Ngành hàng không dân dụng Việt Nam sẽ trở thành ngành kinh tế trọng điểm với tổng vốn đầu tư đến năm 2020 cho các dự án phát triển là khoảng 227.800 tỷ đồng.
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng không Việt Nam sẽ mở rộng và tăng cường tần suất khai thác trên mạng đường bay quốc tế, tập trung chủ yếu vào khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương, Trung Đông cũng như mạng đường bay nội địa.
Ngành sẽ tăng số lượng máy bay các loại (chở khách và hàng hóa) lên 140-150 chiếc; đưa vào khai thác và sử dụng 26 cảng hàng không, trong đó có 10 cảng hàng không quốc tế, 16 cảng hàng không nội địa.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, năm 2009, ngành hàng không Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng 4,1% về vận tải hành khách, 2,1% về vận tải hàng hóa tương đương với 16,8 triệu hành khách và 351 nghìn tấn hàng hóa được vận chuyển. Lượng khách thông qua các cảng hàng không tăng trưởng 9,5% đạt 25,4 triệu lượt, lượng hàng hóa thông qua tăng 7,6% đạt 447 nghìn tấn.
Về xây dựng cơ bản, Cục Hàng không sẽ tập trung ưu tiên cho các công trình tại các cảng hàng không quốc tế như công trình nhà ga T2 cảng hàng không Nội Bài, cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc mới, nâng cấp kéo dài đường cất hạ cánh cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Năm 2008, Cục Hàng không đã tập trung vào công tác điều chỉnh quy hoạch các cảng hàng không và sân bay như cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Phú Bài, Cam Ranh, sân bay Phan Thiết và Lai Châu; đã đưa vào khai thác hiệu quả cảng hàng không Đồng Hới, khai thác giai đoạn 1 cảng Cần Thơ; khởi công xây dựng cảng quốc tế Phú Quốc.
Sản lượng vận tải hành khách năm 2008 đạt 16,2 triệu hành khách, tăng 12,8%; 341 nghìn tấn hàng hóa, tăng 10,9% so với năm 2007./.
(TTXVN/Vietnam+)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com