hơi, ngưng tụ nước. Nếu xảy ra các hiện tượng này, cần phải xử lý ngay, phơi sấy khô đến độ ẩm an toàn, sau đó trộn lại với chất hoạt động bề mặt để tiếp tục bảo quản.
(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com