Các chủ doanh nghiệp sẽ phải sớm thích nghi với một loạt những thay đổi về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Niên hạn sử dụng phương tiện vận tải sẽ được thắt chặt hơn (Ảnh: Đức Thanh) |
Quản chặt… nhưng
So với quy định hiện hành của Nghị định 92/2001/NĐ - CP (ngày 11/12/2001) và Nghị định 110/2006/NĐ - CP (ngày 28/9/2006) của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô vừa được cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trình Chính phủ có khá nhiều quy định mới. Những thay đổi đó đã thu hút sự quan tâm của cả các cơ quan quản lý nhà nước lẫn giới chủ xe.
Thay đổi đầu tiên là quy định về niên hạn sử dụng của xe ô tô đưa vào kinh doanh. Theo đó, niên hạn sẽ được rút ngắn đáng kể so với các quy định trước đây, đặc biệt là đối với các xe vận tải hành khách tuyến cố định và taxi. Dự thảo đưa ra các quy định như sau: đối với các xe chạy tuyến cố định cự ly trên 300 km có niên hạn không quá 15 năm; xe chạy tuyến dưới 300 km có niên hạn không quá 20 năm; xe taxi tuổi thọ không quá 12 năm và xe du lịch niên hạn không quá 10 năm.
Điểm mới thứ hai là, đến ngày 1/7/2011 (tức là sau 2 năm kể từ ngày Luật Giao thông đường bộ 2008 có hiệu lực), các cơ quan quản lý sẽ hoàn tất việc gắn thiết bị giám sát hành trình của xe đến toàn bộ đối tượng bắt buộc. Các đối tượng thuộc diện bắt buộc là: xe ô tô kinh doanh vận tải hành theo tuyến cố định, xe buýt, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe ôtô kinh doanh vận tải khách du lịch, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải từ 10 tấn trở lên.
“Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tiếp tục là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Hay nói cách khác là, các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chỉ được hoạt động sau khi có được giấp phép kinh doanh do cơ quan quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Quy định càng chặt chẽ, ba rem được nâng cao, thì người dân càng được hưởng lợi”, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng khẳng định.
Theo dự thảo Nghị định, để có được giấp phép kinh doanh, các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo tuyến cố định phải thỏa mãn tới 7 điều kiện chung, liên quan tới số lượng, chất lượng, niên hạn phương tiện; phương án kinh doanh; đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ; người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh vận tải; nơi đỗ xe; các điều kiện về an toàn giao thông. Ngoài các điều kiện chung kể trên, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định còn phải thỏa mãn thêm 2 điều kiện; vận tải hành khách bằng xe buýt phải thỏa mãn thêm 3 điều kiện; vận tải hành khách bằng taxi phải thỏa mãn thêm 5 điều kiện nữa. Các doanh nghiệp, tổ chức đang kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải hoàn tất các thủ tục để được cấp phép xong trước ngày 1/7/2010.
… phải có lý
“Chúng tôi đồng ý là phải nâng các điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô lên, nhưng nếu chiểu theo các quy định mới này, hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ bằng ô tô sẽ phải đầu tư những khoản tiền lớn, đặc biệt là cho nâng cao chất lượng phương tiện. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, đó không phải là một việc có thể dễ dàng giải quyết trong vòng 1 năm”, ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bình luận.
Một quy định đang vấp phải khá nhiều ý kiến phản ứng của các doanh nghiệp vận tải chính là việc cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị định yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải chịu chi phí gia cố đường bộ theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ. Theo quan điểm của Bộ GTVT, công trình đường bộ công cộng chỉ cho phép các xe có tải trọng và khổ giới hạn thông thường lưu thông.
Trường hợp vượt quá thì không được lưu thông thông thường. Nếu doanh nghiệp tự nguyện đầu tư nâng khả năng thông qua (theo đúng kỹ thuật được cơ quan quản lý đường bộ cho phép) thì được lưu thông có điều kiện. Đây là quy định mở, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chứ không phải là “bó” đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại diện một số đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng và Bộ Tư pháp lại cho rằng, quy định này không phù hợp và ít tính khả thi, bởi không một doanh nghiệp nào có đủ kinh phí nâng tải trọng của cả 1 cây cầu, hay mở rộng 1 tuyến đường chỉ để phục vụ 1 chuyến hàng!
Bên cạnh đó, trong quá trình lấy ý kiến hoàn thành dự thảo, Bộ Tư pháp tiếp tục bảo lưu quan điểm không nên trao quyền tăng số lượng đơn vị vào khai thác tuyến, tăng số lượng phương tiện của doanh nghiệp cho cơ quan quản lý tuyến vận tải khách cố định. “Có nhiều cách để cơ quan quản lý duy trì hoạt động ổn định, có trật tự, phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách mà không cần có thêm một loại giấy phép con như vậy”, một chuyên gia bình luận.
(Theo Anh Minh // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com