Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Theo ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinalines, với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, quy mô của Dự án đầu tư xây dựng Cảng Cái Cui giai đoạn II không thể sánh được với các dự án cảng biển nước sâu có quy mô vốn lên tới cả chục ngàn tỷ đồng mà Vinalines làm chủ đầu tư, nhưng với vị trí là cửa ngõ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc đầu tư nâng cấp hệ thống Cảng Cái Cui vẫn được kỳ vọng là đem lại lợi nhuận lớn.
Cùng nằm trong tổ hợp Cảng Cái Cui, Vinalines cũng đang triển khai Dự án Đầu tư xây dựng khu hậu cần tại quận Cái Răng (TP. Cần Thơ), với quy mô giai đoạn I là 16 ha, gồm hệ thống tổng kho ngoại quan, IDC, hải quan…, nhằm hình thành một trung tâm tiếp nhận, bảo quản, phân phối hàng hóa kết nối giữa các cơ sở kinh tế công nghiệp tại TP. Cần Thơ với các cảng biển và mạng giao thông quốc gia.
Khu hậu cần này không chỉ cung cấp các dịch vụ gia tăng cho đơn vị khai thác Cảng Cái Cui, mà còn tạo thêm thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hoá ở Đồng bằng sông Cửu Long bằng đường biển.
Theo ông Lê Minh Kháng, Giám đốc Cảng Cần Thơ, sau khi 2 dự án trên hoàn thành, Cảng Cái Cui sẽ nâng tổng lượng hàng hóa thông qua lên gấp 4 lần, từ 526.900 tấn lên 2,5 triệu tấn/năm. Hiện tại, trung bình mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long xuất nhập khẩu từ 9 - 12 triệu tấn hàng hoá bằng đường biển, trong đó, lượng hàng hoá được xuất khẩu từ các cảng trong vùng chỉ chiếm 30%. Số còn lại chủ yếu vẫn phải thông qua các cảng biển TP.HCM và Vũng Tàu, với chi phí tăng thêm 7 - 10 USD/tấn, do vận chuyển bằng đường bộ.
Điều đáng tiếc là, mặc dù đã hoàn thành việc xây dựng cầu tàu có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 DWT, nhưng trong khoảng 2 năm tới, công trình này chưa thể phát huy hết hiệu quả đầu tư, do luồng tàu vào Cảng Cái Cui bị khan cạn, chỉ cho phép tàu 5.000 DWT ra vào.
“Tiến độ triển khai 2 dự án đầu tư của Vinalines và của nhiều nhà đầu tư khác vào hệ thống cảng biển, dịch vụ hậu cần tại Cần Thơ và Trà Vinh phụ thuộc rất lớn vào công tác triển khai Dự án luồng tàu biển cho tàu lớn vào sông Hậu, với tổng vốn đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng”, ông Dũng cho biết.
Trong khi đó, theo Bộ Giao thông - Vận tải, do khó khăn về nguồn vốn, mặc dù được khởi công từ cuối năm 2009, nhưng Dự án Luồng tàu biển cho tàu lớn vào sông Hậu khó có thể hoàn thành vào cuối năm 2011.
Tính tới giữa tháng 9/2010, vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho Dự án năm 2010 khoảng 300 tỷ đồng đã được chủ đầu tư (Cục Hàng hải Việt Nam) giải ngân hết, trong khi khả năng bố trí thêm vốn để đầu tư các hạng mục công trình của Dự án (mở rộng đoạn sông Hậu 6 km, rộng 95 m; kênh Quan Chánh Bố dài 19 km, rộng 85 m; đào 9 km kênh tắt thông ra biển, rộng 85 m…) đang gặp nhiều khó khăn.
“Trong khi chờ Dự án Luồng tàu biển cho tàu lớn vào sông Hậu hoàn thành, các cơ quan hữu quan cần sớm có giải pháp tình thế để tàu 10.000 DWT có thể sớm vào Cảng Cái Cui, giải quyết tình trạng ứ đọng hàng hóa tại Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ đề nghị.
(Theo Anh Minh // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com