Tại buổi làm việc với Bộ Công thương đầu tuần trước, ông Murakami, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam, một lần nữa kiến nghị "được cùng Chính phủ thiết lập nên ngành công nghiệp ô tô phát triển lâu dài và bền vững", bên cạnh những kiến nghị liên quan tới các loại thuế đối với ô tô đã hoặc đang chuẩn bị có hiệu lực trong thời gian gần đây.
Trong 8 tháng đầu năm 2008, số lượng xe bán ra của các thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô (VAMA) đạt trung bình 10.000 xe/tháng. Tuy nhiên, từ tháng 9 tới tháng 11/2008, số lượng bán đã giảm xuống chỉ còn bằng 50% (khoảng 5.000 xe/tháng). Điều này đã kéo theo sự sụt giảm trong sản xuất của các thành viên VAMA. "Sự giảm sút này không chỉ do khủng hoảng kinh tế, mà còn do ảnh hưởng bởi các chính sách của Chính phủ trong thời gian qua, như thuế trước bạ tăng từ 2% lên 10%", ông Murakami nói.
Bên cạnh đó, việc nhiều chính sách thuế mới bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2009, như thuế giá trị gia tăng từ 5% lên 10%; phí trước bạ từ 10% lên 12% tại Hà Nội kể từ tháng 1/2009, hay thuế tiêu thụ đặc biệt mới từ tháng 4/2009, đều có tác động không tốt với kinh doanh ô tô, khiến các DN khó có thể lạc quan với tình hình kinh doanh trong năm 2009. Lạc quan và bán hàng tốt như Toyota Việt Nam, mà cũng đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2009 giảm 20-50% so với năm 2008.
"Thắt lưng, buộc bụng" để xây dựng công nghiệp ô tô, các DN ô tô trong nước cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô vượt qua khó khăn "kép" về suy giảm kinh tế nói chung, cũng như thay đổi các chính sách thuế theo hướng tăng mạnh.
"Nhà nước khuyến khích DN nội địa hóa ô tô, vì thế chúng tôi cũng mạnh dạn đầu tư nội địa hóa. Hiện tại, số vốn đầu tư cho nội địa hóa tuy chỉ chiếm 15% vốn đầu tư cho sản xuất ô tô, nhưng nếu hàng hóa làm ra bị tồn đọng, thì linh kiện không thể bán được và tiền đầu tư sẽ bị ứ đọng", ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc CTCP Ô tô Xuân Kiên lo ngại.
Đồng quan điểm, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Ôtô Trường Hải cho biết, chính sách lâu dài của Chính phủ về ngành công nghiệp ô tô sẽ quyết định việc Công ty có nên tiếp tục đầu tư hay dừng lại. "Sản lượng ô tô bán ra của Công ty từ tháng 7 đến tháng 12/2008 sụt giảm mạnh, từ 1.679 xe/tháng xuống chỉ còn 1.008 xe/tháng, thậm chí có lúc xuống 566 xe/tháng. Trong khi đó, DN phải cân đối nhập khẩu hàng từ đầu năm, nên tồn đọng tới cả nghìn tỷ đồng", ông Dương nói.
Cũng bởi tình hình khó dự đoán, nên việc đầu tư tiếp trong năm 2009 cũng được các DN ô tô tỏ ra khá thận trọng. Theo Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT), từ năm 2008 tới năm 2018, Việt Nam phải giảm thuế từ mức 83% xuống 0%. Điều này buộc các DN ô tô phải chạy đua hết tốc lực mới mong về đích. Trong điều kiện đó, thì suy thoái kinh tế đang gây khó khăn và thiệt thòi cho các DN ô tô Việt Nam.
Nhằm hỗ trợ các DN trong thời điểm khó khăn, đề nghị tạm hoãn tăng thuế gồm thuế giá trị gia tăng với xe thương mại có hiệu lực từ tháng 1/2009 sang tháng 7/2009; thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi từ tháng 4/2009; thuế trước bạ tại Hà Nội lên 12% và thuế thu nhập cá nhân từ tháng 1/2009, cũng được các DN đề xuất với Bộ Công thương và các bộ liên quan. "Khi kinh tế tiếp tục suy thoái mà vẫn tăng thuế các loại, thì sẽ có tác động kép với công nghiệp ô tô", ông Murakami nhấn mạnh.
(Theo báo Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com