Những hộ dân ở Kỳ Long nhận tiền đền bù để chuẩn bị di dời |
Những nỗi lo thường trực…
Xóm Hồng Hải, xã Kỳ Phương (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chiều muộn mùa hè đẹp như một bức tranh mà tự nhiên chủ đích ban tặng cho con người. Phía sau cồn cát trắng với lúp xúp những rặng phi lao, hoa mua, hoa sim tím chạy dài là biển xanh phẳng lặng, lung linh ánh nắng vàng nhạt. Bờ cát mịn, thấp thoáng những con thuyền nhỏ đã ghếch mũi lên sau những ngày quăng quật cùng biển. Sóng nhẹ nhàng đẩy những bọt nước trắng li ti lăn về phía bờ, yên bình, phẳng lặng…
Trong khung cảnh đẹp như tranh ấy, nhưng với người dân ở đây – như gia đình ông Phùng Văn Thái, trong ngôi nhà nhỏ ngay cạnh con đường nhựa chạy dọc xã sát biển này – đang lo lắng về tương lai của mình. Vợ và các con ông đang ăn cơm chiều. Ông thấy nóng ruột, không muốn ăn, nên nằm trên chiếc võng đã cũ sờn, đu đưa và ngẫm nghĩ. Thấy chúng tôi xuất hiện, ông dè dặt tiếp chuyện khi chuyển sang ngồi trên chiếc chõng đã ọp ẹp và nhường lại cho khách chiếc võng.
Khoát tay chỉ những ngôi nhà của hàng xóm hoặc đang phá dở, hoặc chỉ còn trơ lại nền ngổn ngang vữa, gạch vỡ và mảnh gỗ vụn, ông bảo rằng: tôi đang sốt ruột lắm. Chẳng là, xóm của ông, nơi có cảnh đẹp như tranh vẽ ấy, thuộc diện phải di dời để nhường mặt bằng cho dự án của Tập đoàn Formosa nổi tiếng với vốn đầu tư dự án thép và cảng giai đoạn 1 lên tới 7,9 tỷ USD. Một lão nông kiêm ngư dân như ông thì có mơ cả đời cũng chẳng biết con số 7,9 tỷ tiền… Tây ấy lớn như thế nào. Ông chỉ biết rằng, rất hãnh diện khi nơi đây sau này sẽ mọc lên nhà máy thép lớn tới mức mà nếu dùng toàn bộ người trong xã ông vào làm việc (ấy là giả sử mọi người đều có trình độ) thì cũng vẫn còn thiếu lao động. Vậy nhưng ông lại đang băn khoăn.
“Tôi đã nhận hơn 600 triệu đồng tiền đền bù từ 3 tháng nay, nhưng cho tới giờ vẫn chưa được bố trí đất ở khu tái định cư để làm nhà mới. Đã đành rằng, việc di dời chúng tôi đồng ý. Nhưng nếu không làm kịp nhà mới, chú bảo mùa mưa ở đây…”, ông Thái bỏ dở câu nói bằng chất giọng Kỳ Anh nằng nặng và dường như để cho người nghe tự cảm nhận nỗi lo của bản thân mình. Ông đang sợ rằng, mùa mưa sầm sập đến, vợ ông cùng 3 đứa con sẽ vô cùng khốn khổ trong cơn giận dữ của thiên nhiên tại vùng đất nổi tiếng mưa lắm và nắng nhiều này.
Cũng giống như ông Thái, còn nhiều hộ dân trong xóm của ông và những xóm khác vẫn đang lo lắng khi chưa nhận được đất tái định cư, như gia đình ông Hoàng Đình Can, Hoàng Trung Hoa, Hoàng Văn Hồng… Khi tiếp xúc với chúng tôi, các hộ dân này đều nói rằng, đã đồng ý di dời, đã được nhận tiền đền bù, nhưng vì chưa được nhận đất để xây nhà mới tại khu tái định cư nên đang sốt ruột.
Theo Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Phương, ông Lê Văn Chương, cả xã Kỳ Phương có tới 741 hộ dân thuộc diện phải di dời, nhưng tính cho đến thời điểm này, xã mới bàn giao 440 lô đất cho các hộ dân và còn tới 300 hộ dân đang chờ nhận mặt bằng tại khu tái định cư.
Vừa phải giải thích chính sách với người dân tại ngay trụ sở UBND xã, vừa tiếp chuyện chúng tôi, ông Chương bảo rằng, xã thì đã cố gắng giải thích cho người dân về chính sách. Còn mặt bằng khu tái định cư thì phải chờ nhà thầu bàn giao. Mà nghe đâu, nhà thầu còn chờ tỉnh giao mặt bằng để tiếp tục triển khai xây dựng khu tái định cư.
Đằng sau là quê hương…
Hôm chúng tôi đến thăm xóm Quyết Tiến (xã Kỳ Phương), anh Lê Văn Hoàn cùng vợ và các con nhỏ đang tự tay phá dỡ những mét tường trong căn nhà mái bằng mà anh mới xây được vài năm nay. “Cứ thấy đau đau chú ạ! Tiền đền bù thì mình đã được nhận. Đất xây nhà ở khu tái định cư thì đã có. Vợ chồng tôi cũng như bà con đã xác định tư tưởng từ lâu. Nhưng mà đi tới nơi mới chưa biết sống thế nào, đã thấy nhớ nhà rồi”, vợ anh Hoàn, một phụ nữ nhỏ nhắn đen sạm run run nói.
Anh chồng góp chuyện rằng, nhiều nhà đã lên xây nhà mới ở khu tái định cư rồi. Nhà anh, dù đi sau một chút, nhưng vẫn còn may hơn nhiều nhà khác chưa có đất ở khu tái định cư. Chỉ băn khoăn một điều, chưa biết sống ở khu mới thế nào khi mà nửa cuộc đời anh đã gắn với ruộng, với biển.
“Ừ thì đất cằn cỗi, thuyền thì nhỏ và đi đánh bắt gần, tiền cũng chẳng được nhiều. Nhưng như vậy cũng chẳng lo bị đói. Còn tới nơi mới, chưa biết thế nào, nên lo lắm chú ơi”, anh Hoàn dừng tay, quệt mồ hôi và nói chuyện ngắt quãng. Trong ngôi nhà đã đập một nửa mái, hai đứa con lớn của anh đang giúp bố chuyển dần những bộ bàn ghế ra sân, để chuẩn bị đưa lên khu tái định cư.
Nhà anh Hoàn cùng hàng ngàn hộ dân khác thuộc 5 xã của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã và đang gấp rút hoàn tất những công việc cuối cùng để bàn giao mặt bằng cho Dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương để Tập đoàn Formosa xây dựng. Từ tháng 2/2010 tới nay, cả tỉnh Hà Tĩnh sôi động, tập trung mọi nguồn lực để di dời hàng ngàn hộ dân, rời xa nơi ở cũ để bàn giao mặt bằng cho dự án. Đằng sau những con số mà Ban Quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng cung cấp là đời sống của hàng ngàn gia đình đang đứng trước những thách thức mới. Xã Kỳ Liên có 240 hộ di dời. Xã Kỳ Long có 845 hộ di dời. Xã Kỳ Phương có 741 hộ phải di dời. Xã Kỳ Lợi có 299 hộ phải di dời trong đợt 1 và tương lai sẽ là cả xã phải di dời…
Ông Phạm Huy Tường, Phó chủ tịch Hội đồng Giải phóng mặt bằng Dự án Formosa, vừa ký giấy cho người dân xã Kỳ Long nhận tiền đền bù, vừa đọc cho chúng tôi những số liệu rất ấn tượng. Chỉ riêng tiền đền bù giải phóng mặt bằng của dự án, ông không nhớ chính xác, nhưng đến nay đã chi khoảng 1.800 tỷ đồng. Trong 4 xã, có tới 2.172 hộ dân phải di dời. Số mồ mả phải di dời cũng lên tới hơn 7.000 ngôi. Từ tháng 12/2008, công tác đền bù giải phóng mặt bằng bắt đầu được tiến hành để thu hồi tổng diện tích 3.600 ha phục vụ dự án (chỉ tính ở trên đất liền) và tới thời điểm này, toàn huyện Kỳ Anh đã thực hiện được trên 80% công tác giải phóng mặt bằng. Và mục tiêu là cuối tháng 7 này, huyện sẽ có mặt bằng sạch 100% để bàn giao cho chủ đầu tư.
Những con số ngắn ngủi ấy không thể hiện được nỗi buồn phải rời xa quê hương bản quán để đến nơi hoàn toàn mới để lập nghiệp. Nhưng khi được hỏi, mọi người đều trả lời rằng, việc nhường đất cho dự án là thông về tư tưởng. Đã xác định di dời và tiền đền bù cũng đã nhận. Các cấp cũng đã vận động nhiều, và cũng đã nói nhiều tới việc chuyển đổi nghề nghiệp, thay đổi cuộc sống trong tương lai. Nhưng vì mọi chuyện còn mới quá, chưa từng xảy ra trong đời của mỗi người, nên ai cũng băn khoăn lo lắng.
Trong gần một tuần len lỏi giữa các xã Kỳ Long, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Thịnh, Kỳ Liên…, chúng tôi luôn nhìn thấy hình ảnh những người dân đang xoay trần để đập những mảng tường, dỡ những mái ngói, buộc những khúc cây… để chuẩn bị dời đi.
Đã có những xã bàn giao được mặt bằng sạch cho huyện, như Kỳ Lợi chẳng hạn. Thế nên, đi đâu cũng gặp hình ảnh những nền gạch trơ ra giữa những gốc cây phi lao đã bị cưa sát gốc. Khắp nơi là vôi vữa bộn bề. Dấu hiệu của một cuộc di chuyển dân lớn chưa từng có ở Hà Tĩnh (và hình như là lớn nhất ở trong nước để phục vụ xây dựng một khu kinh tế) hiện ra ở khắp nơi. Mọi người dân, khi tự tay dỡ những ngôi nhà của mình, đã xác định và tin rằng, các nhà máy hiện đại và mang lại sự phồn thịnh cho cả vùng sẽ xuất hiện nơi đây. Những công trình sẽ xuất hiện tại nơi mà người dân nhường lại mảnh đất sinh nhai của mình. Hàng chục nghìn người dân bỏ lại quê hương ở phía sau để mong tương lai tươi sáng hơn sẽ tới với con cháu của mình.
Khi bước chân trên cồn cát trắng, nhìn những hố sâu vương vãi gạch, dấu tích của hàng ngàn ngôi mộ đã được chuyển đi, chạy dài theo mép biển, chúng tôi chợt nhận ra, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, những hình ảnh này sẽ biến mất. Đứng giữa những vết lõm dày đặc chạy dài ấy, chúng tôi cảm nhận được người dân, khi di chuyển, đã đem theo kỷ niệm của cuộc đời họ trên mảnh đất mình đã sinh sống nhiều đời, cùng tổ tiên, đến nơi mới khi trong lòng bộn bề cảm xúc. Bởi họ đã đi xa và quê hương thì ở lại phía sau.
(Bài 3: Bộn bề chỗ ở mới cho dân)
(Theo Duy Đông - Hữu Tuấn // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com