Hôm nay 30-1, cảng SPCT - cảng container lớn nhất, hiện đại nhất TPHCM được khánh thành. Đây là sự kiện rất quan trọng đối với việc phát triển cảng biển ở TPHCM và tiến trình phát triển kinh tế TPHCM. Nhân sự kiện này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín đã dành cho PV Báo Sài Gòn Giải Phóng buổi trao đổi xung quanh chiến lược phát triển kinh tế biển và việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở ngoại thành TPHCM.
° Phóng viên: Thưa ông, hoạt động của cảng biển đã từng ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và môi trường trong nội thành TPHCM. Đây là một trong những lý do để Chính phủ có quyết định di dời hệ thống này đi. Bây giờ TPHCM lại tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho việc phát triển cảng biển, liệu có rơi vào tình trạng như trước đây?
° Phó Chủ tịch NGUYỄN TRUNG TÍN: TPHCM đang tập trung xây dựng hệ thống cảng biển mới ở xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè, nằm bên sông Soài Rạp. Đây là vùng đất trũng, nhiễm mặn ở ngoại thành TPHCM. Việc hình thành hệ thống cảng biển ở Hiệp Phước không những không ảnh hưởng tiêu cực đến TTATGT và môi trường của TP mà còn tạo điều kiện cho người dân ngoại thành chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp kém hiệu quả sang công nghiệp hiện đại, dịch vụ, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là một mặt của vấn đề.
Cảng SPCT tại huyện Nhà Bè. Ảnh: ĐỨC TRÍ |
Phát triển cảng biển và tiến ra biển Đông là một trong những lựa chọn tối ưu cho tương lai, bởi tiếp cận với biển thì TP sẽ có điều kiện giao lưu mạnh mẽ về nhiều mặt với thế giới.
Hơn nữa, khu vực Hiệp Phước chỉ cách biển khoảng 30km, nơi có con sông Soài Rạp đổ ra biển, chảy qua, rất thuận tiện cho việc phát triển cảng biển. Thương hiệu “cảng Sài Gòn” đã có uy tín trên thị trường hàng hải thế giới từ hàng trăm năm nay. Và đóng góp từ hoạt động cảng biển đã và đang chiếm một tỷ trọng rất lớn trong hoạt động kinh tế của TP.
° Hiện nay tại khu vực Đông Nam bộ đã hình thành hệ thống cảng biển ở Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và hệ thống cảng biển ở khu vực Tây Nam bộ cũng đã bắt đầu được xây dựng bằng việc triển khai dự án làm luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu. Trong bối cảnh ấy, đâu là cơ hội, là nguồn hàng cho hệ thống cảng biển ở TPHCM phát triển?
° Việc phát triển thêm hệ thống cảng biển ở Cái Mép - Thị Vải hay ở sông Hậu là một quyết định đúng đắn của Chính phủ nhằm giảm bớt chi phí vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh lên hệ thống cảng biển của TPHCM và làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, hệ thống cảng biển TPHCM vẫn có nhiều ưu thế hấp dẫn các nhà xuất nhập khẩu ở cả hai khu vực Đông và Tây Nam bộ. Thứ nhất, cho đến thời điểm hiện nay và trong nhiều năm tới nữa, TPHCM vẫn là một đô thị trung tâm kinh tế của vùng TPHCM và đang từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Với vị thế ấy, TPHCM đã, đang và vẫn là môi trường hoạt động kinh tế lớn nhất mà các nhà xuất, nhập khẩu hướng tới.
Thứ hai, khoảng cách từ Đồng Nai, Bình Dương (hai địa phương có hoạt động sản xuất kinh doanh lớn nhất Đông Nam bộ) đến hệ thống cảng biển ở TPHCM chỉ vào khoảng 30 - 40km, vẫn gần hơn khoảng 20km nếu đi từ Đồng Nai, Bình Dương đến hệ thống cảng biển nước sâu ở Cái Mép - Thị Vải. Việc làm luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu tuy đã được khởi công xây dựng, nhưng do sông Hậu có chế độ thủy văn phức tạp nên khi hình thành luồng tàu biển này cũng chỉ đón được tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải.
Mặt khác, hệ thống cảng biển ở sông Hậu chỉ tiện lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa ở các tỉnh gần sông Hậu. Hàng hóa từ các tỉnh phía Bắc sông Tiền như Tiền Giang, Long An đi lên TPHCM vẫn gần hơn xuống sông Hậu. Thực tế này cho thấy, hệ thống cảng biển TPHCM vẫn còn nguồn hàng và nhiều cơ hội để phát triển.
° Hệ thống cảng biển ở Cái Mép - Thị Vải với lợi thế luồng sâu đã đón tàu đến 80.000 tấn ra vào và sắp tới, nếu được nạo vét xuống 14m, có thể đón tàu đến 100.000 tấn. Hệ thống cảng biển TPHCM đã mất lợi thế cạnh tranh?
° Đón được tàu lớn là một lợi thế của hệ thống biển ở Cái Mép - Thị Vải. Tuy nhiên, tàu lớn thường chỉ được sử dụng cho những chuyến đi xa, vượt đại dương. Nhưng hiện nay, phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực phía Nam đều có điểm đến là các nước Đông Bắc Á. Do vậy, trước mắt tàu cỡ trung bình vẫn là lựa chọn của các chủ hàng và hệ thống cảng biển ở TPHCM vẫn là địa chỉ quen thuộc của các hãng tàu biển.
° Đầu tư cảng biển là đầu tư “dài hơi” cho hàng chục, hàng trăm năm sau. Trước mắt phần lớn hàng hóa ở khu vực phía Nam có thể chỉ đến các nước ở Đông Bắc Á. Thế nhưng sau này, có thể phần lớn hàng hóa của khu vực phía Nam sẽ đi xa hơn nữa, sẽ cần những tàu to để đưa hàng vượt đại dương…
Cơ hội đổi đời cho người dân Theo bà Phạm Thị Viết, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cuộc sống người dân ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu từ nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do đất nhiễm mặn nên làm nông nghiệp không đạt hiệu quả cao. Năng suất lúa ở đây chỉ khoảng 2 tấn/ha mà người dân cũng chỉ có thể mỗi năm làm được một vụ lúa. Nguồn lợi từ nuôi trồng thủy sản những năm gần đây cũng thất thường do môi trường bị ô nhiễm. Bà Phạm Thị Viết khẳng định, việc xây dựng cảng biển ở Hiệp Phước sẽ là cơ hội để thay đổi diện mạo vùng đất này. Lớp trẻ sẽ có cơ hội chuyển đổi nghề, nâng cao chất lượng cuộc sống. Một bộ phận người dân khác sẽ được tạo điều kiện tìm công việc phù hợp, thu nhập cao hơn làm nông. A.N
|
° Để đáp ứng cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng tàu lớn trong tương lai, hiện tại TPHCM đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp - luồng tàu phục vụ cho hệ thống cảng biển ở Hiệp Phước. Luồng Soài Rạp rất rộng nhưng lại có vài điểm cạn nên trước kia không được chọn làm luồng cho tàu biển vào TPHCM.
Nay được sự cho phép của Chính phủ, với sự giúp đỡ của Bộ Giao thông Vận tải và nhiều bộ ngành khác, TPHCM đã nghiên cứu và nạo vét thành công luồng Soài Rạp đến độ sâu 8m. Việc nạo vét tiếp đến độ sâu 9,5m vừa được mở thầu.
Theo kế hoạch, luồng Soài Rạp sẽ còn được nghiên cứu để nạo vét đến 12m để có thể đón tàu lớn hơn. Như vậy, trong tương lai hệ thống cảng biển TPHCM hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận các tàu có trọng tải khác nhau của các chủ hàng.
° Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến 2025, hệ thống cảng biển nước sâu ở Cái Mép - Thị Vải sẽ là hệ thống cảng cửa ngõ quốc tế. Còn hệ thống cảng biển ở TPHCM chỉ là hệ thống cảng cửa ngõ của khu vực. TPHCM mở luồng cho tàu biển lớn ra, vào có “lấn sân” nhiệm vụ đã được giao của hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải?
° Tôi không nghĩ có sự “lấn sân” ở đây mà vấn đề là từ lợi thế của TPHCM trong hoạt động cảng biển. Ngoài sự hấp dẫn của một hệ thống cảng biển nằm ở khu vực trung tâm kinh tế, hệ thống cảng biển TPHCM còn được quy hoạch phù hợp với sự phát triển chung của TP.
Ở Hiệp Phước sẽ có đô thị cảng Hiệp Phước với một trung tâm logistic phục vụ cho toàn bộ hoạt động cảng biển ở TPHCM. Đường trục Bắc-Nam sẽ kết nối Hiệp Phước với trung tâm TPHCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ. Trong tương lai còn có một tuyến metro nối liền đô thị cảng Hiệp Phước với các đô thị khác. Tất cả những điều này sẽ giúp cho hệ thống cảng biển TPHCM đáp ứng được các yêu cầu khác nhau của khách hàng. Thế nhưng, đó vẫn chưa là vấn đề quan trọng nhất.
Trong thời gian tới, với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ như hiện nay, tôi nghĩ đất nước ta còn phải phát triển thêm và đồng bộ hệ thống cảng biển, logitic với năng lực cao hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu phát triển chung của đất nước
(Theo NGUYỄN KHOA // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com