Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chiến sĩ Điện Biên thành triệu phú nuôi ong

 

Ông Nguyễn Quang Bình cùng vợ đang chăm sóc đàn ong.

Trong không khí hào hùng hướng tới kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhóm phóng viên báo Hànộimới đã về xã Sơn Đồng (Hoài Đức) để gặp lại người y tá trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, nay là người khá thành công với nghề nuôi ong. Dù đã bước qua tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ông Nguyễn Quang Bình vẫn say sưa kể về một thời hào hùng của dân tộc và những kinh nghiệm quý trong nghề nuôi ong.

 

Từ chiến sĩ quân y Điện Biên

 

Bây giờ gần 80 tuổi, nhưng trong ông vẫn không phai mờ những kỷ niệm sâu sắc của tuổi thanh xuân, lần đầu tiên trong đời được tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Bên khu vườn yên tĩnh, tiếp chuyện chúng tôi, ông Bình rất tự  hào kể lại những ngày chiến đấu oanh liệt của cả dân tộc mà ông được trực tiếp tham gia. Vào tháng 1 năm 1951, ông Bình đi thanh niên xung phong và được vào Phân đội Lê Lợi, xây dựng cầu đường ở Bắc Cạn, Thái Nguyên rồi về Trạm Y tế cấp cứu Cò Nòi làm nhiệm vụ điều trị thương, bệnh binh từ mặt trận Điện Biên Phủ chuyển đến.

 

Ông Bình nhớ lại: Ngã ba Cò Nòi là điểm giao nhau của các đường giao thông từ các vùng đồng bằng lên Tây Bắc, ngược đèo Pha Đin rồi lên chiến trường Điện Biên Phủ nên thường bị quân địch ném bom đánh phá suốt ngày đêm để ngăn chặn tiếp tế của ta vào chiến trường. Là y tá vừa làm nhiệm vụ điều trị, cấp cứu cho thương binh, vừa phải tham gia sửa đường giao thông, công việc suốt ngày đêm là vậy nhưng những người lính Trạm Y tế Cò Nòi làm việc không biết mệt. Có lẽ nhờ được tôi luyện trong những ngày tháng khốc liệt ấy mà trong những bước đi tiếp theo của cuộc đời, ông Bình luôn rất vững vàng. 

 

Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, chuyển ngành về địa phương, từ cán bộ y tế cơ sở đến cương vị Phó Giám đốc bệnh viện huyện, ở đâu ông Bình cũng nỗ lực hoạt động. Dường như phẩm chất chiến sĩ Điện Biên thấm đẫm chặng đường 40 năm vừa chiến đấu vừa công tác, giúp ông vươn lên, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

 

Đến "triệu phú" nuôi ong

 

Đó là tên gọi trìu mến mà người dân trong vùng dành cho ông Bình. Phát huy bản chất, truyền thống của anh bộ đội Cụ Hồ, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn lao động để vừa rèn sức khỏe dẻo dai vừa có thêm thu nhập. Thời gian đầu về nghỉ hưu, ông Bình cùng một số cựu chiến binh trong xã tìm tài liệu học tập và đi thực tế các xã bạn để học nghề nuôi ong. Ông Bình cho biết, nghề nuôi ong lấy mật tuy dễ mà khó. Dễ với những người ham thích, chịu học hỏi và muốn gắn bó lâu dài với nghề nhưng lại khó với những ai thiếu kiên nhẫn học nghề cũng như ít chịu khó nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc. Vừa chăm chút cho những đõ ong, ông Bình vừa tâm sự: Nuôi ong đòi hỏi sự khéo léo, chăm bẵm ong như chăm trẻ nhỏ. Chính người nuôi ong cũng phải cần mẫn như con ong… Khó khăn, công phu như vậy nhưng ông Bình không nản và đàn ong đã không phụ công của người lính già. Nhờ vậy, đàn ong nhà ông Nguyễn Quang Bình tăng dần, lúc cao điểm có khoảng trên 200 đõ ong, mỗi năm cho thu từ 3-4 tạ mật với trị giá hàng chục triệu đồng.

(Theo Quỳnh Dung - Nguyễn Mai // Hanoimoi Online)

  • Thành tỷ phú từ nghề nuôi dế
  • “Vua” ong mật
  • Tỷ phú… dược liệu
  • Tỷ phú vùng sơn cước
  • Đại gia Việt trên đất Triệu Voi
  • Chuyện về Tổng giám đốc IDG Venture Việt Nam
  • Ông tỷ phú luôn nảy sinh ý tưởng làm ăn mới
  • Chuyện ít biết về người phụ nữ giàu nhất Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com