Hiện tại, do công suất xử lý thấp hơn lượng chất thải nguy hại phát sinh hàng ngày nên đang tồn tại hiện tượng chất thải nguy hại để lẫn chất thải thông thường. Trong ảnh: Cảnh sát môi trường phát hiện chất thải nguy hại tại một vựa ve chai trên đường Lưu Chí Hiếu, TP. Vũng Tàu. |
Hàng loạt dự án xử lý chất thải công nghiệp đang được triển khai và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2010, mang đến hy vọng sẽ giải quyết hết lượng chất thải công nghiệp tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực đầu tư hoàn toàn mới mẻ, cần phải tính toán hợp lý.
Mỗi ngày Bà Rịa-Vũng Tàu phát sinh khoảng 40 tấn chất thải nguy hại, trong đó nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty TNHH Sông Xanh đã xử lý được 11 tấn. Lượng chất thải còn lại được doanh nghiệp ký hợp đồng vận chuyển và xử lý ở các tỉnh khác. Việc chuyển giao, xử lý chất thải nguy hại qua nhiều đầu mối dẫn đến công tác thống kê, quản lý gặp nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước. Mặt khác, doanh nghiệp lúng túng trong công tác xử lý nên đang tồn tại hiện tượng: Chất thải tồn đọng quá hạn, chi phí xử lý tốn kém do phải hợp đồng với các đơn vị có chức năng ngoài tỉnh…
Trước nguy cơ ô nhiễm từ chất thải công nghiệp và sinh hoạt, Bà Rịa-Vũng Tàu đã xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, áp dụng nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Theo đó, tỉnh đã có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường bằng những chính sách ưu đãi về đất, cơ sở hạ tầng… cho nhà đầu tư. Với chính sách này, Bà Rịa-Vũng Tàu đã thu hút được các nhà đầu tư về xử lý chất thải, đặc biệt là trong lĩnh vực xử lý chất thải công nghiệp.
Theo cam kết của các nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại, quý II năm 2010, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có thêm 2 dự án hoạt động đó là nhà máy của Công ty Cổ phần đầu tư Sao Việt và Công ty TNHH Hà Lộc. Tổng công suất xử lý của 2 dự án này cũng lên đến 93 tấn/ngày; như vậy, ngoài việc sẽ thu gom và xử lý hết lượng chất thải nguy hại phát sinh hàng ngày, các nhà máy xử lý này còn đủ khả năng thu nhận chất thải nguy hại từ các địa phương khác về để xử lý.
Ngoài ra, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay đã có 3 dự án xử lý chất thải rắn công nghiệp được giao đất để đầu tư xây dựng nhà máy xử lý trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (huyện Tân Thành) gồm: Công ty TNHH KBEC Korea, Công ty TNHH đầu tư và thương mại Việt Ninh và Công ty cổ phần Tái chế xỉ thải công nghiệp Đại Thành. Tổng công suất xử lý của 3 dự án này lên đến 1.200 tấn/ngày. Trong khi đó, chất thải rắn thông thường chủ yếu phát sinh từ 4 nhà máy thép đã hoạt động là 340 tấn/ngày, còn lại là một số ít chất thải rắn phát sinh từ các nhà máy khác).
“Năm 2010, khi các dự án xử lý chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp tại Bà Rịa-Vũng Tàu đi vào hoạt động với công suất đã thiết kế thì sẽ “đói” nguyên liệu để xử lý. Để giải quyết vấn đề này bắt buộc doanh nghiệp xử lý phải nhận rác thải công nghiệp từ các địa phương khác về mới đủ nguyên liệu đầu vào” – một nhà đầu tư tỏ ra lo ngại.
Với chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, hiện còn có nhiều nhà đầu tư về xử lý chất thải công nghiệp đến tìm hiểu đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Trước thực tế này, các nhà khoa học về môi trường cũng đã cánh báo: Để giải quyết triệt để vấn đề rác thải, Bà Rịa-Vũng Tàu cần phải điều tra, khảo sát, thống kê đánh giá một cách chính xác về thực trạng phát sinh chất thải trên địa bàn để từ đó có thể kịp thời lựa chọn những dự án đầu tư phù hợp; tránh tình trạng có quá nhiều nhà đầu tư chỉ đầu tư vào một loại chất thải, trong khi có nhiều loại chất thải cần xử lý thì không có nhà đầu tư.
(Theo Nguyễn Quang // Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com