Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những thành tựu y học nổi bật năm 2009 (Kỳ 2)

Cũng liên quan tới đại dịch cúm A/H1N1, những sản phẩm góp phần vào việc phòng chống dịch bệnh cúm này đã được đài CNN đưa vào danh sách 10 thành tựu y học nổi bật nhất trong năm 2009.

6. Khẩu trang chống vi-rút

Ngay sau khi xảy ra đợt bùng phát dịch bệnh SARS/cúm A/H5N1 hồi năm 2003, hãng dược phẩm Filligent có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã bắt tay ngay vào việc sản xuất ra khẩu trang chống vi-rút.

Và hãng này đã mất tới 6 năm, tiêu tốn đến 10 triệu USD để chế tạo khẩu trang sinh học chống vi-rút BioMask, vừa được “trình làng” ngay thời điểm dịch bệnh cúm A/H1N1 bùng phát trong năm 2009.

Không giống với các khẩu trang khác, khẩu trang sinh học BioMask có thể “bẫy mồi” và tiêu diệt sạch những mầm bệnh và hóa chất độc hại trong không khí, đồng thời còn làm tê liệt những vi-rút gây bệnh trước khi chúng có thể xâm nhập vào cơ thể.

7. Sơn kháng khuẩn

Một ngày nào đó, sơn tường nhà bạn có thể bảo vệ bạn khỏi các vi khuẩn, vi trùng nguy hại.

Số là các nhà khoa học thuộc Đại học South Dakota (Mỹ) đã tạo ra một loại phân tử chống khuẩn có thể trộn thêm vào sơn tường và vải sợi để giúp tạo đặc tính chống khuẩn của những sản phẩm này.

Chất này có tên gọi là N-halamine CI-TMPM có thể chống được những “siêu vi trùng” trong bệnh viện. Những “siêu vi trùng” này được cho là đã cướp đi mạng sống của khoảng 88.000 người/năm chỉ riêng ở Mỹ.

Các bệnh viện và trung tâm chăm sóc y tế sử dụng loại sơn này sẽ cần phải lau chùi, làm sạch những bức tường được sơn hằng tuần hoặc mỗi nửa tháng. Tuy nhiên, công dụng diệt khuẩn của loại sơn này sẽ kéo dài hơn một năm.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Yuyu San, hiện đang “đàm phán” với các hãng sơn để hợp tác sản xuất sơn chống khuẩn.

8. Ống nghe điện tử

Ống nghe (khám bệnh) không thay đổi nhiều trong nhiều thập niên qua nhưng hiện công ty sản xuất thiết bị y khoa 3M đã phát minh ra ống nghe điện tử Littmann Model 3200.

Đây là loại ống nghe điện tử đầu tiên sử dụng công nghệ Bluetooth để truyền dữ liệu đến máy tính. Ống nghe này truyền các âm thanh từ tim, phổi và những cơ quan khác đến một phần mềm có tên gọi là Zargis Cardioscan. Phần mềm này sẽ giúp phân tích sâu hơn những thông tin trên.

Ống nghe Littmann Model 3200 đã được tạp chí Popular Science (Mỹ) chọn là “Phát minh của năm 2009”.

 
Ống nghe điện tử Littmann Model 3200 - Ảnh: Allheart.com

9. Khớp gối JaipurKnee

Một nhóm các sinh viên trường Đại học Stanford (Mỹ) đã tạo ra khớp gối giả được xem là rẻ nhất thế giới, chỉ với giá 20 USD/chiếc (tương đương 365.000 đồng VN).

Khớp gối JaipurKnee mô phỏng theo các cử động của khớp gối bình thường và đã được 300 người ở Ấn Độ sử dụng.

Những khớp gối được dùng phổ biến trên thị trường gồm có khớp gối titan, có giá từ 10.000-100.000 USD.

Hy vọng của nhóm nghiên cứu này là sản xuất được 100.000 khớp gối trong vòng 3 năm tới và có thể giảm giá xuống dưới 20 USD/chiếc.

Tuy nhiên, tranh cãi xung quanh vụ khớp gối giả này đã xảy ra hồi tuần trước khi trường Đại học LeTourneau ở bang Texas khẳng định họ đã nghiên cứu chế tạo cùng sản phẩm như vậy trong nhiều năm nay.

 10. Hệ thống giữ ấm cơ quan nội tạng

Cho tới thời gian gần đây, các cơ quan nội tạng đợi để được cấy ghép vào bệnh nhân thường được đưa ngay lập tức vào tủ đông lạnh. Nhưng sau 5 giờ “trú” trong tủ lạnh, quả tim, phổi hoặc gan thường không còn “chất lượng” như trước.

Quỹ thời gian “eo hẹp” như vậy đã gây áp lực khủng khiếp cho bác sĩ cũng như bệnh nhân vì phải luôn sẵn sàng mổ và ghép ngay khi có cơ quan nội tạng.

Thế nhưng, đó chỉ là chuyện của trước đây, vì hiện nay đã có một bộ máy giúp giữ ấm các cơ quan này thay vì làm lạnh và liên tục bơm máu, khí ô-xy cũng như dưỡng chất cho các cơ quan này, qua đó, giúp kéo dài thời gian “trữ” cơ quan nội tạng lên gần 12 giờ.

Thông qua hệ thống chăm sóc cơ quan nội tạng trên, “con đẻ” của hãng cung cấp thiết bị y khoa TransMedics (Mỹ), việc cấy ghép nội tạng xuyên quốc gia không còn là điều quá xa vời. Chẳng hạn như một trường hợp trong năm nay khi một quả tim đã được đưa từ Đức sang Hy Lạp để cấy ghép.

Hệ thống giữ ấm cơ quan nội tạng này hiện đang có mặt trên thị trường ở châu Âu với chức năng giữ ấm tim và trong năm 2009, TransMedics cũng đã chế tạo một hệ thống tương tự cho phổi.


(Theo Huỳnh Thiềm/Thanhnien online)

  • Qua bộ gen, xác định nguy cơ bị hen khi trưởng thành
  • Những điều có thể nhiều người chưa biết về trái tim
  • Bước đột phá trong điều trị ung thư phổi
  • Rối loạn giấc ngủ dễ mắc ung thư tiền liệt tuyến
  • Cà chua và đậu nành ngừa ung thư tuyến tiền liệt
  • Những thành tựu y học nổi bật năm 2009 (Kỳ 1)
  • Dưới 40 tuổi mất ngủ thường xuyên dễ bị "béo phì"
  • U xơ tử cung dễ gây tử vong cho thai nhi
  • Phát hiện nguồn gốc mới gây bệnh viêm màng não
  • Nghiên cứu hệ gen vi khuẩn đường ruột ở người
  • Virus làm thay đổi quá trình tiến hóa nhân loại
  • Phát hiện virus HIV ẩn nấp trong tủy xương
  • Thuốc diệt cỏ gây bệnh hở thành bụng ở thai nhi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com