Hiện cả nước có 60/63 trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN). Sau 5 năm hoạt động (2003-2008), với chức năng làm cầu nối, tiếp thu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu, các kỹ thuật tiến bộ và công nghệ mới vào sản xuất, các trung tâm đã góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi…
Tuy nhiên, hiệu quả mang lại so với yêu cầu thực tế vẫn còn không ít hạn chế. Đó là chủ đề xoay quanh hội thảo toàn quốc về các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN địa phương lần thứ nhất vừa diễn ra tại Đà Nẵng.
Bám sát thực tiễn đời sống
Với chức năng chính là tổ chức nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ KH-CN, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố cũng như xã hội, Trung tâm Công nghệ sinh học và ứng dụng KH-CN Đà Nẵng đã triển khai được một số mô hình thiết thực như mô hình chuyển giao cho nông dân như hầm khí sinh học biogas và bếp tiết kiệm năng lượng tại các hộ gia đình nuôi heo; trồng các loại nấm sử dụng rơm rạ phế thải, làm phân vi sinh hữu cơ; xử lý nước phèn cho các hộ miền núi…
Bên cạnh đó, chương trình tiết kiệm năng lượng cũng được Trung tâm Công nghệ sinh học và ứng dụng KH-CN Đà Nẵng thực hiện từ năm 2006 và đã tiến hành được nhiều khóa đào tạo kiểm toán viên năng lượng cho các doanh nghiệp, một số ban ngành…
Bà Nguyễn Thị Thúy Loan, Giám đốc trung tâm cho biết, hầu hết các mô hình do trung tâm thực hiện sát thực với đời sống nông dân, nâng cao thu nhập cho không ít hộ gia đình và giảm thiểu chi phí cho hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Được thực hiện chế độ hạch toán tự trang trải kinh phí từ năm 1999, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ KH-CN tỉnh Tiền Giang cũng đã xúc tiến nhiều hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật.
Theo ông Dương Văn Bon, Giám đốc trung tâm, nhờ xác định được các nhu cầu đời sống kinh tế-xã hội địa phương nên trung tâm đã đẩy mạnh các hoạt động triển khai dịch vụ như tư vấn đánh giá tác động môi trường, giám sát môi trường, xử lý nước cấp sinh hoạt nông thôn, đào tạo cán bộ kỹ thuật về kiểm định và hiệu chuẩn các thiết bị đo lường…
TS Nguyễn Xuân Độ, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ cho rằng, nhiều trung tâm đã thực hiện được các nhiệm vụ có lựa chọn, tiếp thu và chuyển giao công nghệ từ các kết quả nghiên cứu đề tài, dự án của các viện, trường. Nổi bật là các chương trình nông thôn miền núi, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường… cho hiệu quả cao. Một số trung tâm đã làm chủ được công nghệ và chuyển giao công nghệ vào đời sống xã hội, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cho địa phương.
Nguồn vốn đầu tư sử dụng chưa đúng
Mặc dù đã hoạt động mang lại một số hiệu quả đáng kể nhưng theo các nhà khoa học tham dự hội thảo nói trên, đa số các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN của các địa phương vẫn chưa phát huy hết tiềm năng bởi nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng KH-CN ở nhiều địa phương chưa được sử dụng đúng mục đích. Nhiều địa phương chưa sử dụng đủ 2% ngân sách cho các trung tâm ứng dụng KH-CN đúng theo quy định của Luật Ngân sách. Việc phân bổ kinh phí cho hoạt động của các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN không có sự nhất quán trong cả nước mà tùy thuộc vào từng địa phương. Có nơi phân bổ chỉ tiêu, hạn mức kinh phí cho biên chế sự nghiệp như đối với cơ quan quản lý nhà nước nhưng có nơi chỉ cấp bằng 50% (cho phần lương). Do vậy, có tỉnh được cấp 500 triệu đồng/năm, nhưng có tỉnh chỉ được 50 triệu đồng/năm.
Theo số liệu tổng hợp từ 52 tỉnh thành, trong 5 năm (2003 – 2008), tổng kinh phí cấp thường xuyên cho các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN là 82,1 tỷ đồng, bình quân mỗi trung tâm nhận được 300 triệu đồng mỗi năm để chi cho các hoạt động. Đặc biệt, chỉ mới có 3 địa phương là Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc là sử dụng 2% ngân sách cho hoạt động này đúng theo quy định của Luật Ngân sách, còn lại nhiều địa phương nguồn tài chính đầu tư chỉ chiếm khoảng 0,2%.
Không những vậy, nhiều nơi sử dụng nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng phát triển KH-CN không đúng mục đích. Hai TP lớn là Hà Nội, TPHCM năm 2007 được phân bổ 200 - 300 tỷ đồng cho KH-CN, nhưng tỷ lệ chi sử dụng đúng mục đích còn thấp.
Đã có cơ chế, phải biết tận dụng
TS Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ cho rằng, trong các năm qua, Bộ KH-CN đã hỗ trợ cho hoạt động của các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN địa phương thông qua việc xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách, định hướng phát triển. Tuy nhiên, phần lớn các trung tâm vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.
Bên cạnh một số trung tâm phát huy hiệu quả ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thì đa số trung tâm vẫn lúng túng triển khai tổ chức hoạt động, nguồn nhân lực thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Hiện chỉ mới có 18/52 trung tâm thực hiện chuyển đổi theo NĐ 115 (chiếm 35%), 15/52 trung tâm mới làm đề án (26,5%), còn 19/52 trung tâm chưa làm đề án (chiếm 38,5%).
Để phát huy tiềm năng, phát huy hiệu quả của các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN của địa phương, TS Nguyễn Quân đề nghị Sở KH-CN các tỉnh tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong việc xác định rõ vai trò, vị trí của các trung tâm đối với hoạt động KH-CN của địa phương, đặc biệt là đối với nông dân, nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ các trung tâm chuyển đổi sang hoạt động theo NĐ 115 thông qua việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nghiệp vụ…
Tuy nhiên, ngay chính các trung tâm cũng phải biết tận dụng cơ chế để phát huy nội lực, theo TS Nguyễn Quân, đó là phải chủ động đề xuất các nhiệm vụ thường xuyên hàng năm về ứng dụng và chuyển giao công nghệ, mô hình tiến bộ kỹ thuật; xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn cho cán bộ, viên chức để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; chủ động xây dựng phương án phát triển và chuyển đổi hoạt động theo NĐ 115; phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo trung ương và địa phương, các doanh nghiệp… để tiếp thu công nghệ, nắm bắt nhu cầu công nghệ, qua đó đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn.
(Theo báo Sài gòn giải phóng )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com