Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhân ngày hội Tái chế chất thải 2009 - Nói về “xã hội tuần hoàn vật chất”

Theo Tiến sĩ Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ Tái chế TPHCM, “xã hội tuần hoàn vật chất” là một khái niệm xuất phát từ Nhật Bản để nói về việc tổ chức sử dụng các nguồn lợi vật chất một cách hiệu quả nhất. Hiểu một cách nôm na, đó là một xã hội mà trong đó tất cả những loại hình vật chất đều có thể được tái chế, sử dụng “xoay tua” nhiều lần, với nhiều hình thức, công năng khác nhau nhằm bảo vệ thiên nhiên và môi trường.


TPHCM: tái chế đã có từ hàng trăm năm trước, nhưng...
 
Thực ra, không phải đợi đến khi người Nhật đưa ra khái niệm “xã hội tuần hoàn vật chất” thì người ta mới biết tái chế chất thải. Ở TPHCM, một nghiên cứu của Quỹ Tái chế cho thấy, cách nay hàng trăm năm đã có hoạt động tái chế chất thải.
 

Phơi bao ni lông tại một điểm thu mua phế liệu ở huyện Bình Chánh. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Ngày ấy, với những gánh đồng nát, đi mua vỏ chai, túi nhựa, giấy cũ… người dân Sài Gòn đã biết đi thu gom những chất thải có thể tái chế được, đem về bán cho các vựa ve chai. Từ các vựa ve chai, chất thải sẽ được phân loại rồi đưa đến các cơ sở tái chế.

Hiện TPHCM có đến hơn 300 cơ sở tái chế (gồm cả thu mua phế liệu và tái chế), tập trung ở các quận 6, 8, 10, Bình Tân, Tân Phú và nhiều nhất là ở quận 11. Hoạt động tái chế ở TPHCM khá đa dạng. Người ta có thể tái chế giấy, thủy tinh, kim loại (sắt, nhôm, đồng), tái chế nhựa và cao su… thành rất nhiều sản phẩm khác nhau.

Khá lâu đời là thế song hoạt động tái chế ở Sài Gòn trước đây và bây giờ là TPHCM cũng còn rất thô sơ, lạc hậu. Có đến hơn 90% cơ sở tái chế ở thành phố có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu. Hoạt động tái chế cũng chỉ tập trung ở 2 hình thức: đốt hoặc nghiền chất thải rồi pha thêm hóa chất để tạo ra sản phẩm mới. Các chất thải điện tử phức tạp như ti vi, tủ lạnh… hầu như chưa được xử lý đúng cách.

Tái chế về nguyên tắc là một hoạt động nhằm bảo vệ môi trường nhưng tại TPHCM, do công nghệ tái chế lạc hậu, hoạt động tái chế đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Khảo sát của Quỹ Tái chế cho thấy, có đến 94% cơ sở tái chế không có hệ thống xử lý nước thải và khoảng 84% cơ sở không có hệ thống xử lý khí thải. Tất cả các chất này đều được thải “vô tư” ra môi trường và ảnh hưởng rất xấu đến môi trường sống của cộng đồng.

Cũng do công nghệ lạc hậu nên sản phẩm tái chế của thành phố thường có chất lượng rất kém. Việc sử dụng các sản phẩm này có thể cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo việc dùng các túi ni lông tái chế không đạt chuẩn, để đựng thức ăn nóng, có thể gây ngộ độc, vô sinh…

“Xã hội tuần hoàn vật chất” bao giờ có tại TPHCM?

Thật không dễ trả lời cho câu hỏi này, Tiến sĩ Lê Văn Khoa đã khẳng định như vậy. Theo ông Khoa, muốn xây dựng một xã hội như vậy phải cần 3 yếu tố: cơ chế chính sách phù hợp, công nghệ tiên tiến và nhận thức đúng đắn của cộng đồng đối với vấn đề tái chế.

Hiện nay, tại Việt Nam hầu như chưa có một cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động tái chế phát triển. Hoạt động tái chế ở Việt Nam phần lớn đều được hình thành một cách tự phát, không được quy hoạch và định hướng.

Trong khi đó, trên thế giới, nhiều nước đã xây dựng rất nhiều bộ luật liên quan đến hoạt động tái chế. Nhật Bản có đến 10 bộ luật nói đến hoạt động tái chế, thậm chí Nhật Bản còn có một quy định bắt buộc doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phải có trách nhiệm thu gom một phần các sản phẩm đã qua sử dụng của mình và có trách nhiệm đóng góp kinh phí cho việc tái chế các sản phẩm ấy.

Tại TPHCM, trong nỗ lực chấn chỉnh, đổi mới hoạt động tái chế, UBND TP đã cho phép thành lập 3 quỹ tài chính, hỗ trợ cho hoạt động tái chế và bảo vệ môi trường. Quỹ Tái chế, Quỹ Xoay vòng và Quỹ Giảm thiểu ô nhiễm, trực thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường.

Ngoài ra, còn có một số quỹ khác hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ cũng liên quan đến việc tái chế, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tác dụng của các quỹ này đối với hoạt động tái chế chưa nhiều, chủ yếu do nguồn tài chính của quỹ còn hạn hẹp, lãi suất cho vay chưa thật sự hấp dẫn doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp vay tối đa chỉ khoảng 7 - 8 tỷ đồng/lần, chưa đủ để doanh nghiệp (có quy mô khá trở lên) đầu tư đổi mới công nghệ tái chế.

Nhận thức của cộng đồng về hoạt động tái chế cũng còn chưa cao. Rất nhiều người dân còn chưa nhận thức được như thế nào là tái chế và đặc biệt, đáng lo hơn cả là không ít cán bộ có trách nhiệm cũng chưa nhận thức hết tầm quan trọng của hoạt động tái chế.

Đã có không ít nhà đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế ở TPHCM than phiền: thủ tục đầu tư quá rườm rà và họ chưa nhận được sự hỗ trợ thích hợp của một số cán bộ, chủ yếu ở các quận, huyện cho hoạt động này…

Theo kế hoạch của UBND TPHCM, ngày 17-5-2009, thành phố sẽ tổ chức ngày hội Tái chế chất thải năm 2009 tại Công viên Lê Văn Tám. Tại ngày hội, người dân thành phố sẽ được tham gia chương trình “đổi đồ cũ lấy đồ mới” (người dân đem đồ cũ đến trao đổi với nhau hoặc có thể trao đổi với ban tổ chức để được nhận đồ mới); được tặng sách, truyện liên quan đến hoạt động tái chế; được xem các chương trình văn nghệ cổ động cho việc bảo vệ môi trường…


Đây sẽ là hoạt động thường niên của TPHCM nhằm tuyên truyền, giáo dục người dân quan tâm hơn đến hoạt động tái chế. Năm 2009, là năm thứ 2 TPHCM tổ chức ngày hội Tái chế chất thải.

(Theo NGUYỄN KHOA // ssgp online)

  • Học sinh Việt nhận học bổng của Tổng thống Mỹ
  • Nghiên cứu sinh VN tại Đức trao đổi kinh nghiệm
  • Khởi công làng đại học Đà Nẵng
  • Khánh thành 2 phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch tại TP HCM
  • 2.000 tỷ đồng cho Đề án đào tạo nguồn nhân lực KH-CN hạt nhân Việt Nam
  • Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân: 9 nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam
  • KH-CN Việt Nam phải đáp ứng được những yêu cầu đổi mới của đất nước
  • Xây dựng khu Công nghiệp công nghệ cao Đà Nẵng: Cần khai thác đặc thù riêng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị