Ông Trung cho rằng cần kiên quyết không cấp GPĐT nếu DA chưa có phương án tốt về BVMT; Ảnh: Cơ quan chức năng kiểm tra tại Nhà máy xử lý nước thải KCN Lê Minh Xuân - TP HCM |
DĐDN đã có bài “Cơ chế một cửa”, kể về những ngày đầu tiên áp dụng “cơ chế một cửa” trong xây dựng các KCN-KCX tại TP HCM. Sau khi báo ra, DĐDN đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ độc giả. Trong số này, chúng tôi tiếp tục đăng tải phần 2 của bài viết, những trăn trở trong thu hút đầu tư vào VN mà TS Nguyễn Chơn Trung đưa ra trong công tác quản lý, điều hành hiện nay như vấn đề cần nâng cao quyền tự chủ cho các BQL các KCX - KCN, vấn đề ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng...
Do được TƯ giao nghiên cứu mô hình hoạt động của BQL các KCX - KCN, ông Trung đã viết Đề án “Cơ chế một cửa”, áp dụng tại các KCX - KCN mà đầu tiên là áp dụng tại Hepza. Tuy nhiên, do thời gian đầu Chính phủ chưa phê duyệt đề án này nên BQL Hepza chỉ là một bộ phận thuộc Ủy ban hợp tác đầu tư (UBHTĐT) - là một cơ quan thuộc Bộ KHĐT lúc đó. Vì vậy, dù Hepza có con dấu nhưng trong 8 tháng đầu thành lập, việc thu hút đầu tư vào Hepza gần như không tiến triển do tất cả thủ tục hồ sơ phải chờ UBHTĐT xem xét, trình Bộ KHĐT... Đề án “cơ chế một cửa”tại BQL các KCX - KCN có nhiều vấn đề nhưng chủ yếu là nhằm tăng quyền tự chủ cho BQL, giảm tối đa thời gian hoàn thành thủ tục hồ sơ, giảm phiền hà cho nhà đầu tư... như BQL các KCX - KCN được cấp dấu quốc huy; được phép phê duyệt DA đầu tư vào KCX từ 40 triệu USD trở xuống, DA vào KCN từ 10 triệu USD trở xuống; thành lập hội đồng xét duyệt DA gồm lãnh đạo cao nhất các sở ban ngành liên quan và do trưởng BQL KCX - KCN làm chủ tịch hội đồng, làm đầu mối duy nhất đối với nhà đầu tư nhằm thúc đẩy các ngành liên quan phê duyệt các “giấy phép con” như xây dựng, môi trường, giao thông, PCCC...; BQL các KCX - KCN trực thuộc Chính phủ, và chỉ thuộc UBND tỉnh - TP về mặt hành chính...
Tuy nhiên khi trình Đề án này, nhiều lãnh đạo không đồng ý mà cụ thể là cả 4 vị phó thủ tướng lúc đó đều không đồng ý do quá mới, quyền hạn của BQL quá cao, và vấn đề khá tế nhị là một số lãnh đạo UBND tỉnh - TP, sở ban ngành... cảm thấy quyền hạn của mình bị giảm. Riêng chỉ có Thủ tướng Võ Văn Kiệt chưa có ý kiến. Sau đó, ông Trung xin được gặp trực tiếp Thủ tướng Võ Văn Kiệt để trình bày đề án và đã được Thủ tướng cho phép thí điểm tại Hepza. Kết quả ai cũng thấy khi nhìn vào những thành công rực rỡ ngày hôm nay của Hepza.
Phải duy trì “cơ chế một cửa” quyết liệt hơn
Ông Trung kể, tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập KCX Tân Thuận, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đánh giá rất cao “cơ chế một cửa”, mô hình KCX Tân Thuận và chỉ đạo nhân rộng mô hình này một cách triệt để hơn. Theo ông Trung, thành công trong thu hút đầu tư của VN hôm nay có vai trò vô cùng lớn của “cơ chế một cửa”. Có lẽ chính vì những thành công ấy nên Chính phủ lại tiếp tục thực hiện Chương trình cải cách thủ tục hành chính, thực hiện “cơ chế một cửa” nhằm thu hút đầu tư hiệu quả hơn.
Theo ông Trung, phải trao quyền hạn nhiều hơn cho các BQL các KCX- KCN để họ có khả năng giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến nhà đầu tư, kể cả việc xử phạt mức cao nhất... Theo ông, nhà đầu tư vào KCX - KCN chỉ cần quan hệ với BQL KCX - KCN là đủ. Trưởng BQL KCX - KCN tối thiểu nên là tỉnh ủy viên - thành ủy viên, thậm chí ở các địa phương lớn thì nên là thường vụ tỉnh ủy - thành ủy... Tuy nhiên thực tế là rất nhiều trưởng BQL các KCX - KCN vẫn chưa là tỉnh ủy - thành ủy viên, chưa có tiếng nói tại địa phương. Nhiều BQL chưa có toàn quyền quyết định cấp giấy phép đầu tư cho nhà đầu tư vì vướng một loại giấy phép nào đó phải phụ thuộc vào sở ngành có thẩm quyền.
Không nên bỏ giấy phép về bảo vệ môi trường
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề đau đầu hiện nay là bảo vệ môi trường (BVMT), ông Trung cho rằng việc quản lý BVMT trong KCX - KCN dễ thực hiện hơn ở ngoài, nhưng vẫn thực hiện chưa tốt do nhiều lý do mà lý do lớn nhất là chế tài quá yếu. Nguyên nhân sâu xa cơ bản là tại nhiều địa phương, “cơ chế một cửa” vẫn chưa thực hiện triệt để, “quyền” của BQL các KCX - KCN vẫn còn hạn chế, chưa thực sự có quyền hạn và có trách nhiệm về vấn đề này, không có toàn quyền thực hiện các biện pháp chế tài như rút giấy phép hoạt động, việc kiểm tra xử phạt vẫn phụ thuộc vào cảnh sát môi trường, Sở TNMT, UBND tỉnh - TP. Một nguyên nhân nữa là từ khi Bộ KHĐT bỏ loại giấy phép về BVMT thì nhà đầu tư xem nhẹ phương án bảo vệ môi trường hơn trước mà lẽ ra loại “giấy phép con” này không nên bỏ, kiên quyết không cấp GPĐT nếu DA chưa có phương án tốt về BVMT.
(Theo Khắc Dũng // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com