Phiếu cân xe không có cùi, không ghi số tiền, không dấu tài chính |
Trong vai DN muốn gửi hàng bằng đường sắt, PV DĐDN vừa có cuộc tiếp xúc với rất nhiều tài xế để nghe họ nói về nỗi khổ khi chở hàng vào - ra ga Sóng Thần (ST). Các DN và nhân viên của họ sau khi báo chí phản ánh, chỉ thấy rõ nhất là một đường xếp dỡ hàng đã thảm nhựa, thậm chí họ còn cho rằng chấn chỉnh chỉ mang tính đối phó.
Sau khi có hàng loạt phản ánh về những vấn đề liên quan đến ga ST, ngày 5/11 vừa qua chúng tôi đã nhận được văn bản phản hồi từ phía lãnh đạo ga ST. Văn bản này nêu rõ, ngay sau khi DĐDN đã có bài phản ánh ngày 26/10/2009 TCT đường sắt VN đã chỉ đạo một đoàn kiểm tra thực tế tại ga ST. Theo kết luận của Đoàn kiểm tra: “Vấn đề bãi hàng hóa ST, ngành đường sắt và ga đã tích cực đầu tư, tuy nhiên chưa thể giải quyết triệt để vì phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư và cả quy hoạch tổng thể của Chính phủ. Theo QĐ số 101/QĐ – TTg ngày 22/1/2007 phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 có nội dung “Xây dựng mới các ga trong khu đầu mối đường sắt TP HCM bao gồm: Ga lập tàu và bãi An Bình…”. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra Ban Quản lý cơ sở hạ tầng đã chỉ đạo Cty Quản lý đường sắt Sài Gòn lập văn bản kiến nghị TCT ĐS VN đầu tư tiếp về bãi hàng hóa và cả hệ thống thoát nước chung toàn khu vực để phục vụ vận tải.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đây là một việc làm cần thiết của ngành đường sắt. Bởi thực tế, ga ST là nơi vận chuyển của trên 70% lượng hàng hóa của ngành vào khu vực phía Nam. Nhưngviệc đầu tư này còn đang phải chờ quyết định từ phía TCT ĐS VN và nếu theo như quy hoạch này muốn sửa chữa đồng bộ, đẩy mạnh tiến độ đầu tư của dự án thì phải chờ đến hàng chục năm nữa...
“Kinh doanh bàn cân... hành thượng đế”
Các DN và tài xế nói cách cân xe của ga ST là cách “kinh doanh bàn cân bóp cổ”. DN rất không muốn cân xe ở đây nhưng bị ép phải cân.
Bất hợp lý thứ nhất, cách đây khoảng 2 năm, việc cân hàng nhằm ngăn chặn việc quá tải toa tàu được cân tại toa bằng bàn cân trên đường tàu, DN không tốn tiền cân xe. Tuy nhiên, từ khoảng 2 năm nay, nhà ga đẻ ra một bàn cân buộc khách hàng phải cân xe và cân hàng và buộc xe phải vào cân, vừa tốn tiền cân và tốn tiền phí bến bãi. Được biết, hiện không có nhà ga nào thu tiền cân hàng như ga ST, dù đều phải cân để đảm bảo đúng tải. Ví dụ, ở ga Sài Gòn, hoặc ga Giáp Bát- Hà Nội (cũng vận chuyển hàng hóa như ga ST)... DN vận chuyển hàng cũng không yêu cầu khách hàng trả tiền cân khi nhận vận chuyển..
Bất hợp lý thứ 2 là, DN chỉ xếp hàng lên toa, nhưng ga ST lại tính tiền cân tổng tải trọng xe. Ví dụ, tổng tải trọng một xe container 30 tấn, tính tiền cân 30 ngàn đồng thì thực tế là số hàng xếp lên toa chỉ khoảng 5 - 7 tấn, thậm chí có những loại hàng rất nhẹ như mì gói, hàng điện tử... chỉ khoảng 5 tấn.
Bất hợp lý thứ 3, nói cân xe để bảo đảm không quá tải toa tàu, thì tại sao ga ST không công nhận kết quả cân xe bằng bàn cân hợp pháp bên ngoài, mà buộc DN phải vào ga để cân nhằm thu cả tiền bến bãi và tiền cân. Cân xe ở ngoài được phục vụ ngay, được tính tiền hợp lý: Nếu tổng tải trọng xe từ 10 tấn trở xuống thì được tính 10 ngàn đồng/lần cân. Nếu vượt trên 10 tấn, thì cứ vượt đến 600 kg thì tính tròn là 1 tấn và thêm 1.000 đồng/tấn. Còn ga ST lại tính dưới 10 tấn tính tiền cân 10.000 đồng; vượt 10 tấn nhưng chưa đến 15 tấn và chỉ cần vượt vài chục ký cũng bị tính giá 15.000 đồng.
Làm hư hỏng hàng và tài sản mà không đền bù?
Trong khi ai cũng biết, khi DN nhận chở hàng, nếu làm hư hỏng hàng thì phải đền bù nhưng ở ga ST không hề có chuyện như vậy. Một ví dụ cụ thể: Ngày 20/8/2009, khi xe ôtô biển số 54Y- 9074 đang xếp hàng ở đường 65 thì bị toa 131155 tông làm xe ôtô bị lật 90 độ, hư hỏng nặng. DN phải đền bù hàng và sửa xe nhiều triệu đồng nhưng nhà ga không đền bù. Các tài xế cho biết, rất nhiều lần việc dồn toa mạnh làm hư hỏng hàng hóa. Chúng tôi đã thấy tận mắt 7 chai thuốc hỗ trợ cai nghiện bị bể nát dù vẫn ở trong hộp, do việc dồn toa vào cuối tháng 10 vừa qua, người phụ trách xếp hàng hôm đó phải đền bù 2,8 triệu đồng. Tuy vậy, nhà ga không hề có lời xin lỗi hay động thái đền bù khách hàng. Một thực tế, việc cân trọng tải xe là việc bắt buộc phải thực hiện. Thế nhưng, nơi bàn cân thường rất ít khi có nhân viên trực, trên vách phòng trực thì ghi hàng loạt số điện thoại của nhân viên cân. Thế là thượng đế phải chạy đi tìm hoặc phải điện thoại cho nhân viên cân xe và ngồi... đợi.
Ngay kể cả phiếu ghi trọng lượng của xe cũng có nhiều nhiều dấu hiệu nghi ngờ cho người cân. Trong đó, phiếu cân không hề có ghi giá tiền, không hề có dấu tài chính của ngành thuế, không có cùi lưu. Nói về điều này, ông Lê Phi Long - trưởng ga Sóng Thần cho biết: Tất cả phiếu này được tập hợp vào cuối ngày rồi đưa vào sổ sách. Vậy có bao nhiêu % lượng tiện thu của việc cân xe được đưa vào sổ sách (?!) Câu hỏi đó xin chờ cơ quan chức năng trả lời.
Dù ga ST không bán vé bến bãi tại cổng sau từ ngày 1/11/2009, nhưng vẫn duy trì việc bán vé ở cổng trước. Như vậy, việc sửa sai này không có ý nghĩa gì, do xe ra - vào ga gần như tuyệt đối phải vào cổng trước. Cần nói rõ là trong ga hiện không có đường ôtô đi thẳng từ cổng sau ra cổng trước, mà chỉ có đường sắt. Vì vậy, xe không thể vào ga bằng cổng sau rồi đi thẳng ra cổng trước, dù đi trong ga thì 2 bãi chỉ cách nhau khoảng 500 m. Do vậy, DN muốn ga ST làm ngay đường ôtô trong ga nối liền bãi sau và bãi trước. |
(Theo Nhóm PV TP HCM // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com