Niên vụ mía đường bắt đầu được hơn gần 1 tháng nay. Theo lẽ thường, giá đường sẽ giảm do nguồn cung dồi dào, thế nhưng năm nay, quy luật này đã bị phá vỡ.
Hiện tại, giá đường bán buôn của nhà máy hiện ở mức 17.000 đồng/kg. Giá bán lẻ tại các chợ đầu mối và siêu thị dao động từ 20.000- 22.000 đồng/kg tùy loại. Như vậy từ đầu năm 2010 đến nay, giá đường trắng đã tăng 3 lần.
Nguyên nhân do thiếu hụt nguồn cung. Sản lượng đường niên vụ vừa rồi trên thế giới giảm gần 5 triệu tấn nên không chỉ Việt Nam mà các nước sử dụng nhiều đường như Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ... cũng nhập khẩu dự trữ thêm đường.
Những năm gần đây, lượng đường tiêu thụ, sản xuất công nghiệp trong nước trung bình khoảng 1,3-1,4 triệu tấn/năm. Nhưng năm nay, kế hoạch sản xuất 1 triệu tấn cũng rất khó hoàn thành bởi đợt hạn hán.
Thống kê của Bộ NN-PTNT, vụ mía vừa qua, diện tích các vùng mía nguyên liệu cả nước tăng 3-4% với diện tích tăng không nhiều thì chưa thể tạo ra đột biến về sản lượng mía, bởi mía dù thâm canh tốt cũng chỉ đáp ứng không quá 70% nhu cầu của các nhà máy đường. Trên thực tế trong những năm gần đây cây mía hiện đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi cây cao su, cà phê, tiêu, điều, sắn mì... hay các cây trồng khác cho thu nhập cao hơn, nên diện tích mía thực tế hiện ở một số địa phương chỉ bằng một nửa so với quy hoạch. Quảng Ngãi, địa phương nổi tiếng trong trồng mía và chế biến đường hàng chục năm qua thì nay diện tích mía chỉ còn 4.000-5.000 hécta, bình quân giảm 500-1.000 hécta mía mỗi năm
Chương trình "Một triệu tấn đường tới năm 2000" được nhà nước đầu tư bằng cách bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn mua thiết bị của nước ngoài lên tới hơn nửa tỷ USD và kết quả, tới nay, cả nước còn 40 nhà máy đường với công suất ép mía 97.200 tấn mỗi ngày, mỗi vụ sản xuất kéo 5 tháng, về lý thuyết cần 14 - 15 triệu tấn mía cây. Thế nhưng diện tích mía trong nước nằm trong vùng nguyên liệu của các nhà máy hiện chỉ có 220.000 hécta và có xu hướng giảm dần, năng suất lại thuộc mức thấp nhất thế giới, chỉ 54 tấn/hécta, bằng một nửa so với Thái Lan và nhiều năm qua giữ ở mức này, thậm chí còn giảm năng suất do nông dân không quan tâm đầu tư. Lượng mía cây năm trước của Việt Nam đạt khoảng 11-12 triệu tấn, nhưng năm nay dự báo có thể thấp hơn nhiều do thời tiết.
Hiện tại giá thu mua mía nguyên liệu tại chỗ cho các thương lái đến từ các tỉnh khác khoảng 900 - 1.020 đồng/kg, đây thực sự là niềm mơ ước đối với người trồng mía. Thế nhưng khi giá mía lên cao doanh nghiệp lại bắt đầu lo nỗi lo muôn thuở của ngành nông nghiệp đó là tình trạng tranh mua nguyên liệu.
Một số ý kiến cho rằng giá mía nguyên liệu liên tục tăng, là do Hiệp hội không liên kết được các thành viên, dẫn tới tình trạng tranh mua, tranh bán. Đáng lẽ khi giá mía xuống thấp hay lên cao, doanh nghiệp vẫn phải giữ giá và mua cho nông dân với giá mía theo hợp đồng đã ký. Doanh nghiệp phải đầu tư trở lại vùng nguyên liệu, chia sẻ với nông dân. Đó là cách làm bền vững. Còn cách làm như hiện nay vẫn là ăn đong, chạy theo thời vụ.
Một chuyên gia gắn bó lâu năm với ngành mía đường từng nói: Việt Nam có đủ điều kiện về con người và phương tiện sản xuất đường nhưng chưa được phát huy tối đa. Mỗi năm các doanh nghiệp phải bỏ ra tới 200 triệu USD để nhập khẩu đường, trong khi nông dân thiếu việc làm.
Trường ca thiếu mía thì tăng giá, nông dân đổ xô trồng mía, lại gây thừa mía, giảm giá, lại phải chặt bỏ, trồng cây khác... dường như một điệp khúc lặp đi lặp lai, khiến niềm vui của cả người nông dân và doanh nghiệp ngắn chẳng tày gang. Và cuộc “chạy đua” giữa các nhà máy đường liệu có xảy ra như ở niên vụ trước?
(Theo Phan Nam // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com