Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ðầu tư nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi

Sau một thời gian dài buông lỏng quản lý, thiếu kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, đến nay, hầu hết các công trình đã xuống cấp, làm suy giảm năng lực tưới, tiêu, khó đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường và nhu cầu nước sạch ở nông thôn. Vì vậy, việc đầu tư nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi đang được đặt ra cấp bách.

Trạm bơm đại định(Vinh Tường Vĩnh Phúc)lắp đặt 17 máy bơm nước dã chiến chống hạn

 Thực trạng đáng lo ngại

Hệ thống công trình thủy lợi là cơ sở hạ tầng quan trọng, đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, giảm nhẹ thiên tai và thúc đẩy các ngành kinh tế khác. Ðến nay, cả nước đã xây dựng được hàng chục nghìn công trình thủy lợi các loại; trong đó có 904 hệ thống có diện tích phục vụ từ 200 ha trở lên. Theo thiết kế, tổng năng lực của các công trình có khả năng tưới cho khoảng 3,45 triệu ha đất canh tác, tiêu thoát nước cho 1,72 triệu ha đất nông nghiệp. Ngoài ra, mỗi năm các công trình thủy lợi trong cả nước còn cung cấp gần sáu tỷ m3 nước cho các ngành sản xuất công nghiệp và sinh hoạt.

Trong thực tế, để bảo đảm đủ nước tưới và tiêu thoát nước cho cây trồng trong những năm vừa qua, hầu hết các hệ thống thủy lợi được xây dựng trước năm 2000 đã phải bổ sung nhiều hạng mục, nhất là các trạm bơm, đập điều tiết ở các hệ thống có diện tích tưới, tiêu lớn; nâng cấp hệ thống kênh mương dẫn nước tưới mới đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Theo đánh giá của các cán bộ chuyên quản lý khai thác công trình thủy lợi, hiện nay, năng lực ở phần lớn các hệ thống thủy lợi chỉ đạt được 70-80% so với công suất thiết kế. Các công trình hồ, đập nhỏ ở miền núi chỉ còn trên dưới 50% năng lực thiết kế ban đầu. Ðồng chí Nguyễn Ðức Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cho biết: Trong những năm gần đây, Nhà nước đã đầu tư cho tỉnh Phú Thọ cải tạo nâng cấp, kiên cố kênh mương và xây dựng mới một số công trình trọng điểm như hệ thống thủy lợi Nam Thanh Thủy, hồ Phượng Mao, Phai Trát, nhưng đến nay năng lực tưới của các công trình thủy lợi chỉ đạt 71,9% trong vụ đông xuân, 72,6% trong vụ mùa so với năng lực thiết kế ban đầu. Vì vậy hằng năm diện tích lúa đông xuân của tỉnh thường xuyên bị hạn từ năm đến mười nghìn ha. Trong vụ mùa, hệ thống tiêu thoát nước ở Phú Thọ cũng chưa bảo đảm chắc ăn, nhiều khu vực đồng trũng vẫn bị thiệt hại hoặc mất trắng khi lũ trên sông ở mức cao kéo dài, nước trong đồng không tiêu ra được.

Một thực tế đang là vấn đề thời sự và mối quan tâm đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp ở khu vực đồng bằng trung du Bắc Bộ là nguồn nước tưới trong vụ sản xuất đông xuân hoàn toàn phụ thuộc vào điều tiết của các nhà máy thủy điện vùng thượng nguồn sông Hồng. Hầu hết các công trình lấy nước tưới của các hệ thống thủy lợi ở khu vực này đều được xây dựng từ các thập kỷ 60, 70 và 80 của thế kỷ trước, khi mà mức nước trên các triền sông Ðà, Thao, Lô chưa bị tác động điều tiết lượng nước chảy về hạ lưu sông Hồng của các hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang. Nhưng những năm gần đây, do nhiệm vụ đa chức năng của các công trình thủy điện là phục vụ cắt lũ, phát điện, cấp nước tưới và giao thông thủy đã tác động rõ rệt đến việc bảo đảm đủ nước tưới suốt vụ cho vùng trọng điểm lương thực số 2 của đất nước. Do điều tiết nguồn nước để phát điện, đáp ứng yêu cầu về điện cho sản xuất và đời sống, ngoài những đợt tập trung xả nước bằng máy bơm để đổ ải gieo cấy lúa đông xuân, mức nước sông thuộc hạ lưu các công trình thủy điện luôn ở mức rất thấp. Các trạm bơm, cống lấy nước lớn ven sông đều không lấy được nước tưới. Vùng ven biển do mức nước sông nhỏ, mặn lấn sâu vào vùng cửa sông làm cho trong đồng thì hạn mà không lấy được nước ngọt để tưới. Ðây là vấn đề cần quan tâm đúng mức để tìm ra giải pháp hiệu quả và ổn định lâu dài đối với vấn đề nguồn nước tưới cho cây trồng vụ đông xuân ở khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ.

Nguyên nhân giảm sút hiệu quả

Hầu hết các hệ thống công trình thủy lợi ở nước ta được xây dựng từ những thập kỷ từ 60 đến 90 của thế kỷ trước. Khi đó, nguồn kinh phí có hạn, khoa học kỹ thuật và công nghệ mới chưa phát triển. Mặt khác, nguồn sinh thủy còn dồi dào do rừng chưa bị chặt phá, khai thác quá mức. Khi công trình đưa vào vận hành khai thác, nguồn kinh phí tu bổ, sửa chữa hằng năm đều trông vào nguồn thủy lợi phí. Mức thu thủy lợi phí mang nặng tính bao cấp để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, cho nên nguồn thu này không đủ để trang trải chi phí vận hành, tu bổ công trình. Sau nhiều chục năm các công ty, xí nghiệp thủy nông hoạt động trong điều kiện thu không đủ chi cho nên công trình ngày một xuống cấp. Theo báo cáo của các đơn vị quản lý khai thác thủy nông, những năm trước đây, mỗi năm kinh phí đầu tư cho sửa chữa, tu bổ công trình chỉ đạt 30-35% yêu cầu thực tế. Nhiều trục kênh tưới tiêu lớn không có kinh phí nạo vét đã bồi lắng nghiêm trọng, giảm đáng kể khả năng dẫn nước. Nhiều máy bơm lắp đặt từ đầu thập kỷ 60 tới nay chưa được thay thế, hiệu suất chỉ còn 70-75%, tốn điện mà hiệu quả thấp. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đầu tư xây dựng nhiều hệ thống thủy lợi lớn như Ðồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, Tây Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, ngọt hóa Gò Công... đã góp phần mở rộng diện tích lúa hai vụ. Nhưng ở nhiều công trình mới xây dựng được các tuyến kênh chính, còn thiếu công trình điều tiết và hệ thống kênh mương cấp dưới và công tác quản lý vận hành chưa tốt nên đã hạn chế năng lực tưới và thoát nước. Hệ thống thủy lợi Thạch Nham (Quảng Ngãi) theo thiết kế bảo đảm nước tưới 50 nghìn ha, nhưng đến nay mới tưới được 20 nghìn ha do hệ thống kênh mương nội đồng chưa được đầu tư hoàn chỉnh và một số diện tích đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc sử dụng vào đô thị hóa.

Những yếu kém trong công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi cũng là một nguyên nhân quan trọng làm giảm hiệu quả và năng lực của những hệ thống, công trình thủy lợi hiện có. Trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến vận hành của các công trình thủy lợi như giảm diện tích tưới, nhưng lại tăng cao nhu cầu tiêu thoát nước. Hành lang bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi bị lấn chiếm do xây dựng nhà cửa, giao đất lâu dài cho nông dân sử dụng hết cả diện tích lưu không. Nguồn nước thải từ các nhà máy, khu công nghiệp, làng nghề, khu đô thị có nhiều chất độc hại chưa được xử lý đều đổ xuống hệ thống kênh mương, sông hồ làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước tưới, thậm chí không đủ tiêu chuẩn về nước tưới cho cây trồng mà điển hình là các hệ thống sông Cầu, sông Nhuệ, sông Ðồng Nai, sông Thị Vải. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay nhưng cơ quan quản lý và các cơ quan có trách nhiệm chưa có giải pháp khắc phục và mang tính ổn định lâu dài. Nhiều địa phương, cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý khai thác thủy lợi mà chỉ chú ý đến xây dựng công trình mới. Nhiều phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn ở cấp huyện chưa có cán bộ kỹ thuật thủy lợi, nhất là ở các tỉnh trung du, miền núi, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Bộ máy tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi chưa được thống nhất ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hầu hết đội ngũ cán bộ, công nhân thủy nông ở các cơ sở xã và HTX chưa được đào tạo và hướng dẫn về nghiệp vụ vận hành công trình. Thiếu chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng nước tiết kiệm, bảo vệ và tu bổ công trình thủy lợi. Vai trò của người dân được hưởng lợi trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi chưa được quan tâm đúng mức, quy định rõ ràng...

Những việc cần làm ngay

Ðể một công trình hoặc hệ thống công trình thủy lợi phát huy được hiệu quả theo đúng năng lực thiết kế, tránh tình trạng điều chỉnh, bổ sung phá vỡ quy hoạch ban đầu, các địa phương cần rà soát lại quy hoạch, xem xét, đánh giá lại tài liệu các số liệu thực đo về khí tượng, thủy văn trong những năm vừa qua để điều chỉnh lại quy hoạch, sửa đổi, bổ sung công trình cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng vùng, huyện, xã. Trong các hệ thống thủy lợi, cần kiểm tra đánh giá chất lượng từng hạng mục để có kế hoạch tu bổ, thay thế và hoàn thiện hệ thống. Những hệ thống thủy lợi chưa xây dựng được hệ thống kênh mương đồng bộ cần phát huy phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng. Nhà nước đầu tư xây dựng các tuyến kênh lớn, người hưởng lợi đóng góp công lao động để xây dựng và duy trì hoạt động của hệ thống kênh nội đồng. Các hồ chứa, đập dâng ở vùng núi, Tây Nguyên đã xuống cấp nghiêm trọng cần xây dựng kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ và tăng năng lực cấp nước, ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới vào việc xây dựng hệ thống dẫn nước, hạn chế mưa lũ tàn phá để duy trì, phục vụ ổn định sản xuất và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

Về vấn đề quản lý khai thác các công trình thủy lợi: Cần có sự thống nhất mô hình và bộ máy quản lý nhà nước ở tất cả các địa phương. Phân định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chính trong việc phát huy và nâng cao hiệu quả của các công trình thủy lợi trên địa bàn. Sớm triển khai các lớp đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ những người thuộc tổ chức thủy nông cơ sở nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Nâng cao trách nhiệm và vai trò của thanh tra chuyên ngành quản lý, khai thác công trình thủy lợi, cũng như chế tài xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi như lấn chiếm đất trong phạm vi công trình, phá hoại công trình, gây ô nhiễm nguồn nước... Ngân sách Nhà nước cấp bù thủy lợi phí cho nông dân cần được tạm ứng và thanh quyết toán kịp thời, nhằm giảm khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp thủy nông. Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xem xét, điều chỉnh lại mức cấp bù thủy lợi phí cho tưới bằng động lực ở các tỉnh miền núi hiện thấp hơn vùng đồng bằng là chưa công bằng, hợp lý, bởi bơm tưới ở vùng núi khó khăn và chi phí lớn hơn nhiều so với vùng đồng bằng.

(Theo Trần Hưng // Báo Nhân dân)

  • Đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc 21,4 tỉ USD
  • Tại sao đường sắt Trung Quốc là bẫy chiến lược với ASEAN?
  • Dàn trải và chưa hợp lý
  • Cần quy hoạch cụ thể cho giao thông vận tải ĐBSCL
  • Sân bay Cát Bi sẽ được mở rộng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container