Ảnh lớn: Dò nước ngọt trong lòng đại dương. Ảnh nhỏ: Nước ngọt trào lên giữa lòng biển
Nước ngọt giữa biển
Việc dùng phương pháp ảnh điện 2D tìm khoáng sản, nước ngọt... trong đất liền không phải là mới mẻ nhưng để tìm nước ngọt trong lòng đại dương thì tại Việt Nam chưa có nhà khoa học, đơn vị nào tiến hành. Do khó khăn lớn nhất khi thực hiện trong lòng biển là sự nhiễu từ của nước biển.
Trên một đường thẳng từ bờ ra 3 km, cứ 20 m, các nhà khoa học gắn một điện cực thả ngập trong đáy biển. Các điện cực này sẽ truyền tín hiệu vào bộ thu, qua bộ chuyển đổi, sau đó vào máy tính, cuối cùng được các phần mềm chuyên dùng phân tích. Dựa vào các thông số thu được sẽ biết được cấu tạo từng lớp địa chất dưới đáy biển. Nếu là khu vực có nước ngọt, điện trở sẽ lớn và ngược lại. Độ sâu khảo sát có thể biết được đến 200 m, phụ thuộc vào chiều dài của các điện cực được gắn. TS Nguyễn Hồng Bàng cho biết: “Sai số qua kiểm tra đối chiếu chỉ ở mức 2,58%, đây là số liệu đáng tin cậy”.
Sau khi xác định được điểm có nước tại vùng biển gần phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu, TS Bàng cùng các cộng sự tiến hành khoan thử và phân tích mẫu nước. Kết quả phân tích cho thấy dù nằm dưới lòng biển ở độ sâu từ 48 – 106 m, cách bờ 3 km vẫn có nước ngọt sử dụng tốt cho sinh hoạt và sản xuất.
Công cụ thăm dò tài nguyên
Là người được chứng kiến quá trình thực hiện nói trên, PGS-TS Nguyễn Thành Vấn, Trưởng Bộ môn Vật lý địa cầu Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia TPHCM, nhận xét: “Đây là thành công mới và là lần đầu tiên tại Việt Nam, do trong môi trường nước biển dẫn điện tốt dẫn đến phân tán dòng, nhiễu điện rất khó xác định chính xác”. Theo đánh giá của TS Trần Bình Trọng, chuyên viên Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên-Môi trường, thành công trên còn giúp khắc phục được thực tế xưa nay chúng ta muốn thăm dò tài nguyên nào trong lòng biển đều khoan một cách tràn lan, ảnh hưởng không tốt đến lòng biển.
Không chỉ dừng lại ở đó, TS Nguyễn Ngọc Thu, Giám đốc Trung tâm Địa vật lý thuộc Liên đoàn Địa chất miền Nam, cho biết: “Từ công trình nghiên cứu dò tìm nước ngọt trong lòng đại dương, mở ra một hướng mới trong việc tìm kiếm các nguồn khoáng sản khác trên thềm lục địa”. Nếu kết hợp tốt với các lĩnh vực khoa học khác sẽ tạo ra được sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ tốt cho việc điều tra, thăm dò và khai thác tài nguyên.
“Sắp tới, công trình này sẽ được hoàn thiện hơn nữa để không chỉ phục vụ cho việc tìm nước ngọt trong lòng biển mà còn mở ra phương pháp điều tra tài nguyên, khoáng sản trên thềm lục địa trong chiến lược phát triển biển, đảo Việt Nam” - TS Trần Bình Trọng chia sẻ.