Ứng dụng công nghệ “đất hóa đa” sản xuất gạch không nung: Bước tiến mới của ngành vật liệu xây dựng
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Ứng dụng khoa học và Chuyển giao công nghệ mới thuộc Viện Nghiên cứu hỗ trợ phát triển nông thôn đã ứng dụng thành công công nghệ "đất hóa đá" sản xuất gạch không nung.
Sản xuất gạch không nung tiết kiệm chi phí và giảm ô nhiễm môi trường.
Theo đó, tất cả nguyên liệu đất sẵn có ở mọi địa phương, trừ đất màu, đều có thể sử dụng để sản xuất loại gạch nói trên. Ngoài ra, các loại mạt đá vôi, cát, sạn, sỏi, rác thải rắn xây dựng, đất đào móng ao hồ, gạch vỡ, vôi vữa, than tổ nấu bếp, rác thải rắn công nghiệp (không độc), tro bay, xỉ than... kết hợp với phụ gia, qua lực ép tạo ra loại gạch không nung đạt tiêu chuẩn xây dựng. Phụ gia kết dính cũng được sản xuất trong nước trên cơ sở chiết xuất từ rỉ đường và một số cây cỏ có tinh dầu nên không độc hại... Các nhà khoa học cũng chế tạo thành công dây chuyền sản xuất gạch không nung công suất 9,5 và 11 triệu viên/năm, với giá thành khoảng 510 đồng/viên.
Kết quả kiểm tra gạch không nung sử dụng công nghệ "đất hóa đá" của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho thấy, gạch có độ nén đạt 120-130kg/cm2; độ uốn là 43kg/cm2; độ hút nước 8,8%-9,5% trong khi đó độ hút nước cho phép nhỏ hơn 18%. Công nghệ "đất hóa đá'' cũng giải quyết triệt để bài toán môi trường do gạch không qua khâu nung đốt nên không có khói, không có rác thải, không có nước thải do sử dụng nguyên liệu bán khô...
Được biết, phát triển gạch không nung là chủ trương lớn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1-8-2001 tại Quy hoạch tổng thể ngành vật liệu xây dựng (VLXD), với yêu cầu đưa gạch không nung thay thế gạch nung trong thi công các công trình xây dựng đạt tỷ lệ 25-30% trong năm 2010. Trong khi đó, tại Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, tỷ lệ VLXD không nung chiếm hơn 70% thị phần. Một số nước phát triển trên thế giới đang có xu hướng giảm gạch đất sét nung xuống còn 30-35% và tiến tới thay thế toàn bộ bằng gạch không nung. Việc nghiên cứu thành công công nghệ "đất hóa đá" sản xuất gạch không nung nêu trên không những là bước tiến của ngành VLXD Việt Nam mà còn góp phần giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường ở nông thôn hiện nay.