Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Đột phá công nghiệp - cảng biển

Nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, những năm gần đây, kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có bước tăng tốc mạnh mẽ và đang hướng đến việc phát triển công nghiệp, cảng biển vào năm 2015 để trở thành một trung tâm cảng trung chuyển nước sâu của khu vực và quốc tế. Đó cũng là tiêu điểm được đặt ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V nhiệm kỳ 2010-2015.

Giảm dần phụ thuộc dầu thô

Cảng quốc tế SP-PSA. Ảnh:CAO THĂNG

Trước đây, nói đến kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu, người ta nghĩ ngay đến dầu thô nhưng trong 5 năm gần đây, sự phụ thuộc vào dầu thô đang giảm dần. 

Tỉnh đã hình thành hành lang kinh tế công nghiệp - cảng biển dọc quốc lộ 51 và sông Thị Vải - Cái Mép và gắn với hệ thống cảng là các khu công nghiệp tập trung, với nhiều dự án quan trọng. Trong đó, huyện Tân Thành quy hoạch, phát triển thành đô thị mới Phú Mỹ, tuyến ven biển Vũng Tàu - Long Hải - Phước Hải - Bình Châu đang hình thành tuyến hành lang kinh tế biển, ven biển với trọng tâm là các dự án du lịch theo tinh thần Nghị quyết 53-NQ/TW của Bộ Chính trị. Riêng thành phố Vũng Tàu với cơ sở vật chất ngày được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của một trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ, du lịch, phát triển cảng và khai thác dầu khí của cả nước.

Hệ thống cảng biển được quy hoạch gồm 55 cảng, trong đó có 18 cảng tổng hợp, container; 37 cảng chuyên dùng và hiện đã đưa vào khai thác 21 cảng với công suất 45 triệu tấn hàng hóa/năm. Việc vận chuyển hàng hóa bằng container trực tiếp từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Hoa Kỳ và các nước ở châu Âu đã khai thông, mở ra triển vọng mới cho kinh tế cảng.

Tỉnh hiện có 14 khu công nghiệp với quy mô 8.800ha, trong đó 7 khu công nghiệp thành lập trước năm 2006 đã đi vào hoạt động, lấp đầy 77% diện tích. Trong 5 năm qua, các khu công nghiệp đã thu hút thêm 162 dự án đầu tư, nâng tổng số dự án đầu tư trong khu công nghiệp lên 222 dự án với tổng vốn đầu tư (quy đổi) đạt 14 tỷ USD. Tỉnh cũng quy hoạch 30 cụm công nghiệp, trong đó 6 cụm đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Theo số liệu của Sở KH-ĐT tỉnh, giá trị xuất khẩu (trừ dầu thô) đạt 4.066 triệu USD (tăng gần 2 lần so với chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra, giá trị sản xuất công nghiệp trong 5 năm 2005-2010 tăng bình quân 18,19%, đạt xấp xỉ chỉ tiêu đề ra.

Trong buổi làm việc góp ý vào dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhiệm kỳ 2010-2015, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá: “5 năm qua, Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất nước, bình quân đạt 17,78%/năm, trở thành tỉnh có quy mô kinh tế lớn trong vùng cũng như cả nước”.

Cơ cấu kinh tế tỉnh chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ chiếm gần 96% kim ngạch xuất khẩu lớn. Đặc biệt, GDP bình quân đầu người/năm đạt trên 5.800 USD (không tính dầu thô) thuộc địa phương cao nhất nước; thu ngân sách vượt chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; các mặt công tác khác như chăm lo cho các diện chính sách, phong trào “đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”; giáo dục, y tế, bảo đảm an ninh quốc phòng đều đạt được những kết quả khá. Công tác xây dựng Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng được chú trọng. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ngày càng đi vào chiều sâu.

Đòn bẩy

Trên cơ sở xác định đúng tiềm năng cùng những điều kiện về hạ tầng kinh tế - xã hội, trong giai đoạn 2010-2015 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định lấy công nghiệp và kinh tế cảng biển làm đòn bẩy để ưu tiên tập trung đầu tư, tạo sự đột biến trong phát triển kinh tế của tỉnh cũng như của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp chế biến, sử dụng công nghệ cao, tiêu tốn ít năng lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, có sức lan tỏa thu hút công nghiệp phụ trợ cùng phát triển để lấp đầy các khu công nghiệp hiện có; giảm dần công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Rà soát, thu hồi các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa triển khai thực hiện,  không thu hút thêm các dự án mới về sản xuất thép, xi măng, hóa chất và các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu và các loại công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp lọc, hóa dầu; công nghiệp sản xuất container, thiết bị nâng hạ, cơ khí, bao bì, đóng gói phục vụ cho hoạt động của hệ thống cảng.

Tiếp tục phát triển dịch vụ cảng biển, tỉnh sẽ điều chỉnh quy hoạch cho tàu có trọng tải đến trên 100.000 tấn cập cảng, xây dựng hệ thống cảng Cái Mép- Thị Vải trở thành hệ thống cảng trung chuyển của khu vực và quốc tế; đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối hệ thống cảng Cái Mép- Thị Vải với các đường quốc lộ, các đường vành đai của khu vực và sân bay Long Thành.

Trở ngại lớn nhất trong chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh trong thời gian tới chính là sự hạn chế về hạ tầng giao thông. Một loạt các dự án trọng điểm về giao thông như: xây dựng sân bay Vũng Tàu mới tại Gò Găng, đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu; hai tuyến đường trục ngang nối từ Quốc lộ 51 vào khu cảng Cái Mép – Thị Vải đã được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ GTVT cùng phối hợp với tỉnh, bố trí nguồn vốn thực hiện để kết nối, liên thông hạ tầng giao thông giữa hệ thống cảng nước sâu với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với Tây Nam bộ và Tây Nguyên vào năm 2015

Sau chuyến làm việc tại Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 9-8-2010, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 222/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2011-2015. Thông báo chỉ rõ: “Khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt tập trung chỉ đạo phát triển toàn diện, hiệu quả kinh tế biển thủy sản, du lịch, dịch vụ vận tải biển… để phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu trong 5 năm tới trở thành trung tâm cảng trung chuyển nước sâu của khu vực, trong đó chú trọng:
- Khai thác có hiệu quả lợi thế cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung nhiều doanh nghiệp lớn thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn như dầu khí, điện, thép; có tiềm năng phát triển hệ thống cảng biển, du  lịch; do đó tỉnh cần ưu tiên phát triển các lĩnh vực có thế mạnh, các dự án có hiệu quả kinh tế cao, ít tiêu hao năng lượng; sản xuất những sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghệ cao để có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
- Với lợi thế so sánh về hệ thống cảng biển nước sâu, tỉnh cần chú trọng phát triển các dịch vụ cảng, hàng hải, dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách, phát huy tối đa lợi thế về đất đai để nâng cao giá trị gia tăng trong nông nghiệp và hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao.
- Rà soát, hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, quy hoạch ngành, lĩnh vực bảo đảm chất lượng để phát triển bền vững; trong đó lưu ý đến quy hoạch hệ thống cảng biển phải đồng bộ, phù hợp và có mối gắn kết với quy hoạch vùng. Phát triển hệ thống cảng phải đi liền với phát triển đường bộ, đường sắt, đường hàng không và dịch vụ hậu cần. Đồng thời, tập trung xây dựng để Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành khu du lịch có tầm cỡ trong khu vực”. 

(Theo VĂN PHONG // SGGP Online)

  • Doanh nghiệp vận tải biển: “Chúng tôi sắp hết hơi rồi!”
  • Các đội tàu biển Việt Nam đang...chìm
  • Logistics nội: 'Bán thân' cho nước ngoài?
  • Cảng biển Việt Nam: Nơi quá tải, chỗ thiếu công suất
  • 5 doanh nghiệp Pháp sẽ đến Việt Nam tìm hiểu ngành cảng biển
  • Mười tháng, vận chuyển 585,5 triệu tấn hàng hoá
  • Mở cửa đón các hãng hàng không châu Âu
  • Xây kho lúa gạo: Nhiều rào cản
  • Bùng nổ cảng biển
  • Hải cảng lớn nhất Trung Quốc
  • Cảng Hải Phòng: Nỗi niềm thiếu... container lạnh
  • Dự án Cái Mép - Thị Vải: Cảng hay cầu?
  • Tân Cảng Cái Mép cuối năm đi vào hoạt động
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container