Thảo luận của các đại biểu Quốc hội về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô đang khiến các nhà sản xuất ô tô phập phồng, trông ngóng.Nhận xét về dự thảo mức thuế TTĐB mới dành cho ô tô, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, khi thuế TTĐB càng thấp thì càng nhiều người có cơ hội sở hữu ô tô. Dù biết mong muốn sở hữu ô tô cá nhân là chính đáng, song trong điều kiện giao thông như hiện nay, đặc biệt là tại Hà Nội, bà Hường cũng thừa nhận, việc giảm thuế TTĐB sẽ làm tăng số lượng xe cá nhân.
Dẫu vậy, với dòng xe 6 - 9 chỗ ngồi, bà Hường lại ủng hộ việc giữ nguyên mức thuế hiện nay. “Tôi đã vài lần làm việc với một số hãng ô tô nước ngoài có nhà máy lắp ráp ở Việt Nam và được biết chiến lược làm ăn của họ. Theo nghiên cứu thị trường của họ, xe 6 - 9 chỗ được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Nếu tăng thuế TTĐB đối với loại xe này thì chiến lược đầu tư của họ bị ảnh hưởng nặng nề, như vậy liệu có ổn định môi trường đầu tư như chúng ta đã cam kết?”.
Hiện tại, Dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi đã đề xuất thuế suất đối với xe dưới 10 chỗ ngồi có động cơ mang dung tích dưới 2.0L là 40%, xe có dung tích từ 2.0L đến 3.0L là 50% và xe trên 3.0L là 60%. Với dòng xe 6 - 9 chỗ, thuế suất mới cao gấp đôi so với trước đây, khiến việc sản xuất các dòng xe này không còn lợi thế như trước.
TS. Udo F. Loersch, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô (VAMA) gần đây cũng cho hay, những thay đổi liên tục về chính sách thuế nhập khẩu trong hai năm qua đã làm cho thị trường có nhiều biến động. Với việc tăng thuế TTĐB lần này, thị trường sẽ gặp một cú sốc nữa, lượng xe tiêu thụ sẽ giảm đáng kể. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến các nhà sản xuất ô tô cũng như khách hàng Việt Nam.
“Tại những nước phát triển hơn, ô tô chỉ chịu thuế VAT, không chịu thuế TTĐB. Ô tô đang trở thành phương tiện đi lại hàng ngày, không phải là tài sản lớn. Vì vậy, chúng ta nên nghĩ đến việc giảm, thay vì tăng thuế TTĐB. Thay vào đó, Chính phủ nên áp dụng việc thu phí cầu đường, để đảm bảo việc cứ chạy càng nhiều xe trên đường thì phải trả càng nhiều phí”, TS. Loersch nói.
Theo các nhà sản xuất, thuế ô tô tại Việt Nam hiện thuộc mức rất cao. Chính vì vậy, dung lượng thị trường không thể đủ lớn để phát triển các nhà sản xuất ô tô trong nước và các nhà sản xuất phụ tùng trong ngành công nghiệp phụ trợ trước khi mở cửa thị trường hoàn toàn theo lộ trình hội nhập AFTA và WTO.
Hiện tại, các nhà sản xuất kỳ vọng quá trình “bùng nổ ô tô” sẽ sớm xảy ra, vì đó là hệ quả tất yếu của nhu cầu kinh tế và tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước và công nghiệp phụ trợ không phát triển kịp thời thì Việt Nam sẽ nhập khẩu xe là chính. Điều này sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn.
Tuy nhiên, làm thế nào để kích thích ngành công nghiệp này phát triển là vấn đề không hề đơn giản, nhất là khi thuế ô tô thời gian qua thay đổi liên tục, làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạch định và thực hiện kế hoạch kinh doanh.
Ông Tsuyoshi Awai, Giám đốc marketing Toyota Việt Nam cho biết, việc thường xuyên điều chỉnh thuế ô tô đã làm cho thị trường ô tô trở nên phức tạp và khó dự đoán. “Chúng tôi hy vọng, Chính phủ sẽ có các chính sách trung và dài hạn để các doanh nghiệp có thể an tâm hoạch định chiến lược sản xuất - kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Điều đó cũng sẽ hỗ trợ cho việc mời gọi các nhà cung cấp linh kiện đầu tư vào Việt Nam để nâng cao tỷ lệ nội địa hoá”, ông nói
Còn với nhà sản xuất nội địa, như Công ty Vinaxuki, thì việc thay đổi thuế như hiện nay cũng gây không ít phiền toái. “Chúng tôi sang Đài Loan gặp gỡ các nhà sản xuất linh kiện ô tô để hợp tác làm ăn, nhưng họ từ chối thẳng thừng vì biết chính sách về ô tô của Việt Nam hay thay đổi, thiếu lộ trình”, ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty Vinaxuki cho biết.
( Cổng thông tin kinh tế )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com