KS. Lê Việt - Tổng giám đốc Công ty cổ phần cơ khí & đúc kim loại Sài Gòn (SAMECO) và nhóm cộng sự vừa chính thức công bố đã thực hiện thành công quy trình công nghệ đúc mẫu chảy các chi tiết phức tạp chất lượng cao cho ngành cơ khí, với công suất 600 tấn/năm. Đây là lần đầu tiên công nghệ này được công ty trong nước thực hiện thành công. Kết quả này sẽ thiết thực góp phần cung cấp cho thị trường trong nước những sản phẩm phôi đạt chất lượng cao (giúp các doanh nghiệp trong nước giảm giá thành sản xuất), nâng cao khả năng cạnh tranh và xuất khẩu cho các doanh nghiệp cơ khí...
Theo KS. Lê Việt, tạo phôi (phôi thô và tinh cung cấp cho các khâu gia công lắp ráp) là một trong những khâu quan trọng của ngành công nghiệp cơ khí. Các doanh nghiệp trong nước cho đến nay chủ yếu vẫn đang sử dụng công nghệ đúc bằng khuôn cát, mà mặt hạn chế là chất lượng vật đúc thấp và tỷ lệ phế phẩm cao (trên 30%). Đúc trong khuôn mẫu chảy là một phương pháp mới nhiều ưu điểm. Mẫu đúc được làm bằng vật liệu có nhiệt độ chảy thấp, khá bền nhưng dễ chảy nhằm tạo ra lỗ khuôn mà không cần mặt phân khuôn. So với đúc bằng khuôn cát, đúc mẫu chảy có thể làm được các chi tiết phức tạp, có thành mỏng, chất lượng bề mặt cao, giảm đáng kể lượng gia công cơ khí, nhiều chi tiết đúc xong có thể sử dụng ngay. Đúc mẫu chảy có thể làm được các sản phẩm có trọng lượng từ vài gram đến vài chục kilogram.
Đúc mẫu chảy hiện đang được sử dụng rất nhiều trên thế giới. Các dòng sản phẩm đúc bằng công nghệ mẫu chảy ngày càng nhiều vì có chất lượng cao và tỷ lệ sản phẩm hư hỏng thấp. Theo khảo sát của khoa công nghệ vật liệu Trường đại học bách khoa TP.HCM, ở TP.HCM hiện chỉ có một doanh nghiệp sử dụng công nghệ đúc mẫu chảy, chỉ để sản xuất các sản phẩm trang trí mỹ nghệ. Trong khu chế xuất Tân Thuận có một công ty của Nhật áp dụng công nghệ này để sản xuất các chi tiết máy, song các sản phẩm chủ yếu được xuất về thị trường Nhật và ra thị trường thế giới.
KS. Lê Việt đã quyết định “phải tìm cách nhanh chóng chuyển giao được, nắm và làm chủ được công nghệ tiên tiến này, có như vậy mới có thể giúp cho ngành cơ khí chế tạo của TP.HCM phát triển”. Ông Việt mạnh dạn đầu tư gần 10 tỷ đồng cho mục tiêu nói trên (với vốn tự có của công ty là hơn 3 tỷ; vay từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của TP.HCM 4,7 tỷ; vay từ Công ty phát triển KCN Sài Gòn 1,6 tỷ). Sau một thời gian tham khảo, KS. Lê Việt và nhóm cộng sự đã tiếp cận với Tổ chức phát triển kinh tế hải ngoại (JODC) và Công ty Wakoh của Nhật. Phía Nhật đồng ý chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý (công nghệ đúc mẫu chảy, tổ chức sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng và thực hiện 5S) cho Sameco.
Khi đã có được thỏa thuận, Sameco khẩn trương tiến hành xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, và chuẩn bị đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Đầu tháng 1/2009 KS. Lê Việt cho biết hiện nay Sameco đã nắm và làm chủ được các bí quyết công nghệ do chuyên gia Nhật chuyển giao - cụ thể là quy trình công nghệ đúc sản phẩm hợp kim và làm các loại phụ tùng chi tiết máy có trọng lượng 0,1 - 30 kg, với sản lượng 40 - 50 tấn/tháng (480 - 600 tấn/năm). Sameco cũng đã sản xuất thành công những sản phẩm thử nghiệm đầu tiên do Nhật đặt hàng - sau khi kiểm tra đã đạt yêu cầu chất lượng của Nhật - những sản phẩm mà phía Nhật sẽ sử dụng trong các lĩnh vực như chi tiết trang trí trên máy bay, tàu điện ngầm, phụ tùng ô tô, xe máy, máy may, thiết bị điện, thiết bị công nghiệp, các loại van công nghiệp áp lực cao, van thực phẩm, y tế...
Sameco cho biết, sau khi xem xét năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của Sameco, tổ chức JODC (Nhật) đã quyết định sẽ đặt hàng dài hạn đối với Sameco, với giá trị có thể đến 100 triệu đô la/năm. Một tín hiệu đáng mừng khác là Sameco cũng đã nhận được đơn đặt hàng của Hàn Quốc và một số nước châu Âu...
KS. Lê Việt chia sẻ: “Trước tình hình ngành cơ khí và đúc kim loại ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung còn lạc hậu so thế giới, chúng tôi mạnh dạn đứng ra đầu tư dây chuyền công nghệ đúc mẫu chảy với mong muốn tạo một cú đột phá để tạo ra những sản phẩm mới và mẫu mã mới có chất lượng cao. Những kết quả lạc quan bước đầu cho thấy sự đầu tư này là cần thiết, hợp lý và mang lại hiệu quả cao. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn, trong thời gian tới chúng tôi hy vọng các cơ quan chức năng sẽ cho chúng tôi được miễn giảm các khoản thuế đối với khoản đầu tư các máy móc thiết bị phục vụ cho dự án”.
(Theo Tạp chí hoạt động khoa học)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com