Vệ tinh Vinasat 1 được phóng lên quỹ đạo ngày 19-4-2008. |
Hai năm sau khi vệ tinh Vinasat 1 đi vào hoạt động, Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) – chủ đầu tư Vinasat 1 – công bố tiếp tục phóng Vinasat 2 vào giữa năm 2012. VNPT còn cho biết hoạt động kinh doanh vệ tinh Vinasat 1 có thể sẽ về đích trước một năm so với kế hoạch ban đầu…
Khi đưa Vinasat 1 vào hoạt động, VNPT dự báo phải 5-7 năm nữa mới cần phóng vệ tinh thứ hai. Tuy nhiên chỉ sau hai năm khai thác kinh doanh, VNPT đã họp báo công bố việc phóng Vinasat 2 cùng với việc ký hợp đồng đầu tiên – gói thầu lớn nhất – cho dự án này. Cạnh tranh được Nhiều đơn vị sử dụng dịch vụ vệ tinh của Vinasat 1 đã có nhận định ủng hộ quan điểm Việt Nam phải đầu tư vệ tinh. Ông Phạm Thái Hùng, Phó giám đốc phụ trách về kỹ thuật của Trung tâm Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV), cho biết trước khi Việt Nam có vệ tinh Vinasat 1, VCTV đã sử dụng dịch vụ vệ tinh của nước ngoài. Do ưu tiên hàng đầu của việc phóng vệ tinh là phục vụ cho nhu cầu của quốc gia mình nên thường các nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh nước ngoài chỉ cho thuê khi dung lượng còn thừa. Khi VCTV có nhu cầu thuê thêm dung lượng để nâng cao chất lượng dịch vụ (muốn hình ảnh có độ nét cao thì dung lượng phải lớn) thì dung lượng đã hết. Ông Hùng nói: “Khi phóng vệ tinh, các nước thường chọn tọa độ tốt nhất cho việc thu phát tín hiệu của quốc gia họ nên nếu chúng tôi thuê vệ tinh của họ thì chắc chắn tín hiệu không thể tốt bằng thuê vệ tinh của Việt Nam”. Ngoài ra, việc Việt Nam đầu tư vệ tinh còn rất thuận tiện cho việc phát triển dịch vụ truyền hình mới. Nhờ có vệ tinh mà Việt Nam mới cung cấp được dịch vụ truyền số vệ tinh DTH trong năm nay. Đây là một dịch vụ truyền hình trả tiền bổ trợ cho dịch vụ truyền hình cáp. DTH phát sóng qua vệ tinh nên không cần phải kéo dây đến nhà khách hàng như truyền hình cáp thông thường. DTH được phát sóng với băng tần cao nên vùng phủ rộng, có thể dễ dàng cung cấp dịch vụ đến các gia đình có nhu cầu về truyền hình trả tiền ở nhiều địa hình khác nhau. Để cung cấp dịch vụ DTH thường cần dung lượng vệ tinh khá lớn. Ông Jean-Noel Tronc, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Canal Overseas, tập đoàn Canal+ (Pháp) – đối tác tham gia cùng VTV mở liên doanh đầu tiên trong lĩnh vực truyền hình là Công ty Truyền hình kỹ thuật số vệ tinh Việt Nam (VSTV), cho biết: “Canal+ đã có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ truyền hình số vệ tinh ở nhiều quốc gia nên đã sử dụng dịch vụ vệ tinh của nhiều nhà cung cấp khác nhau. Canal+ đã chọn sử dụng dịch vụ vệ tinh Vinasat 1 với mức giá và chất lượng dịch vụ tương đương với các nhà cung cấp khác”. Và hiệu quả Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp nói: “Hai năm khai thác vệ tinh Vinasat 1 cho thấy định hướng đầu tư cho vệ tinh của Việt Nam là đúng. Việc thực hiện dự án Vinasat 2 nhằm hướng đến mục tiêu chiến lược của quốc gia trong việc tăng cường năng lực của hạ tầng viễn thông, đáp ứng nhu cầu sử dụng vệ tinh của thị trường trong nước và khu vực mà Vinasat 1 và một số vệ tinh của các nước trong khu vực khó có thể cung cấp được”. Vinasat 2 cùng với Vinasat 1 sẽ tạo thành một hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng dung lượng trong trường hợp một trong hai vệ tinh gặp sự cố, góp phần tăng cường độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng; củng cố an ninh, an toàn cho mạng viễn thông quốc gia. Bên cạnh đó việc thực hiện dự án Vinasat 2 sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành vệ tinh viễn thông Việt Nam, phục vụ chiến lược phát triển và kinh doanh dài hạn của VNPT trong lĩnh vực thông tin vệ tinh, góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin vệ tinh, phục vụ chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ của Việt Nam… Nói về việc VNPT đầu tư cho Vinasat 2, ông Lâm Quốc Cường, Phó giám đốc Công ty VTI, đơn vị quản lý và khai thác Vinasat 1, cho biết hiện nay dung lượng của vệ tinh này đã được khai thác khoảng 80%, tình hình kinh doanh của Vinasat 1 đạt kết quả ngoài dự kiến, sớm hơn kế hoạch đặt ra gần hai năm. Dự kiến trong hai năm (2010-2011), toàn bộ dung lượng của Vinasat 1 sẽ được đưa vào khai thác và VNPT sẽ thu hồi vốn sau 11 năm hoạt động, nhanh hơn dự kiến một năm. Trong khi đó, theo khảo sát của VTI, nhu cầu sử dụng dịch vụ vệ tinh đang ngày càng tăng nhanh tại Việt Nam. Do vậy, nếu đầu tư Vinasat 2 sẽ tận dụng được lợi thế về thị trường cả trong nước và khu vực. “Vinasat 2 khi được đưa vào khai thác kinh doanh chắc chắn sẽ có khách hàng thuê ngay”, ông Cường dự báo. Trước đây, khi Vinasat 1 đi vào hoạt động, không ít người đã cho rằng nếu vệ tinh này có khách hàng chẳng qua là do có các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước bị “ép” phải dùng. Song, ông Cường nói: “Có khá nhiều tổ chức nước ngoài thuê dịch vụ vệ tinh của Vinasat 1. Đến nay, Vinasat 1 đã cung cấp dịch vụ cho các khách hàng như VTV, HTV, VTC, VOV, Tổng cục Kỹ thuật – Bộ Công an, Binh chủng Thông tin liên lạc – Bộ Quốc phòng, mạng VSAT, đường trục thông tin cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, VSTV, các công ty dầu khí, Laos Telecommunications (Lào), Thaicom (Thái Lan), Websat (Singapore)...”. Không chỉ đảm nhiệm được việc khai thác, đội ngũ chuyên gia của Việt Nam còn có khả năng vận hành vệ tinh. Ông Cường còn cho biết, hiện toàn bộ hoạt động vận hành, điều khiển Vinasat 1 đều do đội ngũ cán bộ của VNPT đảm nhiệm. Trạng thái hoạt động của Vinasat 1 trên quỹ đạo đang ổn định và bảo đảm tốt các yêu cầu về kỹ thuật. Trong hơn hai năm qua, toàn bộ hệ thống thiết bị có liên quan của Vinasat 1 hoạt động không có sự cố lớn nào xảy ra. VNPT đã ký kết hợp đồng gói thầu số 2 “Cung cấp vệ tinh, thiết bị trạm điều khiển và dịch vụ phóng” với Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) –– đối tác đã cung cấp dịch vụ trong dự án Vinasat 1. Gói thầu này chiếm 215 triệu đô-la Mỹ trong tổng số 300 triệu đô-la được dành để đầu tư cho dự án Vinasat 2. Ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình viễn thông của VNPT, cho biết trong khi Vinasat 1 được phát trên băng tần C với hai bộ phát đáp thì Vinasat 2 được phát trên băng tần Ku với 24 bộ phát đáp. Ông Joe Rickers, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Lockheed Martin, cho biết Vinasat 2 sẽ được đưa vào khai thác vào quý 2-2012, có vùng phủ sóng là khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận với thời gian hoạt động được thiết kế là 15 năm.Vinasat 1 đang được đưa vào bệ phóng. Thông tin về Vinasat 2
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com