Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, ngành hàng không (HK) đã được rất nhiều người dân quan tâm. Tuy nhiên sự phát triển của ngành HK trong thời gian qua chưa tương xứng với sự kỳ vọng của người dân. Điều đó có nguyên do từ hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý lĩnh vực HK.
Rối rắm vì quy định chưa cụ thể?
Gần 3 năm trước (tháng 5-2007), khi Hãng Pacific Airlines (PA) của Việt Nam bán 30% cổ phần cho Hãng Jetstar Airways của Úc để rồi sau đó dẫn đến việc mua bán thương hiệu và trở thành tên gọi là Jetstar Pacific Airlines (JPA) đã dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt đúng sai giữa các bộ ngành đối với việc cấp phép cho hãng HK này hoạt động dưới thương hiệu và biểu tượng hình ảnh của hãng HK Jetstar Airways của Úc.
Thời điểm đó, thông qua Văn bản số 5509/BCT-KH, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh khẳng định việc mua bán cổ phần ở hãng HK này toàn toàn đúng luật, Bộ Khoa học - Công nghệ trong văn bản số 1333/BKHCN-SHTT cũng khẳng định việc mua bán, sử dụng thương hiệu ở JPA chẳng có gì sai.
Tuy nhiên Bộ Giao thông - Vận tải lại cho rằng việc mua bán thương hiệu đó là hoàn toàn trái luật, và ngày 3-11-2009, sau nhiều lần họp bàn xem xét, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã chỉ đạo buộc JPA phải xây dựng lại biểu tượng thương hiệu mới trước khi được tái cấp giấy phép hoạt động cho hãng vào tháng 10-2010 tới đây.
![]() |
Máy bay B.777 của Vietnam Airlines phục vụ những chuyến bay tầm trung. Ảnh: Việt Dũng |
Trong khi câu chuyện về JPA vẫn chưa được giải quyết rốt ráo thì thượng tuần tháng 3-2010, dư luận lại dấy lên sự tranh cãi xung quanh việc mua bán cổ phần ở Hãng HK tư nhân VietJet. Khi thông tin VietJet bán 30% cổ phần cho Hãng HK giá rẻ Air Asia của Malaysia được công bố thì ngay lập tức Hãng HK quốc gia Vietnam Airlines (VNA) có công văn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ.
Theo VNA, việc VietJet bán cổ phần cho Air Asia cũng giống như một hình thức bán rẻ tài nguyên quốc gia và điều đó có nguy cơ đe dọa các hãng HK trong nước.
Sau khi nhận được công văn kiến nghị của VNA, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải xem xét và báo cáo giải trình vụ việc này. Theo đó, Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định việc cho phép VietJet bán cổ phần cho Air Asia và việc bộ chấp thuận điều này hoàn toàn không có gì mâu thuẫn với Luật HK. Theo kế hoạch, tháng 5-2010, VietJet sẽ chính thức bay. Thế nhưng kế hoạch bay này đã được thông báo lùi lại đến tháng 8-2010.
Những người quan tâm đến lĩnh vực HK đang rất nóng lòng muốn biết VietJet sẽ sử dụng biểu tượng thương hiệu như thế nào? Liệu hãng có sử dụng thương hiệu của hãng HK giá rẻ nổi tiếng Air Asia? Và nếu sử dụng thì có bị “thổi còi” giống như JPA hay không?
HK vốn là một ngành mang tính đặc thù và kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, các quy định liên quan đến công tác kinh doanh cần phải được ban hành đầy đủ, cụ thể, rõ ràng. Thế nhưng đến nay, ngành HK vẫn chưa có các quy định cụ thể về việc sử dụng biểu tượng hình ảnh thương hiệu, nhãn hiệu… Đó cũng chính là điều khiến các doanh nghiệp rối rắm trong công tác kinh doanh tiếp thị của mình.
Ở Việt Nam, Luật HK có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với vốn điều lệ của các hãng HK. Tuy nhiên các văn bản, nghị định hướng dẫn lại chưa phân biệt rõ nhà đầu tư nước ngoài thông thường và nhà đầu tư nước ngoài là các hãng HK. Vì vậy, để kiểm soát, quản lý chặt chẽ thị trường HK nội địa, cần bổ sung quy định về tỷ lệ vốn góp của các hãng HK nước ngoài trong doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển HK tại VN, đồng thời phải tính toán, định giá cụ thể thương quyền nội địa của VN để làm công cụ đàm phán với đối tác nước ngoài trong việc liên doanh và bán cổ phần.
Mở cửa bầu trời và chống độc quyền
Tính đến thời điểm này, VN đã có 7 hãng HK trong nước và 47 hãng HK nước ngoài có chuyến bay đi - đến. Tuy nhiên, việc mở cửa bầu trời (Open Sky) và chống độc quyền trong lĩnh vực HK như thế nào cho thực sự hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích cho đất nước vẫn đang là vấn đề được nhiều người quan tâm…
![]() |
Hành khách làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Ngày 12-12-1990, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập Hãng HK Pacific Airlines (PA) và sau đó ngày 21-1-2005 Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép tái cơ cấu PA và cho phép nhà đầu tư nước ngoài góp 30% vào PA nhằm xóa bỏ thế độc quyền của VNA. Đây được xem là một quyết định đúng đắn nhằm nâng cao công nghệ và tạo sức ép kinh doanh để HK Việt Nam theo kịp tốc độ phát triển của HK thế giới.
PA đã lựa chọn phương hướng của hãng HK chi phí thấp nhằm xã hội hóa việc đi lại bằng đường HK. Sự ra đời của PA (sau khi hợp tác với nước ngoài được đổi tên là JPA) là tác nhân thúc đẩy sự phát triển của ngành HK trong nước, buộc hãng HK quốc gia VNA phải nhìn lại mình để thay đổi cung cách phục vụ khách hàng, đổi mới cơ cấu quản lý, định giá hợp lý hơn các dịch vụ của mình…
Không chỉ PA, kể từ khi ban hành Luật HK sửa đổi và Nghị định 76 về kinh doanh vận chuyển HK, có rất nhiều tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ xin thành lập hãng. Tính đến nay cả nước đã có 7 hãng HK (gồm VNA, JPA, VietJet, Viet Air, Vasco, Indochina và Trải Thiên), và các hãng HK nước ngoài gần đây cũng liên tục được cơ quan chức năng cho phép tăng tần suất bay tới VN.
Nhiều chuyên gia HK đánh giá, việc này cũng sẽ giống việc cạnh tranh giảm giá cước của các mạng điện thoại di động hiện nay. Lúc đó, hành khách sẽ có nhiều sự lựa chọn và giá vé sẽ có tính cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, việc cho ra đời nhiều hãng HK cũng có mặt trái: đến nay các hãng HK trong nước đều báo cáo lỗ, một số hãng khác đã có giấy phép thành lập nhưng chưa dám bay…
Các thỏa thuận hợp tác đối với nước ngoài không phù hợp với quy định của pháp luật VN cũng cần chấn chỉnh, như không cho phép hãng HK Việt Nam sử dụng, tiếp thị, quảng cáo thương hiệu, nhãn hiệu của hãng HK nước ngoài vào dịch vụ của mình. Các biểu tượng, thương hiệu, nhãn hiệu, bao gồm cả trang web bán vé của hãng HK nước ngoài cũng không được thể hiện như của hãng HK nội địa…
(Theo THU TUYẾT – BÍCH QUYÊN // SGGP Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com