Với việc triển khai Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), bất ổn chính trị ở Thái Lan và thế mạnh nội tại như nhu cầu gia tăng, nhân lực giá rẻ dồi dào, Indonesia có rất nhiều cơ hội để trở thành trung tâm sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô khu vực.
Ông Johnny Darmawan - giám đốc PT Toyota Astra Motor đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp ô tô Indonesia (Gaikindo) - cho rằng Indonesia có thể thay thế Thái Lan trở thành trung tâm công nghiệp ô tô ở Đông Nam Á, nhờ tiềm năng to lớn về thị trường nội địa và tài nguyên thiên nhiên. Mặt khác, việc triển khai AFTA đã làm cho hoạt động xuất khẩu ô tô và phụ tùng ô tô từ Indonesia sang các nước Đông Nam Á trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Trong khi đó, nhu cầu về các chi tiết cấu thành ô tô giá rẻ sẽ khuyến khích việc xây dựng nhà máy mới ở Indonesia, do những lợi thế về nguồn tài nguyên và nhân công tại đây. Điều quan trọng là Chính phủ Indonesia cần thu hút đầu tư nhiều hơn vào ngành công nghiệp đầy tiềm năng này.
Đề cập đến điểm mạnh thu hút đầu tư đối với ngành công nghiệp ô tô tại Indonesia, Tổng vụ trưởng Budi Darmadi phụ trách giao thông, truyền thông và công nghệ thông tin thuộc Bộ Công nghiệp Indonesia nhấn mạnh ba yếu tố: nguồn nhân công có kỹ năng có thể cạnh tranh với Thái Lan và Hàn Quốc; ngành công nghiệp sản xuất linh kiện cấu thành ô tô đang tăng trưởng, với khoảng 700 nhà máy, so với 1000 nhà máy tại Thái Lan và đà phát triển kinh tế mạnh mẽ của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này trong thời gian qua.
Về mặt chính sách, Chính phủ Indonesia áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích thuế quan và phi thuế quan cho các nhà đầu tư. Quy định năm 2008 của chính phủ về thuế thu nhập nêu rõ hàng loạt khu vực công nghiệp, trong đó có công nghiệp sản xuất ôtô, được giảm khoản thuế thu nhập trong 6 năm, tương ứng với 5% tổng mức đầu tư. Ngoài ra, chính phủ còn miễn thuế nhập khẩu đối với nhiều loại nguyên liệu thô không có tại Indonesia.
Trưởng Bộ phận quan hệ đối ngoại của Toyota tại Indonesia Irwan Priyantoko cho rằng tập đoàn này là một trong những đối tác có đóng góp quan trọng nhất đối với sự tăng trưởng của ngành công nghiệp ô tô Indonesia. Toyota đã quyết định ngừng xuất khẩu ô tô thể thao từ Thái Lan và chuyển trọng tâm xuất khẩu các sản phẩm của hãng sang cơ sở ở Indonesia. Chi nhánh Toyota tại Indonesia đặt mục tiêu xuất khẩu 41.400 ô tô đến cuối năm 2010 và đã đầu tư thêm 4,2 nghìn tỷ rupiah (470 triệu USD), nhằm tăng gấp đôi công suất, lên 170.000 chiếc mỗi năm.
Nhiều nhà sản xuất ô tô lớn khác cũng tuyên bố kế hoạch mở rộng đầu tư vào Indonesia. Với khoản đầu tư mới 4 nghìn tỷ rupiah, hãng Daihatsu tại Indonesia dự định tăng công suất từ 115.000 chiếc lên 150.000 chiếc mỗi năm. Hai đại diện khác của Mỹ và châu Âu là Ford và Volkswagen cũng đã thể hiện quan tâm về việc xây dựng cơ sở sản xuất tại Indonesia.
Theo các nguồn tin địa phương, trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp ô tô, một nhóm các quan chức của Cơ quan Điều phối đầu tư Indonesia (BKPM) và Bộ Công nghiệp nước này đang vận động hãng Hyundai của Hàn Quốc xác định Indonesia là trung tâm sản xuất, một động thái có thể đem lại khoản đầu tư 600 triệu USD cho ngành công nghiệp ôtô của Indonesia.
Số liệu của Gaikindo cho thấy, trong tháng 8/2010, Indonesia xuất khẩu 7.279 ôtô lắp ráp thành nguyên chiếc (CBU), tăng 122% so với cùng kỳ năm 2009, do nhu cầu tiêu thụ trong khu vực đang tăng trở lại. Với đà tăng trưởng mạnh trong tháng 8, xuất khẩu CBU của Indonesia trong 8 tháng đầu năm 2010 đạt 49.427 chiếc, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2005, Indonesia xuất khẩu 17.805 CBU và đạt đỉnh vào năm 2008, với 100.982 chiếc, sau đó giảm xuống còn 56.669 chiếc năm 2009.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com