Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tập đoàn kinh tế tư nhân: Tìm cách lớn

Nhiều thương hiệu tập đoàn kinh tế do các ông chủ tư nhân thành lập đã thành danh. Ảnh: Hoài Nam
Nhiều quan điểm khác nhau về việc xây dựng mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam được đưa ra khi Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khởi động nghiên cứu về vấn đề này.
 
Vào năm 2007, bốn doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong lĩnh vực phân phối Việt Nam là Satra, Hapro, Saigon Co.op và Phú Thái Group đã liên kết ra mắt Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA) với tổng vốn đầu tư lên đến 6.000 tỷ đồng. Khi đó, kỳ vọng về một thương hiệu kiểu Wall Mart của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phân phối của Việt Nam rất mạnh mẽ.

Tuy nhiên, mọi việc đều dừng lại sau lễ ký đó khi các nỗ lực để có được những diện tích đất phù hợp cho kế hoạch phát triển mạng lưới phân phối của VDA không thành hiện thực.

Nhìn lại, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái băn khoăn, sự liên kết của doanh nghiệp chưa đủ để tạo nên sức mạnh chung nếu như thiếu sự ủng hộ của chính sách, môi trường kinh doanh. “Chúng tôi có thể góp vốn, có thể ngồi bàn kế hoạch kinh doanh, nhưng chưa đủ sức để tạo nên sự ủng hộ và tin tưởng của chính quyền địa phương cho các kế hoạch kinh doanh lớn, trong các lĩnh vực kinh tế then chốt của nền kinh tế. Bài toán hiệu quả kinh tế trở nên khó khăn khi khu vực tư nhân vẫn bị cho là chưa đủ lớn”, ông Đoàn chia sẻ.

Ở đây, dường như khoảng cách trong sở hữu vẫn là rào cản khi mà khu vực tư nhân cho rằng, nhiều lĩnh vực kinh doanh, họ có đủ sức thực hiện nếu liên kết lại trong khi trên thực tế, khoảng không này, dù không thành văn, song thường được ngầm định ưu thế thuộc về khu vực nhà nước. Ngay cả khi điểm yếu trong liên kết giữa các doanh nghiệp được cải thiện, thì rào cản về tiếp cận cơ hội kinh doanh lớn sẽ khiến các nỗ lực từ phía doanh nghiệp giảm đi ý nghĩa.

Ngay cả ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT - một mô hình tập đoàn kinh tế được cho là mẫu mực của Việt Nam trong quá trình phát triển, tích tụ và mở rộng, cho rằng, không biết sẽ “lớn” lên theo hướng nào trong nỗ lực trở thành các tên tuổi ngang ngửa với các doanh nghiệp lớn của khu vực và thế giới.

“Trong rất nhiều điều kiện cần để một doanh nghiệp lớn lên, như tham vọng, mong muốn của Chính phủ về các thương hiệu quốc tế, nỗ lực của doanh nghiệp, văn hoá dân tộc…,  thì nỗ lực của từng doanh nghiệp là có, nhưng làm sao để hội tụ đủ các điều kiện này là cách mà chúng ta cần phải xác định”, ông Bình nói.

Cách đây 9 năm, Công ty cổ phần Hoa Sen được thành lập với số vốn điều lệ khoảng 30 tỷ đồng với 100% vốn sở hữu thuộc về ông chủ Lê Phước Vũ. Cho tới thời điểm này, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen đã nổi danh với nhiều công ty con trong lĩnh vực vật liêu xây dựng với gần 600 tỷ đồng vốn điều lệ, dự kiến sẽ tăng lên trên 1.000 tỷ đồng trong năm 2010. Tuy nhiên, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, chỉ còn nắm giữ khoảng 60% cổ phần. Ông Vũ cho biết tới đây có thể cổ phần của cá nhân ông trong Tập đoàn sẽ được giảm xuống, còn khoảng 50%. “Như vậy, Hoa Sen là tập đoàn của đại chúng chứ không phải của cá nhân tôi”, ông Vũ nói.

Cũng trong thời điểm Hoa Sen lớn lên, khá nhiều thương hiệu tập đoàn kinh tế do các ông chủ tư nhân thành lập và phát triển thành danh như Tập đoàn Hoà Phát, Tập đoàn Mai Linh, Phú Thái Group, Saigon Invest Group...

Có thể thấy một điều là các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục hình thành và phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau, có thất bại, có thành công ít nhiều. Như vậy, với bản chất kinh tế như công cụ tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế của khu vực tư nhân của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển theo xu hướng cho dù những quan điểm về mô hình cho tập đoàn này sẽ có kết quả ra sao.

Mấu chốt mà các doanh nghiệp, và cả các nhà hoạch định chính sách đang quan tâm là làm sao để con đường hình thành tập đoàn kinh tế của khu vực tư nhân đi nhanh hơn, thuận lợi hơn trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập để tạo nên các đầu tàu, các thương hiệu Việt Nam tầm cỡ quốc tế.

Ở đây, có câu hỏi rằng, việc mở rộng cổ phần hoá các tập đoàn kinh tế nhà nước, tạo sự liên kết mật thiết thông qua cơ chế đầu tư vốn, cơ chế hợp đồng kinh tế giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế có thể là cách rút ngắn con đường tạo dựng các đầu tàu kinh tế, xây dựng thương hiệu lớn của Việt Nam.

(Theo Bảo Duy // Báo đầu tư)

  • Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Cần một nhạc trưởng
  • Eclat Fabrics Việt Nam sẽ không được đầu tư nhuộm
  • Giúp các trang trại giảm thiểu rủi ro trong sản xuất
  • Các khu công nghiệp Hà Nội: Tạo lực hấp dẫn mới
  • Cụm công nghiệp: Tự phát và thiếu sức sống (Kỳ I)
  • Cụm công nghiệp: Tự phát và thiếu sức sống (Kỳ II)
  • Khởi công xây dựng nhà máy tách khí 110 tấn/ngày
  • "Các vùng kinh tế trọng điểm tạo sức lan tỏa lớn"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container