Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xuất khẩu dệt may 2009 : Vẫn còn nhiều lối rẽ

Khủng hoảng tài chính ở Mỹ và suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến hàng dệt may (DM) của các nước châu Á xuất khẩu (XK) vào thị trường Mỹ và các nước EU giảm mạnh, trong đó có Việt Nam.

Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là thị trường XK chủ lực của nhiều nước ở châu Á đang “đổ bệnh”. Vì vậy, “sức khỏe kinh tế” của các nước XK vào Mỹ cũng bị ảnh hưởng! Đầu quý 3-2008, ngành dệt may (DM) VN vẫn còn lạc quan khi các DN khẳng định vẫn có cơ sở để đạt được mục tiêu 9,5 tỷ USD đưa ra. Nhưng đến cuối quý 3-2008, các nhà nhập khẩu giảm đơn hàng đã làm cho mục tiêu xuất khẩu của DM VN bị thay đổi.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt May VN nhận xét, suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng không chỉ riêng VN mà tất cả các nước XK DM ở châu Á đều rơi vào tình trạng tương tự, một số nước còn khó khăn hơn cả VN. Đến thời điểm này, ngành DM chỉ dám chắc con số XK đạt trên 9 tỷ USD. Cùng với sự giảm sút này, mục tiêu đạt 11,5 tỷ USD XK DM trong năm 2009 mà Bộ Công thương đưa ra 3 tháng trước cũng phải điều chỉnh lại: tăng 5% so với năm 2008.

Trải qua một năm đầy sóng gió khi chi phí đầu vào để sản xuất tăng cao, Mỹ áp dụng cơ chế giám sát hàng DM VN vào Mỹ đến giờ này, xem ra ngành DM VN vẫn chưa thể vượt qua cái “hạn” của ngành! Hiện nay, giá bông xơ, xăng dầu thế giới đã giảm, phần nào làm cho DN sản xuất trong nước dễ thở hơn.

Theo các DN DM tại TPHCM, giá một số nguyên phụ liệu phục vụ may mặc đã giảm 15%-20% so với giá “đỉnh” cách đây 2 tháng. Đây là dấu hiệu tích cực cho DN. Tuy nhiên, dựa vào “quy luật” giá bông xơ, dầu thế giới giảm, nhiều nhà nhập khẩu muốn “ép” DN VN phải giảm giá bán.

Các DN DM bày tỏ, việc “ép” giảm giá của các đối tác nhập khẩu là chuyện rất bình thường trong kinh doanh. Tuy nhiên, nhà nhập khẩu buộc DN phải giảm giá bán vào thời điểm này thì chưa phù hợp. Vì thực tế, chi phí sản xuất của DN trong nước vẫn còn cao. Ví dụ không thể so sánh mức giảm của giá xăng dầu thế giới với mức giảm của xăng dầu trong nước, vì thực tế, giá xăng dầu tại VN giảm rất nhỏ giọt! Ngay cả giá nguyên phụ liệu, nói giảm 15%-20%, nhưng thực chất nó vẫn còn ở mức giá cao so với năm trước, vì mức giá trên chỉ giảm so với thời điểm có mức giá cao nhất.

Việc giảm đơn, hàng DM của các nhà nhập khẩu trong thời gian gần đây có tác động từ sự lo ngại Mỹ sẽ kéo dài chương trình giám sát hàng DM của VN XK vào Mỹ. Đây là một trong những trở ngại lớn đối với hàng DM VN trong năm qua. Tuy nhiên, qua 2 đợt giám sát, phía Mỹ thừa nhận vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu vi phạm của hàng DM VN XK vào Mỹ.

Từ kết quả này, có thể Mỹ sẽ bỏ chương trình giám sát đối với hàng DM VN? Theo thông tin mới nhất từ Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, cách đây 1 tháng, Chủ tịch Ban Ngân sách Hạ viện Mỹ đã trình Tổng thống G.Bush văn bản đề nghị kéo dài giám sát đối với hàng DM Trung Quốc. Trong đó, không đề cập gì đến việc sẽ kéo dài giám sát đối với hàng DM VN! Điều này đang mở ra nhiều khả năng Mỹ sẽ bỏ cơ chế này đối với VN. Và như vậy, chương trình giám sát này cũng sẽ kết thúc khi Tổng thống G.Bush kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2009.

Cùng với đó, ngành DM VN cũng có thêm tín hiệu lạc quan cho XK trong năm 2009. Vào tháng 12 tới, khi hiệp định đối tác kinh tế song phương Việt-Nhật (EPA) được ký kết, hàng DM XK vào Nhật sẽ được hưởng thuế suất 0%, thay cho mức thuế khoảng 10% hiện nay.

Tuy nhiên, điều ràng buộc để được hưởng thuế suất 0% vào thị trường Nhật là hàng DM VN XK phải đáp ứng được tiêu chí xuất xứ: phải sử dụng nguyên phụ liệu của VN, Nhật Bản, các nước ASEAN. Dù gì đi nữa đây vẫn là cơ hội để DN DM VN cạnh tranh với các nước trong khu vực, vì hiện nay, hàng DM của các nước ASEAN đã được hưởng thuế suất 0% khi XK vào Nhật.

Năm 2007, thị trường Nhật Bản chiếm 9% thị phần XK của hàng DM VN. VN xem Nhật là thị trường mục tiêu, mở rộng thị phần của hàng DM trong những năm tới. Điều này thể hiện rõ trong những tháng đầu năm 2008, khi sản lượng và giá trị hàng DM XK vào Nhật liên tục tăng. Ngành DM VN đang rất hy vọng trong năm 2009, VN sẽ nới rộng thị phần XK vào Nhật

Trước đây, hàng Trung Quốc chiếm tới 90% thị phần tại Nhật Bản, nhưng với tâm lý “không bỏ trứng vào một giỏ”, hiện nhiều nhà nhập khẩu đã chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang VN. Do những điều chỉnh trong chính sách vĩ mô và chi phí sản xuất tăng cao tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu chuyển đơn hàng sang các nước đã làm cho thị phần XK hàng DM vào Mỹ của Trung Quốc giảm sút. Hàng DM Trung Quốc đang mất dần thế cạnh tranh với các nước XK DM khác ở châu Á. Đây cũng là cơ hội cho ngành DM VN. Hiện hàng DM VN XK vào Mỹ đứng ở vị trí thứ 3, sau Trung Quốc và Ấn Độ.


(Theo Vinanet)

Bài thuộc chuyên đề: Tổng hợp thông tin dự báo kinh tế Việt Nam 2009

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container