Kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào các ngành có lợi thế về tài nguyên và lao động chi phí thấp. Ảnh: Đức Thanh |
Hơn thế, những tên tuổi lớn trong ngành này có trong Bảng xếp hạng vẫn tiếp tục là các tập đoàn, tổng công ty lớn của đất nước. Trong số 10 DN lớn nhất Việt Nam năm 2009, có tới 6 thương hiệu lớn trong ngành công nghiệp, gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Điều này cũng tương tự đối với danh sách 10 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam, gồm Công ty cổ phần Phát triển đầu tư công nghệ FPT, Ngân hàng TMCP Á Châu, Tập đoàn Thép Việt, Công ty cổ phần Sài Gòn Kim hoàn (ACB-SJC), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, Công ty cổ phần Prime Group, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex.
Tuy nhiên, những con số này cũng đang cho thấy sự chậm trễ trong chuyển dịch cơ cấu đầu tư, ngành nghề của kinh tế Việt Nam. Mặc dù lựa chọn đối tượng ưu tiên là công nghệ cao, dịch vụ, song sự xuất hiện của các DN trong các lĩnh vực này trong danh sách 500 DN lớn của Việt Nam còn khá dè dặt. Sự chuyển dịch của các DN dịch vụ dù được ghi nhận song rất thấp. Như vậy, nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào các ngành có lợi thế về tài nguyên và lao động chi phí thấp.
Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích kỹ hơn, khi đề cập tới 112 ngành kinh tế quốc dân, chỉ có 26 ngành có đóng góp từ 1% GDP trở lên (chủ yếu là những sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và khai khoáng, các sản phẩm công nghiệp sơ chế và dịch vụ phục vụ tiêu dùng sử dụng nhiều lao động phổ thông); 21 sản phẩm có đóng góp từ 0,5 đến dưới 1% GDP thì chủ yếu là sản phẩm sơ chế, nguyên liệu và một số dịch vụ; trong khi chỉ có 5 sản phẩm công nghiệp chế biến, gồm ô tô, xe máy, xe đạp và phụ tùng, các phương tiện vận tải khác, máy móc thiết bị điện và dệt.
Đáng nói là, số DN lớn trong các ngành công nghiệp chế biến nêu trên cũng chỉ chiếm dưới 10% trong số các DN lớn của ngành công nghiệp. Rõ ràng, bức tranh DN lớn của Việt Nam cho thấy, hiệu quả của các ngành kinh tế hiện còn thấp, chậm được cải thiện.
Điểm nổi bật trong VNR 500 - 2009 là sự góp mặt nhiều hơn của khối DN tư nhân. Với tỷ lệ gần 30% DN tư nhân có mặt trong 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2009, so với 24% của năm 2008, và so với 26% DN nước ngoài trong bảng xếp hạng, ông Phùng Hoàng Cơ, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá cho rằng, sự tăng trưởng này là ngoạn mục trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
“Các DN trong VNR500 - 2009 đã không những chứng minh sự tồn tại vững vàng trong ‘cơn bão’ tài chính toàn cầu, mà còn thể hiện những bước tiến đáng kể khi có trên 10 công ty hàng đầu trong bảng xếp hạng đạt doanh thu trên 1 tỷ USD”, ông Cơ nói.
Tổng doanh thu của các DN VNR 500 năm 2009 tăng gần 50% so năm 2008. Lợi nhuận của Top 500 DN năm nay cũng tăng đáng kể so với 2 năm trước (tăng khoảng 30% so với 500 DN lớn nhất năm 2008 và 4% so với các doanh DN lớn nhất năm 2007).
Trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động như vậy, sự gia tăng về doanh thu và lợi nhuận của các DN trong VNR500 - 2009 khẳng định nội lực mạnh mẽ của các DN Việt Nam
(Theo Bảo Duy // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com