Tại sao phim kinh dị lại rùng rợn?
Một số tế bào não được kích hoạt khi bạn di chuyển, cũng như khi bạn nhìn thấy ai đó đang di chuyển. Điều này có nghĩa chúng ta bắt chước hành động của người khác một cách vô thức nên ở một chừng mực nào đó chia sẻ luôn sự trải nghiệm của họ. Những tế bào thần kinh “phản chiếu” này cũng cho phép chúng ta biết được cảm giác của người khác dù không nghĩ về nó. Ví dụ, khi bạn nhìn thấy người khác bày tỏ cảm xúc, vùng não điều khiển cảm xúc của bạn cũng hoạt động, tạo ra hiệu ứng lan truyền cảm xúc. Tế bào thần kinh phản chiếu giúp lý giải tại sao cảm giác sợ hãi truyền sang khán giả xem phim kinh dị khi họ nhìn thấy nhân vật trong phim hoảng loạn hoặc khiếp sợ (ảnh).
Bạn không bao giờ quên hết mọi thứ
Trí nhớ của chúng ta được phân bố khắp não, do đó dù bạn có mất một phần ký ức thì những ký ức còn lại vẫn tồn tại trong đầu. Một lợi ích của hệ thống lưu trữ thông tin này là nó giữ cho những kỷ niệm xa xưa khó có thể phai mờ. Quá trình thoái hóa và chấn thương não có thể làm suy giảm trí nhớ nhưng không hoàn toàn hủy hoại chúng. Ví dụ, bạn có thể quên tên một người chứ không quên gương mặt họ. Tuy nhiên, nếu ký ức được lưu giữ trong một vùng não riêng biệt thì chúng có nguy cơ bị xóa sạch khi phần não đó bị tổn thương (do đột quị hoặc chấn thương đầu).
Tại sao một số người không bao giờ hết đau buồn?
Mất đi người thân là nỗi đau tột cùng, nhưng theo thời gian, hầu hết mọi người đều vượt qua được. Tuy nhiên, với khoảng 10-20% người, niềm đau đó kéo dài và dường như không thể nguôi ngoai. Một nghiên cứu sử dụng phương pháp chụp cắt lớp não phát hiện đối với những người này, ký ức về người đã khuất giúp kích hoạt một vùng não liên quan đến phản xạ “tưởng thưởng”, tạo cho họ cảm giác thú vị và “ghiền”. Điều đó cho thấy tình trạng kéo dài nỗi đau, đối với họ, giống như cơn nghiện.
Có hay không hội chứng “bàn tay vô chủ”?
Một số người sở hữu bàn tay mà họ không thể kiểm soát được. Nó dường như hoạt động độc lập với ý nghĩ của “khổ chủ”, giống như nhân vật chính trong phim Dr Strangelove chiếu năm 1964, người có bàn tay phải luôn muốn giết chết anh ta (ảnh). Thực ra, hội chứng “bàn tay vô chủ” xuất hiện do tình trạng bất thường trong các vùng não có chức năng truyền tín hiệu đến hệ cơ. Điều đó cản trở não truyền nhiều tín hiệu đến cơ thể, thay vào đó chúng tạo ra những hành động vượt ngoài tầm kiểm soát của nhận thức, dẫn đến tình trạng chủ nhân muốn làm việc này nhưng bàn tay lại làm việc khác.
Học thêm ngoại ngữ giúp trẻ lâu
Việc sử dụng lưu loát 2 ngôn ngữ, đặc biệt từ thuở nhỏ, giúp nâng cao khả năng nhận thức cũng như có thể bảo vệ bạn khỏi nguy cơ suy giảm hoặc mất trí nhớ khi về già. Lý do là vì việc nói thành thạo ngôn ngữ thứ hai sẽ tạo ra nhiều mối liên kết giữa các tế bào thần kinh. Nghiên cứu cho thấy những người trưởng thành sử dụng 2 ngôn ngữ có lượng chất xám dày hơn, nhất là ở vùng não chi phối ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp. Ngoài ra, độ dày chất xám thường gia tăng ở những người học ngôn ngữ thứ hai trước khi lên 5.
Bí ẩn trong bộ não của thiên tài Einstein
Hầu hết bộ não của chúng ta đều như nhau, nhưng não của nhà bác học Albert Einstein có một chút khác biệt. Nó được phát hiện lớn hơn một chút và phần đường rãnh chạy qua vùng não liên quan đến năng lực toán học và suy luận không gian hầu như không thấy. Người ta cho rằng có thể chính sự khác biệt đó giúp các tế bào não của ông có thể thông tin dễ dàng hơn (chúng không phải kết nối thông qua khoảng trống nào cả), mang lại cho ông năng lực nhận biết không gian và tư duy toán học siêu phàm.
(Theo THANH TRÚC // Cantho Online // Telegraph )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com