Các nhà khoa học ở khu trồng nấm. |
Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Linh chi và nấm dược liệu TP Hồ Chí Minh đã nuôi trồng thành công loài nấm quý Thượng Hoàng (Phellinus linteus) trên mạt cưa cây cao-su. Ðây là kết quả nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam trên cơ sở sưu tầm nguồn giống mọc hoang, mở ra triển vọng phát triển loài nấm quý này ở nước ta.
Thượng Hoàng là loài nấm mọc nhiều năm, lớp thụ tầng năm sau chồng lên lớp thụ tầng năm trước. Các loại nấm này đang được các nhà khoa học thế giới quan tâm vì đặc tính chống khối u của nó. Nấm thường mọc ở những vùng rừng sâu, núi cao hiểm trở, các khu rừng nguyên sinh nên tuổi nấm có khi lên tới hàng chục năm. Do phần lớn nguồn nấm trên thị trường hiện nay chủ yếu vẫn là thu hái hoang dại, số lượng ít trong khi nhu cầu sử dụng cao nên giá bán nấm trên thị trường quốc tế rất đắt, tùy vào nấm trồng hay mọc hoang. Trên thế giới mới hiện chỉ có bốn nước trồng thành công loài nấm này là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Thái-lan, tuy nhiên, sản lượng chỉ đạt khoảng vài tấn một năm do việc trồng tương đối khó. Tại Việt Nam, nấm cũng đã được nhập về từ Hàn Quốc và với giá bán khoảng 4 triệu đến 10 triệu đồng/kg, cao hơn nấm Linh chi...
Thạc sĩ Cổ Ðức Trọng, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, tại các nước trên, nấm Thượng Hoàng đang được trồng bằng cách cấy giống nấm vào gỗ khúc. Sau khi hệ sợi nấm lan đầy, các khúc gỗ sẽ được treo, hoặc đặt trên mặt đất để nấm mọc ra. Tuy nhiên, ngoài ưu điểm tạo môi trường tự nhiên cho nấm, việc trồng nấm trên gỗ khúc thường mất thời gian dài tới vài năm để gỗ có thể đạt yêu cầu khai thác. Các khúc gỗ khi đặt xuống đất dễ bị các loại dịch hại xâm nhiễm như sâu bọ, côn trùng, mối, nấm bệnh... khiến tỷ lệ hao hụt sản phẩm khá cao. Còn nếu treo lên cao sẽ khiến gỗ dễ bị mất nước và cần phải tưới ẩm liên tục. Chưa kể, trồng trên gỗ khúc còn tốn nhiều mặt bằng.
Khác với quy trình trồng nấm Thượng Hoàng của thế giới là trồng trên cây gỗ, nấm Thượng Hoàng do trung tâm sản xuất được trồng trong bịch mạt cưa gỗ cao-su. Theo đó, nấm giống được trộn vào bịch mạt cưa đã được thanh trùng rồi sắp lên kệ. Cách trồng này có thể khắc phục được một số hạn chế của việc trồng nấm trên gỗ khúc do mạt cưa cao-su - nguyên liệu chính để trồng nấm là phụ phẩm của nhà máy cưa nên chắc chắn rẻ hơn việc khai thác rừng hoặc trồng rừng để lấy gỗ trồng nấm. Phương pháp trồng này vừa giảm diện tích, vừa tránh cho nấm không bị nhiễm bệnh, sạch hơn và giá thể khi ra sẽ đồng đều hơn. Ðặc biệt, do sử dụng mạt cưa nên người trồng có thể phối trộn dinh dưỡng, bổ sung nước vào cơ chất để đạt hiệu quả tối ưu. Thời gian lan của hệ sợi nhanh hơn, thời gian từ khi cấy giống đến khi thu hoạch ngắn hơn. Thời gian thu hoạch nấm là chín tháng sau khi cấy, trong khi trồng trên gỗ khúc như các nước phải mất từ 20 đến 24 tháng.
Việt Nam là nước có khá nhiều loài nấm quý Thượng Hoàng mọc, tuy nhiên phần lớn đã bị tận thu và gần như rất khó gặp nếu không đi sâu vào các vùng rừng nguyên sinh. Từ nhiều năm qua, các cán bộ khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Linh chi và nấm dược liệu đã sưu tầm khá nhiều loài nấm quý, lưu giữ được giống các loài này và nghiên cứu trồng trọt. Do đó việc sưu tầm, phân lập, định loại và bảo tồn nguồn gen, trồng trọt là cả một vấn đề lớn để gìn giữ các loài nấm có giá trị dược tính. Nhóm nghiên cứu cũng đã phối hợp với Viện Y dược học dân tộc để khảo sát về độc tính và dạng bào chế thích hợp cho nấm Thượng Hoàng.
Việc nghiên cứu trồng thành công nấm Thượng Hoàng trên nguồn nguyên liệu dễ kiếm tại Việt Nam, mở ra một khả năng phát triển trồng loài nấm quý. Từ kết quả nghiên cứu này, có thể chuyển sang sản xuất lớn nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp thực phẩm và dược phẩm trong nước với một tương lai gần. Việc áp dụng là khả thi vì công nghệ và quy trình trồng thích hợp với đặc điểm của Việt Nam, do chúng ta tự xây dựng. Ðến nay, nhóm nghiên cứu đã sản xuất được gần 150 kg nấm Thượng Hoàng tại hai địa điểm là Trung tâm Nghiên cứu Linh chi và nấm dược liệu TP Hồ Chí Minh và Trại nấm Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Công nghệ trồng loài nấm này chỉ cần hoàn thiện thêm các điều kiện sinh lý dinh dưỡng và ngoại cảnh để nâng cao hiệu suất sinh học. Nếu so với giá sản phẩm hiện đang bán trên thị trường, người trồng nấm có thể thoát nghèo nhờ loại nấm này. Không dừng lại đó, nấm Thượng Hoàng hoàn toàn có thể xuất khẩu, cũng như các công ty dược phẩm có thể nghiên cứu quy trình bào chế thành các dạng sản phẩm tiện dụng cho người tiêu dùng.
(Theo NGUYỄN VĂN KHOA // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com