Đại diện một số DN sản xuất xi măng cho biết, để tránh gây biến động cho thị trường, nhất là trong tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, họ chủ trương thực hiện tăng giá theo từng đợt. Cách điều chỉnh như vậy được cho là khôn ngoan trong bối cảnh năng lực sản xuất xi măng trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu và thị trường có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các thương hiệu. Đơn cử, Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn cho biết sẽ điều chỉnh tăng giá từng bước để thị trường đỡ đột ngột, với đợt đầu dự kiến tăng khoảng 40.000 đồng/tấn. Công ty này dự kiến sẽ thực hiện 3 đợt tăng giá trong năm nay.
Giá bán xi măng trong tháng 3 năm 2010 dao động trong khoảng 900.000 - 1.100.000 đồng/tấn ở miền Bắc và 1.100.000 - 1.400.000 đồng/tấn ở miền Nam. Việc tăng giá bán xi măng trong quý II của các DN cũng khá phù hợp với dự báo của Tổ Điều hành thị trường trong nước, khi cho rằng, quý II là thời điểm thị trường xây dựng bước vào mùa cao điểm, nên nhu cầu tiêu dùng xi măng tăng mạnh. Hơn nữa, trước sức ép về chi phí đầu vào gia tăng, doanh nghiệp xi măng khó có thể không điều chỉnh giá bán. Vì thế, giá bán xi măng nhiều khả năng sẽ cao hơn quý I.
Tuy nhiên, một điều có thể khẳng định là, do nguồn cung xi măng hiện tại đáp ứng đủ nhu cầu, nên khả năng khan hiếm xi măng cũng như giá tăng vọt sẽ rất khó xảy ra. Dự báo, trong quý II, giá xi măng sẽ tăng thêm khoảng 30.000 - 60.000 đồng/tấn. Hiện tại, giá bán lẻ xi măng trên thị trường TP.HCM của một số thương hiệu như Hà Tiên 1 và Holcim đã tăng gần 40.000 đồng/tấn. Các thương hiệu xi măng phía Bắc như Bỉm Sơn, Hoàng Thạch... cũng tăng 30.000 - 35.000 đồng/tấn.
Theo ông Nguyễn Văn Kiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xi măng X18 (Bộ Quốc phòng), việc hai lần ngành than tăng giá bán trong năm 2009, với mức tăng tới 70% so với trước đó, cộng với giá bán điện tiếp tục được điều chỉnh tăng từ đầu tháng 3 đã khiến chi phí đầu vào của DN này tăng thêm 40.000 - 50.000 đồng/tấn. Ông Kiên cho biết, sắp tới, DN này có thể sẽ phải điều chỉnh giá bán xi măng thêm khoảng 50.000 đồng/tấn.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, năm 2010, nhu cầu tiêu thụ xi măng trên toàn quốc sẽ khoảng 50 - 51,5 triệu tấn, trong khi sản xuất sẽ đạt 53,5 triệu tấn. Bởi thế, các DN không chỉ lo cạnh tranh để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước, mà còn phải tìm thị trường xuất khẩu.
Tất nhiên, không chỉ lo cân đối lợi nhuận bằng cách điều chỉnh giá sản phẩm đầu ra, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất khi giá đầu vào tăng cao, không ít DN trong ngành xi măng còn đối mặt với nỗi lo về khả năng tiêu thụ sẽ bị chậm lại, vì rõ ràng, khi tăng giá bán thì khả năng bị giảm thị phần, giảm sức cạnh tranh là khó tránh khỏi.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com