Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khắc phục những bất cập trong bốc dỡ hàng ở cảng Hải Phòng

Hệ thống cảng biển khu vực Hải Phòng ngày càng khẳng định vị trí đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ chính ra biển của các tỉnh phía bắc. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập trong tổ chức bốc dỡ hàng hóa, làm ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài cảng biển trong khu vực.

THỜI gian qua, hệ thống cảng biển khu vực Hải Phòng đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số doanh nghiệp khai thác cảng không ngừng tăng, hiện đã có khoảng 30 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cảng biển. Tổng chiều dài cầu cảng hiện đạt hơn 7.200 m, gấp hơn hai lần năm 1987, trong đó có 13 cầu cảng chuyên dùng xếp dỡ công-ten-nơ, một số cảng được trang bị hệ thống thiết bị xếp dỡ chuyên dùng hiện đại. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng trong khu vực năm 2008 đạt hơn 29 triệu tấn, gấp 10 lần thời kỳ trước đổi mới, trong đó sản lượng công-ten-nơ đạt hơn 1,5 triệu TEU, gấp 20 lần năm 1990. Công nghệ xếp dỡ ngày càng được hiện đại hóa, đưa năng suất xếp dỡ tăng mạnh, đạt 5.000 - 10.000 tấn/tàu/ngày. Nhiều cảng đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong khai thác và quản lý cảng kết hợp với cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước đã tạo thông thoáng cho chủ hàng, chủ tàu giao nhận hàng hóa nhanh, giảm lượng hàng tồn đọng tại cảng.
 
Tuy nhiên, do có quá nhiều đơn vị đầu tư phát triển cảng nên đã dẫn đến tình trạng manh mún và đầu tư nhỏ lẻ. Thay vì cảng được khơi thông luồng lạch, mở rộng cầu tàu để đón những tàu có trọng tải lớn thì hàng loạt những cảng nhỏ được đầu tư xây dựng và chỉ có thể đón tàu có sức chở cao nhất là 12.000 TEU, trong khi trên thế giới, các nhà vận tải biển đã hướng tới việc đóng những chiếc tàu có sức chở tới 25.000 TEU. Luồng vào cảng dù đã được  quan tâm đầu tư cải tạo, nhưng cũng chỉ đạt - 7m

Đối với luồng ngoài và - 5,5m đối với luồng trong, cộng với không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên luồng vào cảng Ðình Vũ hiện nay chỉ còn - 5,6m trong khi thiết kế là - 7m cho tàu 20 nghìn tấn. Ðiều đáng nói là nhiều cảng chỉ có 1 - 2 cầu lại nằm trong sông Cấm, luồng cạn, gây ùn tắc giao thông  nhưng vẫn được bổ sung quy hoạch và đầu tư xây dựng, không phù hợp với xu thế tiến dần ra biển của hệ thống cảng.

 

Chính việc xây dựng các cảng, các bãi dịch vụ quá nhỏ, diện tích hẹp sẽ rất khó khăn trong việc hiện đại hóa công nghệ xếp dỡ và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên cảng Hải Phòng Ngô Bắc Hà bày tỏ lo ngại: Với cách làm như vậy thì mỗi cảng lại có một "hàng rào" riêng, chẳng những không hỗ trợ nhau khi đón nhận hàng hóa thông qua cảng, mà còn khiến trọng tải tàu qua cảng ngày càng giảm vì quy mô không được nâng lên. Ðó là chưa kể chi phí cho duy tu, nạo vét luồng lạch hiện rất thấp.

Theo kế hoạch, năm 2009 các cảng trên địa bàn Hải Phòng sẽ bốc dỡ khoảng 30 triệu tấn hàng hóa; riêng cảng Hải Phòng chiếm gần một nửa  tăng khoảng năm lần so với công suất thiết kế ban đầu. Hiện  các cầu tàu thường xuyên chật kín tàu làm hàng trong khi nhiều tàu hàng còn nằm ngoài khơi xa chờ cập bến. Nhiều tàu chở hàng rời gồm phân bón, thức ăn gia súc, phôi thép, quặng a-pa-tít... cập cảng cùng một lúc, gây quá tải ở cảng do chỉ có một xí nghiệp xếp dỡ được trang bị công cụ chuyên bốc dỡ tàu hàng rời.

 

Ngoài ra, còn có một số mặt hàng công-ten-nơ, nhất là hàng công-ten-nơ đông lạnh tồn đọng lâu ngày. Cảng Hải Phòng hiện chỉ có hệ thống "ổ" cắm điện có thể tiếp nhận, bảo quản khoảng 300 công-ten-nơ đông lạnh, song các tháng gần đây thường xuyên có hơn 1.000 công-ten-nơ, cao nhất lên tới 1.600 chiếc, tập trung ở khu vực Chùa Vẽ. Ðể giải quyết số công-ten-nơ đông lạnh tồn đọng, cảng đã phải thiết kế thêm hàng nghìn ổ cắm điện, kéo dây điện ra ngoài bãi.

Việc tập kết và rút hàng khỏi cảng chủ yếu thông qua đường bộ với hơn 80% sản lượng hàng hóa, còn lại bằng đường sắt và đường thủy nên thường xuyên bị áp lực quá tải trong khâu vận chuyển hàng. Về đường sắt, năng lực thông qua và tốc độ chạy tàu đều thấp và chậm đổi mới. Tỷ trọng hàng hóa vận tải bằng đường sắt đến/đi từ cảng ngày càng giảm, hiện chỉ chiếm dưới 10%. Ðường thủy nội địa, vận tải chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân đảm nhận, nhiều phương tiện cũ nát không bảo đảm an toàn hàng hải lại thường chở quá tải và đi chung với luồng hàng hải nên thường xảy ra tình trạng các phương tiện thủy nội địa bị chìm gây ách tắc luồng vào cảng. Hằng ngày, có khoảng 4.000 lượt xe tải tập kết và rút hàng ở cảng Hải Phòng. Việc thiếu bãi đỗ xe và quy định cấm xe công-ten-nơ chạy ban ngày tại nhiều tuyến đường ở Hải Phòng cũng gây áp lực lớn cho việc vận chuyển hàng về đêm, kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội.

Mặt khác, cảng Hải Phòng còn phải đối mặt với thách thức khi các điểm chuyển tải hàng thuộc khu vực Hạ Long, Hòn Gai (Quảng Ninh) sắp thực hiện việc đóng cửa theo quy định của Bộ Giao thông vận tải kể từ cuối tháng 12-2009. Như vậy, cảng đứng trước nguy cơ các loại thiết bị bốc xếp chuyên dùng, đóng gói hàng rời, chủ yếu là thức ăn gia súc tại bến sẽ bị "xếp kho", khiến các đơn vị vận tải và các chủ hàng xuất nhập khẩu các tỉnh phía bắc cũng bị ảnh hưởng theo. Bởi lẽ, do luồng tàu vào cảng chỉ sâu -5,3m, nên các tàu lớn trước khi vào làm hàng tại khu vực cảng Hải Phòng phải chuyển tải vợi mớn tại vùng nước Hạ Long, Hòn Gai.

Thời gian qua, hàng nhập khẩu nhiều hơn hàng xuất khẩu nên tắc nghẽn lưu thông mới xảy ra một chiều, nhưng khi hàng xuất khẩu được cân bằng hoặc cao hơn so với hàng nhập khẩu thì nguy cơ quá tải, tắc nghẽn lưu thông hàng hóa ở cảng có thể còn  nghiêm trọng hơn. Mặt khác, nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành hàng hải nói chung và các cảng nói riêng hiện đang bị thiếu nghiêm trọng, cần được bổ sung, nhất là sĩ quan thuyền viên, công nhân kỹ thuật vận hành sửa chữa các thiết bị xếp dỡ hiện đại, cán bộ chuyên gia lĩnh vực vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics...

ÐỂ khắc phục những bất cập nêu trên, theo ông Dương Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên cảng Hải Phòng,  phải khẩn trương tạo nguồn kinh phí nạo vét, duy tu, bảo đảm độ sâu luồng tàu cần thiết phục vụ các tàu hàng lớn ra, vào cảng thuận tiện. Việc quy hoạch các cảng cần  bảo đảm đủ lớn về cả chiều dài cầu tàu và diện tích sử dụng để cảng đủ điều kiện đầu tư phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh; bảo đảm tính đồng bộ giữa quy hoạch của cảng và hệ thống giao thông, hệ thống cấp điện, nước, hệ thống dịch vụ hậu cần, dịch vụ kho bãi... cũng cần được quan tâm. Ðặc biệt, cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp mạnh có năng lực hoạt động trong lĩnh vực logistics để đầu tư phát triển loại hình dịch vụ này khi các cảng lớn ra đời. Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cải tạo nâng cấp hệ thống đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, trong đó có đường sắt ra cảng Ðình Vũ.

(Theo NGÔ QUANG DŨNG // Báo Nhân dân điện tử)

  • Doanh nghiệp vận tải biển: “Chúng tôi sắp hết hơi rồi!”
  • Các đội tàu biển Việt Nam đang...chìm
  • Logistics nội: 'Bán thân' cho nước ngoài?
  • Cảng biển Việt Nam: Nơi quá tải, chỗ thiếu công suất
  • 5 doanh nghiệp Pháp sẽ đến Việt Nam tìm hiểu ngành cảng biển
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container