Những đóng góp của nữ trí thức với sự nghiệp phát triển đất nước rất đáng kể, song đãi ngộ của xã hội chưa xứng với công sức và tiềm năng của họ.
Lực cản định kiến giới
TS Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội lấy câu chuyện về chiếc huy chương vàng của bóng đá nữ tại SEAGAMES 25 để làm ví dụ.
Theo bà Hồng, cũng là đội tuyển quốc gia, cũng là huy chương vàng, thế nhưng đội tuyển nữ đoạt được cũng chỉ là phần thưởng cùng với những nụ cười khoan dung và niềm vui phảng phất. Song nếu đó là chiến thắng của bóng đá nam, chắc chắn cả đất nước sẽ “bay lên vì sung sướng và tự hào”. Chắc chắn phần thưởng cho đội tuyển nam cao hơn nhiều so với phần thưởng của đội tuyển nữ. Nêu ví dụ này, bà Hồng cho rằng, nữ trí thức cũng có phần bị đối xử tương tự như vậy.
Trong lực lượng nghiên cứu khoa học có 42,2% phụ nữ tham gia.Ảnh:Đức Long |
Phụ nữ trí thức nói chung vốn đã thiệt thòi hơn nam trí thức. Trí tuệ của họ phải chia ra làm hai, phần giành cho sự nghiệp, phần giành cho gia đình. Thế nhưng, ngay cả trong luật lao động cũng thể hiện sự bất bình đẳng này. “Luật cho phụ nữ nghỉ hưu ở tuổi 55, nam giới ở tuổi 60. Điều gì khiến phụ nữ, đặc biệt là nữ trí thức phải về hưu sớm hơn so với nam giới khi họ có sức khỏe và mong muốn tiếp tục được cống hiến?”, bà Đỗ Thị Vân, Trưởng ban tổ chức cán bộ, VUSTA, nêu ý kiến.
Theo bà Lê Thị Hồng Hiệp, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi, việc nghỉ chế độ trước nam giới 5 tuổi có thể làm hạn chế sức cống hiến của phụ nữ. Bởi phụ nữ mất nhiều thời gian cho thiên chức làm mẹ, và khi có thời gian cống hiến lại nhanh chóng kề cận với tuổi nghỉ hưu chế độ.
Cần luật hóa
PGS.TS Bùi Thị An, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khoa học nữ Hà Nội cũng cho rằng, các nữ trí thức còn chịu nhiều thiệt thòi khác, đó là ít được giao các vị trí lãnh đạo. “Phụ nữ hoàn toàn có thể đảm đương tốt công việc này. Bằng chứng là số nữ trí thức đứng đầu các tổ chức phi chính phủ điều hành rất tốt”, PGS An nói.
Theo TS. Khuất Thu Hồng, sự thiệt thòi của nữ trí thức vẫn còn hiển hiện trong cuộc sống và công việc hàng ngày, song với các nữ trí thức làm việc ngoài Nhà nước, ở các tổ chức phi chính phủ còn thiệt thòi hơn. Hiện, một nữ trí thức ngoài Nhà nước muốn được coi là giỏi giang phải kiếm được nhiều nguồn lực cho các hoạt động khoa học - công nghệ của mình. Sản phẩm lao động của họ phải được xã hội sử dụng. “Các danh hiệu, giải thưởng rất ít khi dành cho các nữ trí thức ngoài Nhà nước”, TS. Hồng cho biết.
PGS. An cho rằng, Nhà nước nên có cơ chế chính sách, luật hóa để các tổ chức khoa học thuộc hệ thống ngoài Nhà nước nói chung, các tổ chức có nữ trí thức đứng đầu nói riêng đỡ thiệt thòi. Hội Phụ nữ Việt Nam cũng cần xác định rõ vai trò của nữ trí thức để có thể tập hợp được sức mạnh của lực lượng này.
Ở Việt Nam, lực lượng lao động xã hội ngày càng có sự tham gia đông đảo của nữ trí thức. Trong khoa học công nghệ, nữ chiếm tỷ lệ 42,2%. Trong giáo dục và đào tạo, nữ chiếm 70%. Hiện có 33,1% đại biểu nữ trong Quốc hội (Khóa XII), cao nhất ở châu Á và là một trong những nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất thế giới. |
(Theo Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com