Trong mấy ngày rét đậm gần đây, Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận những trường hợp bị ngộ độc do sử dụng bếp than để sưởi ấm. Thủ phạm gây ra tai nạn chính là khí cácbonôxít (CO), được hình thành do chất carbon trong than không được đốt cháy hoàn toàn. Bác sĩ Nguyên cho biết việc đốt than, đặc biệt là than tổ ong, và các loại nhiên liệu như gas, xăng trong phòng khép kín, thiếu ôxy và không có chỗ thoát khí, sẽ làm sản sinh ra một lượng khí CO rất lớn. Chất này xâm nhập vào cơ thể và gắn chặt với hemoglobin của hồng cầu làm mất khả năng vận chuyển của ôxy tới các bộ phận trong cơ thể người, gây tổn thương vỏ não, hệ thần kinh và tim. Quá trình nhiễm độc xảy ra rất nhanh và người bị ngộ độc nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê, thậm chí tử vong, chỉ trong vòng vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời. Để tránh những tai nạn đáng tiếc như trên, các chuyên gia chống độc khuyến cáo người dân khi sử dụng bếp than phải đặt bếp ở nơi thông thoáng và phải đi kiểm tra sức khỏe ngay khi xuất hiện những triệu chứng như người mệt mỏi, xanh xao, đau đầu.
Sử dụng bếp than tổ ong để sưởi ấm trong phòng ngủ và phòng tắm là một giải pháp được nhiều gia đình nghèo lựa chọn trong điều kiện rét đậm kéo dài hiện nay. Tuy nhiên hầu hết mọi người đều không ý thức được mức độ nguy hiểm của phương thức sưởi ấm này. Hầu hết các trường hợp cấp cứu vào Trung tâm chống độc đều bị hôn mê do ngộ độc khí than và là những ca rất nặng.
Riêng trong hai ngày 26 và 27/1 đã có ba vụ với 6 người bị ngộ độc, trong đó có 4 người trong tình trạng nặng phải vào cấp cứu tại Trung tâm chống độc. Trước đó vài ngày, Trung tâm cũng cấp cứu cho ba trường hợp, trong đó có một trường hợp tử vong, hai trường hợp bị bại não không thể phục hồi do thiếu ôxy lên não, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên ở Trung tâm Chống độc cho biết.
Gần đây nhất là trường hợp vợ chồng anh Đỗ Duy T. ở Mỹ Đức, Hà Tây. Do trời giá lạnh, anh T. đã mang bếp than vào phòng ngủ. Sáng hôm sau, thấy cả hai vợ chồng mãi không dậy, người nhà phải phá cửa mới đưa được anh chị đi cấp cứu. Khi tới Trung tâm chống độc, cả hai vợ chồng anh T. đã ở trong tình trạng bất tỉnh, tím tái, với lượng khí độc trong máu ở mức cao.
Đặc biệt, theo bác sĩ Nguyễn Thị Dụ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, loại than tổ ong siêu cháy đang được người tiêu dùng ưa chuộng chính là loại than dễ gây ngộ độc nhất. Trong loại than này có sử dụng các loại dầu nhớt thải chứa nhiều kim loại nặng độc hại, dễ dàng theo khói đi vào phổi của người sử dụng. Ngoài việc gây ngộ độc lập tức khi được dùng để sưởi ấm như đã nói ở trên, than siêu cháy còn là nguyên nhân gây ung thư phổi cho người sử dụng.
Ngoài ra, khi phát hiện có người nhiễm độc, người dân cần lập tức sơ cứu, hô hấp nhân tạo, và mở các cửa để không khí thông thoáng, đồng thời khẩn trương đưa nạn nhân đến cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất.
( Theo TTXVN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com