Kết quả bước đầu
Sau một tuần khai trương cảng quốc tế SP-PSA, ngày 3-6, Công ty APL (tập đoàn hàng đầu thế giới về vận chuyển công-ten-nơ, chiếm khoảng 20% thị phần vận chuyển hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ) đã đưa vào hoạt động tuyến vận tải công-ten-nơ trực tiếp đầu tiên từ Việt Nam sang
Hoa Kỳ. Một tháng sau, ngày 7-7, tuyến vận tải biển trực tiếp thứ hai cũng đã được hãng vận tải biển Hanjin (Hàn Quốc) khai trương thông qua cảng công-ten-nơ quốc tế Tân cảng Cái Mép. Trước đó, do chưa có hệ thống cảng nước sâu, hàng xuất khẩu của Việt Nam xuất sang các thị trường lớn như Mỹ, EU..., đều phải qua các cảng trung chuyển của Xin-ga-po, Hồng Công (Trung Quốc), khiến thời gian vận chuyển và giá thành sản phẩm bị "đội" lên khá cao.
Việc khai trương tuyến vận tải biển trực tiếp mở ra triển vọng mới cho hoạt động xuất nhập khẩu của Bà Rịa - Vũng Tàu và cả khu vực Ðông Nam Bộ. Ðại diện Công ty cảng quốc tế SP-PSA cho biết: Hiện nay mỗi tuần đều có tàu mẹ của các hãng vận tải lớn như: K'Line (Nhật Bản) và APL (Xin-ga-po)... cập cảng. Do không phải trung chuyển, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ khi tham gia dịch vụ "đi thẳng" chỉ mất 15 ngày, thay vì phải mất 17 ngày như trước đây. Ðánh giá hiệu quả của tuyến vận tải biển trực tiếp này, lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu hàng dệt - may sang thị trường Hoa Kỳ khẳng định, không những thời gian vận chuyển ngắn mà hàng hóa cũng an toàn hơn do không phải trung chuyển, cước phí vận chuyển giảm do vận chuyển bằng tàu lớn. Ðây là một trong những yếu tố thuận lợi nhằm nâng cao sức cạnh tranh của DN và hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới. Theo đại diện các hãng tàu, một công-ten-nơ từ Cam-pu-chia đi Mỹ trung chuyển qua Việt Nam sẽ rút ngắn thời gian và tiết kiệm được từ 200 đến 300 USD so với trung chuyển tại Xin-ga-po hoặc Hồng Công...
Theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng số 5 (gồm ba tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cụm cảng biển Bà Rịa -Vũng Tàu bao gồm: khu Gò Dầu, Phú Mỹ, khu cảng Thị Vải - Cái Mép, khu cảng Vũng Tàu và khu cảng Sông Dinh, trong đó, cảng sông Thị Vải - Cái Mép giữ vị trí quan trọng, có khả năng đáp ứng các tàu có sức chở lớn.
Nhận thức đầy đủ những lợi thế, tiềm năng của địa phương, dự báo nhu cầu vận tải biển trong khu vực sẽ tăng nhanh trong những năm tới, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng, ban hành chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, đặc biệt là các cảng nước sâu. Hiện tại, khu vực cụm cảng Thị Vải - Cái Mép đã có nhiều dự án cảng được triển khai với tổng số vốn đăng ký gần 2,5 tỷ USD và 41 nghìn tỷ đồng. Ðã có 12 cảng đi vào hoạt động, nhiều cảng đang triển khai xây dựng giai đoạn 2 nhằm tiếp tục mở rộng nâng công suất xếp dỡ và khả năng tiếp nhận tàu sức chở lớn như Tân cảng Cái Mép, Posco, SP-PSA.
Theo Giám đốc Công ty cổ phần cảng Tân cảng Cái Mép Trần Khánh Sinh, giai đoạn 1 dự án có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng đã hoàn thành. Cảng được thiết kế 300 m cầu tàu, độ sâu trước bến đạt - (âm) 15,8 m, có khả năng tiếp nhận tàu sức chở 80 nghìn tấn. Ngay sau khi hoàn thành giai đoạn 1, công ty tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2 xây dựng 600 m cầu tàu, hệ thống cẩu, kho chứa..., đủ khả năng tiếp nhận tàu có sức chở hơn 100 nghìn tấn. Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast), đơn vị lập quy hoạch cảng biển Việt Nam và nhóm cảng biển số 5, đánh giá cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải sẽ là khu cảng cửa ngõ quốc tế ở phía nam, tập trung hầu hết các cảng chuyên dùng, công-ten-nơ và cảng tổng hợp quy mô lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Minh Sanh cho biết: Nhờ đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dự án cảng biển trên địa bàn, hiệu quả khai thác của 17 cảng biển đã đưa vào sử dụng rất khả quan. Năm 2008, tổng lượng hàng qua hệ thống cảng Bà Rịa - Vũng Tàu đạt hơn 26 triệu tấn, và 55,9 nghìn lượt hành khách. Chín tháng qua, dù chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng
kinh tế thế giới, sản lượng hàng qua cảng vẫn đạt hơn 23 triệu tấn, hơn 48,2 nghìn lượt hành khách. Dự báo nhu cầu thông quan hàng hóa sẽ tăng nhanh trong những năm tới, nhưng các cảng biển hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu. Hệ thống thương cảng quốc gia và quốc tế, đã và đang hình thành trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu, có ý nghĩa quan trọng, quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả khu vực.
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Ngay sau khi quy hoạch chi tiết cụm cảng số 5 được phê duyệt, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đến hệ thống cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ hệ thống cảng ở đây còn nhiều hạn chế. Tình trạng "cảng chờ đường", "đường chờ... vốn" vẫn là nỗi bức xúc lớn của nhiều DN. Dự án mở rộng quốc lộ 51 được khởi công tháng 8-2009, đến nay vẫn chưa được triển khai. Các tuyến đường liên cảng Thị Vải - Cái Mép, đường 965, đường vào Nhà máy đóng tàu Ba Son, đường vào cảng Holcim thi công chậm... Thêm vào đó, các tuyến giao thông đấu nối khu cảng với các tuyến quốc lộ và đường cao tốc chưa đáp ứng kịp thời do nguồn vốn ngân sách địa phương hạn chế, như: đường Phước Hòa - Hội Bài, đường Phước Hòa - Cái Mép... Ðơn cử đường 965 dài 8 km, nối quốc lộ 51 vào khu công nghiệp Cái Mép đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng loạt DN, trong đó có cảng nước sâu Tân cảng Cái Mép, cảng nông sản của Công ty TNHH Interflour Việt Nam, cảng LPG - gas của Công ty Chế biến khí Vũng Tàu...
Từ khi cảng đi vào khai thác đến nay (tháng 6-2009), Công ty cổ phần cảng Tân cảng Cái Mép đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng thuê sà-lan vận chuyển công-ten-nơ ngược về TP Hồ Chí Minh. Ðể tự cứu mình, nhiều đơn vị đã phải tự bỏ tiền đầu tư xây dựng đường vào cảng như trường hợp chủ đầu tư cảng SP-PSA phải làm đường tạm từ Nhà máy thép miền Nam đi vào khu vực cảng với chiều dài 1,4 km, Tập đoàn thép Posco tự đầu tư xây dựng đường tạm dài vài trăm mét để đưa cảng Posco vào hoạt động.
Theo Giám đốc Cảng vụ Vũng Tàu Lê Văn Chiến, luồng hàng hải sông Thị Vải - Cái Mép đang khai thác, vận hành cũng chưa đáp ứng yêu cầu và tốc độ phát triển của hệ thống cảng nước sâu. Luồng hàng hải hiện hữu được thiết kế, đầu tư từ năm 2000 cho tàu có sức chở đến 30 nghìn tấn, không phù hợp để tiếp nhận tàu có sức chở 80 nghìn tấn.
Vấn đề đặt ra là để hệ thống cảng nước sâu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy hiệu quả, trở thành cảng quốc tế cửa ngõ giao thương cho vùng kinh tế động lực phía nam, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Giao thông vận tải cùng các cơ quan liên quan cần có các quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường sinh thái, giám sát kỹ việc thực hiện các quy định này, đồng thời đề ra các giải pháp đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật phục vụ hệ thống cảng.
Sớm xây dựng các khu dịch vụ hậu cần cảng kết hợp với các cảng đường thủy nội địa nhằm hỗ trợ thu gom hàng cho hệ thống cảng nước sâu.
Một yếu tố quan trọng hàng đầu là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần có kế hoạch thu hút, đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư, khi các cảng nước sâu trên địa bàn đi vào hoạt động.