Ðầu tư lớn hệ thống cảng cá
Tỉnh Quảng Ngãi có bờ biển dài hơn 130 km, với sáu cửa biển, luồng cảng lớn là Sa Cần, Sa Kỳ (huyện Bình Sơn), Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh), Cửa Ðại (Tư Nghĩa), Mỹ Á, Sa Huỳnh (Ðức Phổ) và huyện đảo Lý Sơn. Toàn tỉnh hiện có 5.580 tàu cá, với tổng công suất 467.000 CV (trong đó 60%
tàu cá hoạt động ngoài tỉnh, 40% tàu hoạt động trong tỉnh). Như vậy, cơ sở hạ tầng cho nghề cá của tỉnh là rất lớn. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, Quảng Ngãi đã tập trung đầu tư lớn hệ thống cảng cá và vùng neo đậu trú bão cho tàu thuyền ở Tịnh Hòa, Lý Sơn, Mỹ Á, Sa Huỳnh và cảng cá Tịnh Kỳ, với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng, bước đầu góp phần phục vụ đắc lực cho tàu, thuyền ra khơi đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, một số cảng cá và khu neo đậu tàu, thuyền trú bão mới đưa vào sử dụng nhưng đã có nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp. Một số công trình khai thác kém hiệu quả, tàu, thuyền vào cập bến bị mắc cạn thường xuyên. Trao đổi ý kiến chung quanh vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi Phan Huy Hoàng nhấn mạnh: Sở dĩ, có tình trạng bất cập nêu trên là do một số cảng cá và khu neo trú tàu, thuyền xây dựng các hạng mục công trình không đồng bộ. Nhiều dự án mới xây dựng xong giai đoạn I chưa nghiệm thu đã đưa vào khai thác nhiều năm liên tục, nhưng chưa có nguồn vốn đầu tư tiếp trong giai đoạn II. Nếu như được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh, sẽ không có tình trạng xuống cấp nhanh chóng. Ðây là một trong những nguyên nhân kéo dài dự án, gây lãng phí đất đai, ô nhiễm môi trường và dẫn đến công trình cảng cá và neo trú tàu, thuyền khai thác kém hiệu quả...
Ðồng chí Phan Huy Hoàng dẫn chứng: Cảng cá Sa Huỳnh xây dựng năm 2002, với tổng kinh phí hơn 49 tỷ đồng (giai đoạn I), nhưng hiện vẫn chưa được nghiệm thu nhưng đã đưa vào khai thác cho nên tàu ra vào cập bến rất khó khăn. Sự hạn chế của dự án này là giải pháp kỹ thuật công trình xây dựng không đồng bộ. Nhiều đoạn đê, kè chắn cát chưa xây dựng hoàn chỉnh, hằng năm lượng cát bồi lấp trở lại khá lớn gây cho luồng cảng cạn, tàu có công suất lớn ra vào bến cá không được phải di chuyển cập cảng nơi khác. Dự án cảng cá Lý Sơn xây dựng năm 2004, với nguồn vốn đầu tư hơn 43,5 tỷ đồng (giai đoạn I). Hiện nay cảng cá đã xây dựng hoàn thành, nhưng vũng neo trú bão cho tàu, thuyền mới nạo vét được một phần tư diện tích và đê chắn sóng ngăn cát mới xong một phần hai đê nên luồng cảng luôn bị bồi lấp cát. Cảng cá Lý Sơn chưa được nạo vét khơi thông luồng cảng hoàn chỉnh nên tàu ra vào thường xuyên gặp trở ngại, nhất là khi thủy triều xuống, tàu có công suất lớn không vào được bến cảng. Cảng neo trú tàu, thuyền Tịnh Hòa cũng nằm trong số cảng đang xuống cấp, tàu ra vào trú bão khó khăn. Dự án này đã xây dựng hoàn thành năm 2007, với nguồn vốn đầu tư hơn 33 tỷ đồng (do Chính phủ Ô-xtrây-li-a tài trợ 62%). Hiện nay do luồng cảng khảo sát không đạt tiêu chuẩn (-2,5 m) và thường bị bồi lấp nên nhiều tàu có công suất từ 90 CV trở lên khi vào cập bến dễ bị mắc cạn gây hư hỏng tàu. Các công trình phụ trợ ở đây, như chợ, bến cá đã xuống cấp, bỏ không trong nhiều năm qua. Dự án cảng neo trú tàu, thuyền và cửa biển Mỹ Á đã khởi công đầu năm 2009, với tổng mức đầu tư hơn 90,1 tỷ đồng (trong đó vốn ODA 80% và 20% ngân sách Trung ương hỗ trợ). Dự án thực hiện xây dựng bến cá và vũng neo trú khoảng 400 tàu, thuyền và nạo vét thông luồng vào cảng, xây dựng đê chắn sóng, ngăn cát bắc-nam. Hiện dự án đã thực hiện đạt gần 40% khối lượng công trình, nhưng tiến độ một số hạng mục công trình thi công chậm trong khi mùa mưa, bão đã đến. Dự kiến công trình này sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trước tháng 9-2010. Dự án cảng cá và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ có tổng mức đầu tư bằng ngân sách nhà nước hơn 82,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này đã tiến hành thu hồi đất của hàng trăm hộ dân ở xã Tịnh Kỳ gần 10 năm qua nhưng vẫn chưa khởi công xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ðức Phổ, Trần Em cho biết: Huyện được Nhà nước đầu tư hai Dự án cảng neo trú tàu, thuyền cửa biển Mỹ Á và cảng cá Sa Huỳnh, nhưng thực chất khi đưa vào sử dụng vẫn còn nhiều hạn chế. Dự án này mới thông luồng cảng nhưng thường xuyên bị cát bồi lấp và chưa có khu neo trú tàu (chỉ có 300 m gọi là vũng quay tàu). Mỗi khi tàu vào bến cá không có chỗ neo đậu. Ngay trong mùa nắng khai thác hải sản thuận lợi, nhưng tàu ra vào luồng cảng vẫn khó khăn, có khi tàu lại gặp nạn phải nằm bờ sửa chữa cả tuần mới hoạt động trở lại. Mùa mưa, bão đã đến, chủ tàu rất lo lắng vì luồng cảng bị bồi lấp không bảo đảm an toàn cho khoảng 220 tàu có công suất 90 CV trở lên vào khu neo đậu tàu, thuyền trú bão. Có năm gặp bão lớn thì nhiều tàu có thể bị hất lên bờ và số tàu neo buộc vào trụ cầu Thạnh Ðức cũng có thể bị sóng lớn kéo sập cầu, nhấn chìm những tàu cá của ngư dân. Nhiều chủ tàu ở xã Phổ Thạnh bức xúc nói: Cảng cá Sa Huỳnh đã được Nhà nước đầu tư lớn, thực hiện xây dựng kéo dài gần sáu năm trời, nhưng mới đưa vào sử dụng từ năm 2008, đến nay một số hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng. Luồng cảng bị cát bồi lấp, hệ thống phao, đèn tín hiệu phân luồng dẫn tàu vào bến cảng đã hư hỏng hoàn toàn. Nhiều tàu cá có công suất 90 CV trở lên vào cảng bị mắc cạn nên không về cảng, làm giảm sản lượng hải sản, ngư dân thiếu việc làm và ngân sách địa phương cũng thất thu đáng kể...
Lãng phí những khu "đất vàng"
Các cảng cá và khu neo trú tàu, thuyền trong tỉnh Quảng Ngãi đã được quy hoạch hàng trăm ha (có cảng quy hoạch từ 16 đến 25 ha). Ðây là những khu đất cảng quý hiếm mà người dân địa phương thường nói câu cửa miệng là "đất vàng". Tuy nhiên, hiện nay hầu hết đất quy hoạch xây dựng cảng cá và khu neo trú tàu, thuyền mới được Nhà nước sử dụng một phần diện tích không đáng kể để đầu tư xây dựng kè cảng, nạo vét thông luồng, làm bờ ngăn sóng chắn cát và xây dựng ao thuyền trú bão. Phần lớn diện tích còn lại (chủ yếu trên bờ) đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, gây bức xúc cho nhiều hộ dân địa phương. Chúng tôi có dịp đi qua những công trình cảng cá, khu neo trú bão cho tàu, thuyền trong những ngày đầu tháng 8 này đã chứng kiến những khu "đất vàng" ở vùng cảng cá với hàng chục ha đang bỏ hoang. Ở vũng neo trú tàu, thuyền Tịnh Hòa, mặc dù xây dựng bến cá, nhưng ngư dân không đến đây mua, bán hải sản. Còn dự án cảng cá và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Tịnh Kỳ đang bỏ hoang hơn 25 ha với cỏ mọc xanh rờn nhiều năm qua. Người dân ở đây thắc mắc, yêu cầu chính quyền địa phương trả lại đất cho họ để đầu tư sản xuất. Tại xã Phổ Thạnh (huyện Ðức Phổ) - nơi đây được coi là một trong những làng cá nổi tiếng ở Quảng Ngãi đã được Nhà nước đầu tư xây dựng cảng cá Sa Huỳnh đầu tiên, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh.
Một khi tàu vào bến cá không bảo đảm an toàn thì hầu như các dịch vụ hậu cần nghề cá chưa được đầu tư xây dựng. Hàng chục ha trên bến cảng đang bỏ hoang phí. Ngư dân trong vùng tự lấn đất che lều để mua, bán hải sản và làm đại lý cung cấp nước đá, nước ngọt cho hàng trăm đôi tàu theo kiểu cò con. Vì bến cá không ai quản lý nên việc mua bán hải sản là do đầu nậu điều hành theo kiểu "mạnh thắng, yếu thua" đã gây ra mất trật tự trên địa bàn. Và nhức nhối hơn là cả một vùng cảng đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngư dân Trần Thành Ðạt, ở thôn Thạch Bị I, xã Phổ Thạnh nói: Cảng cá này xây dựng cách đây vài năm, với chiều dài kè cảng hơn 1,5 km nhưng hầu hết diện tích trên bờ đều bỏ hoang. Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá chưa được xây dựng nên hiện có khoảng 200 hộ dân tự dựng lán trại làm dịch vụ cung cấp nước đá, nước ngọt, xăng, dầu và mua, bán hải sản để sinh sống qua ngày. Nhiều đầu nậu đã tranh mua, bán hải sản, cung cấp dịch vụ cho tàu cá gây mất trật tự an ninh trên bến cảng...
Có thể thấy, những công trình bến cảng, vũng neo đậu tàu, thuyền trú bão hiện nay ở Quảng Ngãi chỉ mới đầu tư một phần cơ sở hạ tầng cảng còn những dịch vụ hậu cần nghề cá hầu như chưa có gì.
Vì vậy Quảng Ngãi cần nhanh chóng tiến hành điều chỉnh lại quy hoạch bến cảng và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, đồng thời có chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hậu cần nghề cá. Ðược biết, UBND huyện Ðức Phổ đã có công văn đồng ý giao lại toàn bộ diện tích trên bờ ở cảng cá Sa Huỳnh cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi quản lý để điều chỉnh lại dự án và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với hệ thống cảng, từng bước tạo ra một thương cảng lớn, góp phần giải quyết việc làm cho bà con ngư dân. Có như vậy mới thực hiện tốt công tác quản lý bến cảng, tàu, thuyền, bảo đảm giao thông đường thủy, cảnh quan môi trường và giữ vững an ninh, trật tự - xã hội trên địa bàn. Hiện nhiều cảng cá và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đang được tỉnh Quảng Ngãi xem xét và điều chỉnh lại dự án để phát triển hợp lý, tránh tình trạng đầu tư lớn, hiệu quả kém như các hạng mục công trình cảng cá đã đầu tư xây dựng trước đây...