Các hạng mục hạ tầng đang được hoàn thiện để sớm bàn giao |
Dân sốt ruột
Ông Lê Xuân Chúng, Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Trưởng ban chỉ đạo Khu tái định cư (TĐC) Kỳ Lợi tiếp chúng tôi tại lán tạm ngay giữa công trình tái định cư Kỳ Lợi (nằm trên xã Kỳ Trinh, Kỳ Anh) giữa cái nóng 42 độ C. Nắng ở miền Trung thì nổi tiếng thiêu đốt, nhưng nắng ở khu TĐC đang được xây dựng dở dang giữa cái bụi mù trời thì không thể nào tả nổi.
Khu TĐC Kỳ Lợi có lẽ là một trong những khu TĐC có nhiều cái lạ nhất. Trong đó chỉ riêng việc khu TĐC nằm trên địa bàn xã khác, cách nơi cũ 20 km và lãnh đạo địa phương phải quản lý cùng lúc hai nơi cũng đủ hình dung thấy cái khó trong quản lý của địa phương.
“Khó nhất bây giờ là tốc độ xây dựng của các hộ dân tại khu TĐC quá chậm. Mùa mưa sắp đến mà tốc độ xây dựng như thế này thì sẽ vô cùng khốn khổ cho sinh hoạt”, ông Chúng vừa lau mồ hôi vừa kể. Ở Khu TĐC Kỳ Lợi đã có 289 hộ dân được cấp đất và đang làm nhà. Nhưng cho đến ngày 8/7/2010, chỉ mới có 10 nhà hoàn thiện và được đưa vào sử dụng. Còn hầu hết là các công trình dở dang và đâu đâu cũng là những lán tạm được dựng lên vừa là chỗ ở, vừa là nơi trông coi công trình. Chưa có lô đất nào (mỗi lô có 24 hộ, hoặc 19 hộ, hay 8 hộ tùy diện tích) được xây dựng hoàn chỉnh.
Đã từ tháng 3/2010 tới nay, hàng trăm hộ dân phơi nắng dưới những lán được dựng tạm trong cái bụi mù mịt của công trường TĐC này.
Hình ảnh nói trên có ở tất cả các khu TĐC phục vụ dự án của Tập đoàn Formosa trên huyện Kỳ Anh. Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, tính tới ngày 2/7/2010, các khu TĐC đang có rất nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, khu TĐC của Kỳ Liên, giai đoạn 1 mới san nền đạt 62%, giao thông đạt 38%, cấp nước đạt 53%, cấp điện đạt 35%, thoát nước mưa đạt 62%, thoát nước bẩn đạt 59%. Giai đoạn 2 của dự án này mới chỉ đạt 10% giao thông, 60% san nền, 0% cấp nước, thoát nước mưa mới đạt 50%, cấp điện đạt 50%.
Hay như tại Dự án TĐC Kỳ Long, giai đoạn 1 với 48,8 ha, thì san nền đạt 92%, giao thông đạt 43%, cấp nước đạt 53%, cấp điện đạt 51%, thoát nước mưa đạt 50%, thoát nước bẩn đạt 53%. Con số của giai đoạn 2 (35,5 ha) cũng chỉ ra còn nhiều bề bộn trong việc xây dựng khu TĐC. Chẳng hạn, san nền đạt 95%, giao thông đạt 35%, cấp nước 34%, cấp điện 41%, thoát nước mưa đạt 52,2%, thoát nước bẩn đạt 48%.
Rồi tại các dự án của Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Thịnh tình trạng ngổn ngang cũng diễn ra tương tự.
Khi nói chuyện với chúng tôi, ông Chúng và những người dân tại các khu TĐC này nhận xét rằng, do các hạng mục cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông và nước sạch đang dang dở, nên ảnh hưởng tới tốc độ xây dựng nhà của người dân. Ban đầu, do thiếu nước ngọt để xây dựng, nên khi chuyển tới các lô đất mới, nhà dân nào cũng khoan giếng khoan.
“Xã thì chẳng đồng ý cho chúng tôi khoan đâu. Nhưng các anh bảo, xây nhà mà không có nước thì làm sao mà trộn vữa được? Thôi thì cứ làm bừa bởi nước máy thì vừa mới có được một thời gian ngắn”, một người dân tại Khu TĐC Kỳ Long nói. Ông này bảo, thợ xây tại các TĐC thiếu trầm trọng, nên giờ có muốn xây nhà nhanh hơn nữa cũng chẳng biết làm thế nào.
Nỗi sợ nhất của các hộ dân tại các khu TĐC phục vụ Dự án Formosa lúc này chính là những cơn gió Nam. Những cơn cuồng phong thổi qua cả vùng rộng hàng trăm héc - ta đang xây dựng dở khiến cho những cơn lốc bụi lùa vào nhà, vào cửa, vào tai, vào mắt của mỗi người, vào từng mâm cơm trong mỗi bữa ăn của các gia đình tại những lán tạm thời vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Gặp nhà báo, ai cũng cười như mếu bảo, các chú cứ ở ăn cơm với chúng tôi một bữa, để biết “cơm bụi” đúng nghĩa là thế nào. Nhưng rồi, đa phần bà con nói rằng, đã quyết tâm đến vùng đất mới, gian nan ban đầu gắng vượt qua. Hy vọng, chỉ mong vài năm nữa trôi qua, tình trạng này sẽ chấm dứt.
Nhà thầu than khó
Chúng tôi mang những ý kiến của người dân về tình trạng dở dang của các hạng mục tại khu TĐC hỏi nhà thầu xây dựng là Tập đoàn Xuân Thành. Kỹ sư Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư (Tập đoàn Xuân Thành) tiếp chúng tôi trong một ngôi nhà thuê lại của người dân ngay cạnh đường Quốc lộ 1, gần Khu TĐC Kỳ Long, nóng như một cái hầm.
Trả lời cặn kẽ từng câu hỏi, anh bảo rằng, Tập đoàn Xuân Thành đã thi công nhiều công trình xây dựng, nhưng chưa bao giờ phải thực hiện một công trình nào đặc trưng như dự án TĐC tại Hà Tĩnh này. “Mưa nắng ở đây thì khủng khiếp. Các anh tưởng tượng có thời điểm gần 500 xe máy thi công trị giá hàng trăm tỷ đồng của chúng tôi phải “đắp chiếu” tới 20 ngày vì trời mưa. Chỉ nghĩ tới đã thấy xót ruột. Vào thời điểm căng thẳng nhất, chúng tôi huy động 1.000 đơn vị thiết bị thi công cùng với 3.000 công nhân thi công 3 ca/ngày trên công trường. Lượng việc mà Xuân Thành đã hoàn thành có thể nói là ngoài sức tưởng tượng”, anh Hải nói.
Sở dĩ, có tình trạng mù mịt bụi, anh Hải giải thích rằng, nhà thầu chỉ có thể đảm bảo tưới nước tại khu vực thi công của mình để giảm bụi. Còn khắp các khu TĐC, diện tích xây dựng rộng hàng trăm héc - ta và nhà dân nào cũng xây nhà, nên không thể tránh được.
“Cũng có một vài hiện tượng nền nhà dân bị lún sụt, là bởi đặc điểm địa chất khu vực trước khi san nền là sông suối. Nếu có thời gian, chờ lún khoa học, thì chắc chắn sẽ chẳng xảy ra một trường hợp đáng tiếc nào vì quy trình thi công của chúng tôi là chặt chẽ. Vì đang trong thời gian bảo hành, nên tất nhiên nhà thầu sẽ có trách nhiệm khắc phục đến nơi đến chốn một vài hiện tượng này”, anh Hải giãi bày.
Đại diện nhà thầu, nhân tiện gặp phóng viên, cũng kể ra những khó khăn trong công tác thi công công trình TĐC rất lớn này. “Chúng tôi được tỉnh chỉ đạo thi công cuốn chiếu, xong đến đâu thì bàn giao cho địa phương đến đấy để phục vụ công tác di dân. Nếu chờ hoàn thiện toàn bộ cơ sở hạ tầng mới bàn giao thì sẽ không kịp giải phóng mặt bằng cho Dự án Formosa. Kiểu làm “vừa chạy, vừa xếp hàng” khiến cho công tác thi công khó khăn hơn gấp bội”, anh Hải bổ sung.
Về mặt lý thuyết, nếu các hạng mục cơ sở hạ tầng của công trình TĐC hoàn chỉnh rồi mới bàn giao cho dân thì sẽ tốt hơn. Nhưng Hà Tĩnh đang phải chịu một sức ép lớn trong việc bàn giao mặt bằng sạch tại Khu Kinh tế Vũng Áng cho chủ đầu tư nên không thể làm theo cách thông thường. Nhà thầu cũng chịu sức ép này nên phải vừa thi công, vừa bàn giao trong nỗi lo canh cánh: tài sản của doanh nghiệp sẽ bảo quản như thế nào trong bối cảnh khá tấp nập như vậy.
Vị giám đốc chia sẻ với chúng tôi rằng, các TĐC mà Xuân Thành đang xây không phải là khu TĐC đơn thuần, mà thực chất đó là các khu đô thị được xây dựng với tiêu chuẩn cao. Do người dân từ các xã ven biển chưa bao giờ sống ở những khu đô thị như vậy, nên có nhiều nếp sinh hoạt không dễ gì mà có được ngày một, ngày hai. Ví dụ, thùng rác thì đã chuẩn bị sẵn, nhưng người dân chỉ nhăm nhăm đẩy rác thải xuống hố ga. Rồi chuyện dân kêu không có nước máy, nhưng khi đã có thì lại để vòi chảy… vô tư. “Nói chung, nhà thầu chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc thi công các khu TĐC của Hà Tĩnh. Song, với sự động viên sâu sát của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp giữa các cơ quan và sự nỗ lực của nhà thầu thì tiến độ thi công của chúng tôi là đạt yêu cầu tỉnh giao”, ông Hải giải thích.
Với công trình đặc trưng như những khu TĐC phục vụ dự án của Formosa, việc cả người dân và cả đơn vị thi công gặp khó khăn ngay tại công trình là điều dễ hiểu. Nhưng trên hết, tất cả đang đồng thuận để xử lý những vướng mắc nhằm tạo môi trường tốt nhất thu hút đầu tư của Hà Tĩnh.ª
(Bài 4: Những bài học riêng của Hà Tĩnh)
(Theo Duy Đông - Hữu Tuấn // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com