Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhận xét thì mọi thứ vẫn cứ lộn xộn, lẫn lộn, thiếu tính thống nhất, được cái này mất cái kia và chung quy lại là chẳng được gì cả. Tại sao ? |
Chính sách và thời điểm
Dư luận gần đây xôn xao về những quyết định liên quan đến nhập khẩu ôtô nguyên chiếc cả mới lẫn cũ. Xe mới thì thêm những quy định “ngặt nghèo” mà đáng ra là phải đưa ra từ lâu lắm rồi, từ khi cho phép nhập khẩu xe nguyên chiếc với mức thuế theo lộ trình WTO, chứ không phải bây giờ mới làm. Xe cũ thì tiếp tục tăng mức thuế tuyệt đối với nhiều dòng, chủng loại (phụ thuộc vào dung tích xilanh).
Cứ nghĩ rằng vào thời điểm này cần phải đưa ra những quyết định như vậy. Điều đó đúng, nhưng kết quả của nó sẽ như thế nào còn chưa biết. Khi chưa biết được thì có thể dự đoán và nhiều chuyên gia dự đoán, khẳng định rằng rồi cũng “chả đâu đến đâu”. Dự đoán và khẳng định của họ dựa trên hai yếu tố là ngành công nghiệp ôtô cũng vẫn khó phát triển như mong muốn trong khi các doanh nghiệp dù có “kêu gào” như thế nào thì họ vẫn bán được xe, vẫn tìm cách xoay xở được, lượng xe lắp ráp trong nước cũng như xe nhập khẩu vẫn bán tốt và giả sử như có giảm thì chỉ trong một thời gian ngắn mang tính chờ đợi và nghe ngóng, sau đó lại tiếp tục tăng. Mà cái tăng của thị trường ôtô bao nhiêu năm nay vẫn thế, là giá và sản lượng bán hàng vẫn tăng đều. đã có thời điểm chúng ta giảm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc, rồi lại tăng, giảm và xét lại thì dù tăng hay giảm thì sản lượng bán hàng của xe nhập khẩu vẫn tăng. Nói về vấn đề này, giám đốc một doanh nghiệp ôtô cho biết “Liên quan đến việc gia tăng các biện pháp siết chặt, tăng thuế, lệ phí... sẽ làm cho giá xe tăng, nhưng trên thực tế là tăng thế chứ tăng nữa thì lượng bán xe cũng không giảm nhiều, khách hàng vẫn cứ mua”. Nói như vậy để biết rằng như cầu của người dân trong việc sử dụng xe con là rất lớn. Đó là chưa tính đến việc lượng xe sang, xe cao cấp vẫn ào ào về VN, cho dù là đắt hay rẻ, có khi càng đắt lại càng mua. Vậy thì bài toán nằm ở chỗ là làm thế nào để đáp ứng nhu cầu đó một cách tốt nhất chứ không phải là hạn chế nó và sự đáp ứng đó phải gắn với sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô VN, mà cụ thể là sự tham gia của các doanh nghiệp vào chuỗi liên kết giá trị, sản xuất toàn cầu.
Như chúng tôi đã từng đề cập đến việc nếu thời điểm ngay từ đầu cho phép nhập khẩu xe nguyên chiếc, chúng ta đưa ra những quy định chặt chẽ hơn thì tình hình bây giờ sẽ khác. sẽ không có quá nhiều DN nhập khẩu ôtô như hiện nay, trong khi tính chuyên nghiệp cao hơn nhiều và nếu vậy thì cả Nhà nước và người tiêu dùng đều được lợi, tính hiệu quả sẽ cao hơn...
Tìm liên kết
Nhu cầu sử dụng ôtô được dự báo là tiếp tục tăng trưởng mạnh và đó chính là lợi thế cho sự phát triển ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, một trong những vấn đề được xem là quan trọng đối với ngành công nghiệp là thiếu tính liên kết. Tính liên kết ở đây được hiểu theo hai góc độ: Liên kết giữa các DN trong nước và liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, giữa doanh nghiệp trong nước và các hãng ôtô trên thế giới.
Trên thực tế thì các hãng ôtô lớn trên thế giới đều đã có mặt tại VN dưới hình thức liên doanh với các đối tác trong nước hoặc đầu tư 100 vốn nước ngoài. Điều này hoàn toàn phù hợp vì ngành công nghiệp này thì việc liên kết với các hãng ôtô là điều bắt buộc. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ sự liên kết của các liên doanh hiện nay, bao nhiêu năm nay vẫn chỉ dừng lại ở mức độ lắp ráp đơn giản và phân phối, bán hàng. Bản thân các liên doanh gần như không sản xuất linh kiện, phụ tùng, trong khi các đơn vị sản xuất linh kiện, phụ tùng khác cho dù có năng lực lại không thể tham gia được vào chuỗi liên kết trong các hệ thống của chính các hãng. Đó cũng chính là nguyên nhân chính lý giải tại sao ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực ôtô của VN lại yếu kém, chứ không phải là chúng ta không muốn phát triển, các doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực. Một chuyên gia khẳng định nếu các hãng ôtô lớn trên thế giới muốn phát triển các nhà sản xuất và cung ứng phụ tùng linh kiện ở VN thì họ làm được ngay. nhưng họ không muốn làm, nhất là sản xuất và cung ứng ngay trong các liên doanh của mình tại VN. vì nguyên nhân chính là tính hiệu quả không cao do họ đã đầu tư lớn tại các nước xung quanh như Trung Quốc, Thái lan, Philippines, Indonesia... Nhưng có một nghịch lý là hiện cũng có nhiều DN con của các hãng ôtô đầu tư vào VN sản xuất linh kiện, phụ tùng đơn giản như hệ thống dây điện, ghế, keo dán... và chỉ có điều là toàn bộ những sản phẩm này đều được xuất khẩu sang thị trường các nước (doanh số XK khoảng trên 1 tỉ USD/năm).
Đó là các liên doanh, còn các DN của VN mới đầu tư gần đây thì mối liên kết lại càng thấp do thiếu đối tác lớn, trong khi ưu đãi đối với các doanh nghiệp này lại gần như không có gì ?
Làm gì thì làm, nhưng vấn đề quy hoạch, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô của VN thời gian tới phải giúp DN chen chân được vào chuỗi liên kết công nghiệp ôtô toàn cầu và toàn khu vực, nhất là khi thời điểm thuế nhập khẩu trong Asean sẽ được dỡ bỏ vào năm 2018. Và nếu không có những chính sách phù hợp cho sự phát triển của ngành công nghiệp này, nhất là vấn đề sản xuất thì chí ít cũng phải tính đến một chiến lược nhập khẩu và phân phối ôtô phù hợp.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang thì VN thuộc nhóm nước có triển vọng tiêu thụ ôtô. Trong bối cảnh các hãng ôtô có thương hiệu xuyên quốc gia hầu như chi phối tất cả các phân khúc sản xuất xe bằng việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới nhất thì liệu VN có xây dựng được ngành công nghiệp ô tô đủ năng lực cạnh tranh và phát triển để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần giảm nhập siêu trong tương lai? |
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com