Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bớt nỗi lo nhiễm khuẩn

Thiết bị đặc biệt ở chỗ được thiết kế, chế tạo phù hợp với thực tế sử dụng trong nước, ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt nên dễ thao tác, vận hành đơn giản, giá chỉ bằng 1/3 so với thiết bị ngoại

Khử trùng dụng cụ y tế là một trong những vấn đề luôn làm đau đầu lãnh đạo các bệnh viện. Hiện số bệnh viện, cơ sở y tế được trang bị hệ thống thiết bị khử trùng dụng cụ y tế nhập ngoại rất ít vì giá thành không hề rẻ. Ngay cả nhiều nơi đã trang bị được thiết bị khử trùng dụng cụ y tế nhập ngoại thì khi khử trùng dụng cụ y tế rồi cũng chỉ đóng gói bằng cách bọc một lớp vải cotton và phân phối cho các khoa, phòng sử dụng. Vì vậy, khả năng tái nhiễm từ các dụng cụ y tế là rất cao, tối đa chỉ sau khoảng một tuần dù chưa sử dụng vẫn phải khử trùng lại.

Kỹ sư Phan Mạnh Hùng và thiết bị tự động khử trùng dụng cụ y tế

Phối hợp 3 trong 1

Bức xúc trước khó khăn của các bệnh viện, kỹ sư Phan Mạnh Hùng và nhóm cộng sự tại Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Petech (quận 10- TPHCM) đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công thiết bị tự động khử trùng dụng cụ y tế.

Đây là hệ thống phối hợp cả 3 phương pháp: xử lý hóa học, xử lý nhiệt và xử lý tia cực tím. Điều này giúp thiết bị có thể khử trùng được cả dụng cụ y tế kim loại và phi kim loại. Tùy theo loại dụng cụ y tế cần khử trùng, thiết bị sẽ có chương trình xử lý riêng.

Giải pháp phối hợp cả 3 phương pháp nói trên đã giúp rút ngắn thời gian so với cách làm truyền thống là phải khử trùng riêng từng loại: dụng cụ kim loại, quần, áo dùng phương pháp nhiệt là hấp khô hay luộc; dụng cụ phi kim loại như kính, cao su, nhựa... thì xử lý bằng phương pháp hóa học; đối với các dụng cụ như khay, lọ, hộp... thì dùng phương pháp chiếu xạ.

Ngoài ra, do quy trình khử trùng tự động hóa khép kín nên khả năng tái nhiễm dụng cụ y tế thấp. Thành phẩm sau khi đã khử trùng sẽ được đóng gói (ép chân không) vào túi PE, PP (chỉ sử dụng trong ngày), túi PA (1, 2 tháng). Thành phẩm sau khi đóng gói còn đượcxử lý một lần nữa bằng tia cực tím. Dụng cụ y tế sau khi đóng gói có thể bảo quản trong điều kiện bình thường (trong phòng sạch, thoáng mát).

Sản phẩm đầu tiên của nhóm kỹ sư Phan Mạnh Hùng đã được lắp đặt tại Khoa Chống nhiễm khuẩn của Bệnh viện Nhi Đồng 2 -TPHCM. Sau gần 1 năm sử dụng, thiết bị hoạt động tốt và điều quan trọng là chất lượng dụng cụ y tế sau khi được xử lý đã đạt các yêu cầu của ngành y tế.

Vận hành đơn giản

Đánh giá về thiết bị này, thạc sĩ BS Hồ Thị Kim Thoa, Trưởng Khoa Chống nhiễm khuẩn của Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết thiết bị tự động khử trùng dụng cụ y tế của Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Petech hiện đang đảm nhiệm việc khử trùng các loại dụng cụ y tế sử dụng hằng ngày (dao, kéo, kìm, nhựa, kính, các loại bông, băng, gạc...), cung cấp cho các khoa của bệnh viện. Thiết bị dễ vận hành, dụng cụ y tế sau khi khử trùng được Viện Pasteur kiểm nghiệm về vi sinh, các vi sinh như S.aureus, E.coli, Pseudomonas, nha bào... đều cho kết quả âm tính.

Thiết bị có chất lượng sử dụng không thua hàng ngoại và đặc biệt ở chỗ được thiết kế, chế tạo phù hợp với thực tế sử dụng trong nước, ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt nên dễ dàng thao tác, vận hành đơn giản, giá chỉ bằng 1/3 so với thiết bị ngoại (khoảng 250-300 triệu đồng). Ngoài Bệnh viện Nhi Đồng 2, các bệnh viện đa khoa ở hai tỉnh Khánh Hòa và Quảng Trị cũng đã đặt mua sản phẩm này. 

Xử lý 10 kg-30 kg/lần

Thiết bị tự động khử trùng dụng cụ y tế của Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Petech có các hệ thống chính là rửa, sấy khô; khử trùng bằng dung dịch ozone, xử lý nhiệt hấp khô, xử lý tia cực tím... Riêng các loại dụng cụ như bông, băng, gạc sẽ được khử trùng bằng tia UV. Thiết bị còn có bộ phận đóng gói tự động. Tải trọng dụng cụ y tế cho một lần xử lý là từ 10 - 30 kg. Thời gian xử lý khử trùng 15 phút. Đóng gói chân không 12 giây.

Giải pháp nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị tự động khử trùng dụng cụ y tế của Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Petech vừa đoạt giải 3 trong hội thi Sáng tạo kỹ thuật TPHCM năm 2010.

(Bài và ảnh: LÊ LẠC SƠN // Nguoilaodong Online)

  • Việt Nam đã sản xuất được sản phẩm hóa dầu đầu tiên - hạt nhựa
  • Kỹ thuật mới - Công nghệ mới: Cổng trục một dầm nâng tải trọng 200T
  • Nghiên cứu, sản xuất thành công giống cá thát lát
  • Đun nước bằng nhiệt thải máy lạnh
  • Mô hình xử lý khí thải lò tái chế kim loại hiệu quả
  • Sản xuất thành công chế phẩm sinh học từ trùn quế
  • Năm 2012, Vinasat 2 sẽ được phóng lên quỹ đạo
  • 35% đề tài khoa học được ứng dụng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị