Sản xuất công nghệ cao luôn là ưu tiên trong việc thu hút đầu tư tại các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM - Ảnh: Quốc Hùng |
Khác với những năm trước đây, tình hình nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào các khu chế xuất và khu công nghiệp tại TPHCM đang có xu hướng thấp hơn nhiều so với nguồn vốn của các doanh nghiệp trong nước.
Vốn nội lên ngôi So với cùng kỳ năm ngoái, tình hình thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong hơn 7 tháng đầu năm nay ở các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) tại TPHCM có mức tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, theo Ban quản lý các KCX và KCN TPHCM (Hepza), nguồn vốn FDI chảy vào các KCN vẫn thấp hơn nhiều so với nguồn vốn của các doanh nghiệp trong nước đầu tư. Cụ thể trong 7 tháng qua, có 13 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào các KCX và KCN với tổng vốn đăng ký đạt hơn 49,2 triệu đô la Mỹ. Nếu cộng thêm 14 dự án FDI đang hoạt động mở rộng đầu tư, thì tổng vốn FDI vào khu vực này của thành phố trong 7 tháng đầu năm nay đạt hơn 136,3 triệu đô la Mỹ. Một thực tế đáng lo khác đang diễn ra ở các KCN TPHCM là quy mô đầu tư của các dự án FDI dường như đang nhỏ dần, hiếm có các dự án vài chục triệu đô la Mỹ trong hai năm trở lại đây. Trong 13 dự án được cấp mới từ đầu năm đến nay, chỉ có bốn dự án có vốn đầu tư từ 10 triệu đô la Mỹ trở lên. Trong khi đó, tình hình đầu tư của các doanh nghiệp trong nước ở khu vực này với quy mô vốn ngày càng cao. Cụ thể trong 7 tháng qua có đến 35 doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các KCN của thành phố với tổng số vốn đăng ký lên đến hơn 235 triệu đô la Mỹ. Nếu tính luôn 19 dự án của các doanh nghiệp trong nước mở rộng đầu tư ở thời điểm này thì tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước đạt gần 297 triệu đô la Mỹ. Kết quả này cho thấy vốn nội đầu tư vào KCN cao hơn gấp đôi so với nguồn vốn của các dự án FDI đầu tư vào các KCN thành phố trong 7 tháng qua. Thu hút vốn ngoại đi vào chiều sâuBên cạnh 13 KCX và KCN đang hoạt động, Hepza đang ra soát tiến độ triển khai dự án của 7 KCN thành lập mới về tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng hạ tầng ... nhằm có quỹ đất lớn để thu hút đầu tư.
Lý giải về tình hình hiếm thấy này, Phó trưởng ban Hepza Nguyễn Tấn Phước, cho rằng bên cạnh ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới toàn cầu dẫn đến giảm sút mạnh nguồn vốn FDI thì trong những năm gần đây, các dự án thâm dụng lao động, trình độ công nghệ thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng cũng như ô nhiễm môi trường, không còn được thành phố khuyến khích.
Nói cách khác, theo Hepza, trong những năm gần đây các KCN của thành phố đã chọn lọc nhà đầu tư và ưu tiên những dự án đầu tư theo chủ trương của thành phố là thu hút những dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, sạch, gia tăng giá trị sản phẩm và thân thiện môi trường. Chính vì có sự chọn lọc cũng như hạn chế về diện tích đất với quy mô lớn cho các dự án đầu tư công nghệ cao nên tình hình thu hút đầu tư vốn FDI ở các KCN của thành phố giảm. Mặt khác, các dự án này thường đòi hỏi giá cho thuê đất thấp, điện, nước, viễn thông đạt chất lượng cao, hệ thống xử lý chất thải và cơ sở hạ tầng giao thông hoàn chỉnh... Trong khi đó, các KCN cũ thì gần như được lấp đầy diện tích đất cho thuê, còn những KCN mới hiện nay vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng và giá cho thuê đất khá cao. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi thuế đối với các dự án đầu tư mới và mở rộng khi vào các KCX và KCN ở TPHCM đã không còn như trước đây cũng là một hạn chế rất lớn trong việc thu hút đầu tư. Theo ông Phước, thực tế trong thời gian qua tình hình thu hút đầu tư của Hepza đi đúng theo quỹ đạo thu hút đầu tư của TPHCM. Cụ thể, trong 13 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép thì phần lớn vào các lĩnh vực như điện tử, cơ khí, gia dụng, nhựa cao cấp... vốn là các lĩnh vực khuyến khích đầu tư. Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước trong thời gian qua đã nắm bắt cơ hội trong thời khủng hoảng để đầu tư, mở rộng sản xuất cũng như nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ cao với giá rẻ, nên nguồn vốn tăng cao so với vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã phản ánh sự nhanh nhạy của các nhà đầu tư trong nước sau đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua. Hepza cũng đang phối hợp với các sở ngành thúc đẩy tiến độ xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng trong và ngoài KCN để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp. Đối với các dự án hoạt động không hiệu quả hoặc chậm triển khai, Hepza sẽ rà soát và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư để bố trí các dự án có công nghệ cao, hiện đại theo chủ trương chung của thành phố. Ông Phước cho rằng, một số dự án thâm dụng lao động cũng đang nhờ Hepza hỗ trợ trong việc tìm địa điểm mới ở các tỉnh thành nhằm thuận lợi trong việc tuyển dụng lao động và cắt giảm chi phí.
(Theo Quốc Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com