Từ tháng 6.2004 đến nay, các loại xe ôtô khi lưu thông qua cầu Bình Triệu II (TP.Hồ Chí Minh) đều bị thu phí giao thông không thiếu một đồng. Thế nhưng, khi các khe co dãn trên mặt cầu Bình Triệu II thường xuyên hư hỏng, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông và người dân suốt nhiều năm qua thì chẳng thấy đơn vị nào khắc phục, sửa chữa triệt để.
5 năm không sửa xong khe co dãn
Ngày 22.6, có mặt tại cầu Bình Triệu II, PV ghi nhận một số khe co dãn nối giữa các nhịp cầu bị hư hỏng, vênh so với mặt cầu 7-10cm. Đặc biệt, vị trí khe co dãn đoạn ngay giữa cầu hư hỏng nghiêm trọng, một số ron bị bong lên khỏi mặt cầu tạo thành lỗ (rộng 40x80cm), khá nguy hiểm cho các phương tiện tham gia lưu thông. Đợt hư hỏng này đã xảy ra từ cách đây nhiều tháng, vậy mà vẫn không thấy đơn vị nào nhận trách nhiệm sửa chữa.
Cũng cần nói thêm, đây không phải là đợt hư hỏng đầu tiên. Trước đây - vào khoảng giữa tháng 5.2004 (tức sau gần 1 năm thông xe), vị trí khe co dãn ngay đoạn giữa cầu Bình Triệu II bắt đầu hư hỏng (Báo Lao Động đã phản ánh) và đã xảy ra ít nhất một trường hợp đi xe gắn máy bị lọt khe dẫn đến gãy chân.
Đến đầu năm 2006, tại vị trí khe co dãn này tiếp tục xảy ra hư hỏng. Do chậm trễ trong việc khắc phục, hơn nữa việc sửa chữa, khắc phục cũng chỉ tạm thời nên tình trạng hư hỏng cứ lặp đi, lặp lại.
Anh Nguyễn Văn Dũng (lái xe tải cho Cty Thạnh Hiệp - Bình Dương) thường xuyên qua cầu Bình Triệu II, bức xúc: "Chúng tôi muốn qua cầu đều phải nộp phí giao thông và nhân viên thu phí thu không thiếu một đồng; nhưng lạ thay, lâu nay cầu hư hỏng thì không ai sửa chữa triệt để, gây bất an cho người đi đường. Vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý giao thông thành phố ở đâu?".
Đổ trách nhiệm qua lại
Theo tài liệu của PV, cầu Bình Triệu II là một hạng mục thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu - đường Bình Triệu II, ban đầu do Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Hạng mục cầu Bình Triệu II được triển khai xây dựng từ năm 2000 và đến 8.2003 hoàn thành đưa vào sử dụng.
Đến tháng 6.2004, thành phố chấp thuận cho Cienco 5 tổ chức thu phí giao thông (một chiều) đối với các loại xe ôtô. Nhưng sau đó, do thành phố điều chỉnh quy mô đầu tư xây dựng dự án, nên Cienco 5 đàm phán chấm dứt hợp đồng BOT và bán quyền thu phí lại cho thành phố từ tháng 11.2006.
Tiếp theo đó, thành phố giao quyền tiếp tục thu phí và đầu tư dự án cầu - đường Bình Triệu II cho Cty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) đảm nhận.
Ông Lê Quyết Thắng - GĐ Khu quản lý giao thông đô thị số 1 Sở GTVT - cho rằng, mặc dù hiện thành phố thu phí giao thông (CII đại diện thu), nhưng trách nhiệm sửa chữa các hư hỏng của cầu Bình Triệu II lại thuộc Cienco 5.
Theo ông Lê Quyết Thắng, lâu nay do Cienco 5 chưa khắc phục xong một số hư hỏng, nên Sở GTVT vẫn chưa nhận bàn giao quản lý cầu Bình Triệu II.
Ngày 22.6, PV đã liên lạc với ông Hà Hùng - Phó Tổng GĐ Cienco 5 - và được giải thích, sở dĩ có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa TPHCM và Cienco 5 trong việc sửa chữa những hư hỏng tại cầu Bình Triệu II như lâu nay là do các bên chưa có sự thống nhất trong việc đàm phán bàn giao công trình. Tuy nhiên mới đây, Cienco 5 đã đảm nhận sửa chữa dứt điểm những hư hỏng của cầu Bình Triệu II.
Hiện nay, Cienco 5 đang tập kết vật liệu và thiết bị để chuẩn bị sửa chữa - dự kiến hoàn thành cuối tháng 6 này.
TheoLao Động
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com