Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Vua” ong mật

Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại, đối với ông Bình (phải) nuôi ong còn là một thú vui!

Có một cựu chiến binh suốt hơn 15 năm gắn bó với nghề nuôi ong mật và trở nên giàu có. Người dân trong vùng đặt cho ông cái tên nghe rất oách: “Vua” ong mật. Ông tên là Trần Quốc Bình, ở xã An Phú, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước.

Điều, cà phê, cây ăn trái... vào mùa trổ hoa cũng là lúc người nuôi ong “xuất quân” đặt ong lấy mật. Ở tỉnh Bình Phước thời điểm này rộ lên

phong trào nuôi ong lấy mật, đi đến đâu cũng bắt gặp hàng chục đến hàng trăm thùng ong được đặt dưới những trang trại điều, cà phê, cây ăn trái... Sức hấp dẫn về thu nhập đang thu hút nhiều người tìm đến với cái nghề dễ kiếm tiền này. Tuy nhiên, để có mật bán đòi hỏi người nuôi không chỉ biết kỹ thuật mà cần sự chịu khó, tính kiên trì và lòng say mê mới thành công. Lời bộc bạch từ chính những người thành đạt trong nghề nuôi ong mật đã giúp người viết ngộ ra nhiều điều thú vị và khâm phục những người chọn cái nghề đầy công phu song cũng thật hấp dẫn này để mưu sinh...

Nghề hấp dẫn

Ông Trần Quốc Bình, một trong những người nuôi ong mật thành đạt kể lại: Năm 1992, nhóm người nuôi ong từ Đắc Lắc qua xin đặt ong lấy mật trong vườn cà phê rộng hơn 2 ha của gia đình ông, dần dần họ quý tính cách của ông nên muốn truyền nghề cho ông. Khi dời đi, họ biếu ông 3 thùng (tương đương 3 đàn) nuôi thử. Không mặn mà cho lắm, vả lại không biết kỹ thuật nên chưa đầy một tháng ong chết sạch. Năm sau, đám thợ nuôi ong trở lại, họ lại khuyên ông nên nuôi nhưng ông vẫn từ chối. Hai năm sau, cà phê rớt giá, họ bảo: “Bác sống tốt thế mà lại nghèo, chúng tôi không đành lòng, bác thử nuôi ong mật một lần nữa xem sao (!?)”. Trước những phân tích đầy thuyết phục của những người thợ, ông đã khăn gói tìm lên Đắc Lắc xin học kỹ thuật nuôi ong mật rồi bén duyên với nghề từ đó.

Với vốn ban đầu là 3 thùng ong giống do người đặt ong biếu, ông mày mò áp dụng kỹ thuật đã học, cuối vụ ông thu được 30 lít mật. Quay được giọt mật ngọt đầu tiên vợ chồng ông mừng như mở hội trong lòng. Cảm xúc của lần đầu tiên ấy vào nghề không bao giờ ông quên. Mới vào nghề, quay được số mật như thế đã là hạnh phúc thì nay, qua việc nắm bắt được kỹ thuật nuôi và mát tay nghề gia đình ông đã thu được bình quân 40 lít/thùng, thậm chí có năm ông đã thu tới 19 tấn mật/298 đàn. Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông nhân dần số lượng đàn ong. Năm 2008, số lượng đã tăng lên 500 đàn. Và với 500 đàn ong mật này, gia đình ông đã thu được trên 350 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí di chuyển, công chăm sóc... Ông cho biết: “Nuôi ong không tốn nhiều công sức như những nghề khác chỉ cần nắm được kỹ thuật, chịu khó, kiên trì, đam mê là có thể nuôi được. Các con đi học xa, công việc nuôi ong chỉ do hai vợ chồng tôi đảm nhiệm. Năm nay, tôi đang đóng thêm thùng mới, dự kiến nâng thêm 200 đàn nữa”. San đàn ong cũng không phải là việc khó với người trong nghề. Nếu “thuận buồm xuôi gió”, sau một năm, một đàn có thể tách ra thành 15 đàn. Điều quan trọng là phải tích lũy được các điều kiện thuận lợi cho việc nuôi dưỡng ong tồn tại đến mùa thu hoạch mật.

Khi hỏi về lợi nhuận, ông Bình nhẩm tính: Năm đầu tiên, đầu tư khoảng 100 thùng giống và chi phí dưỡng ong cho đến khi thu mật hết 60 triệu đồng thì thu được 80 triệu đồng tiền mật ong. Vậy là ngoài việc lãi 20 triệu đồng, còn lãi thêm số thùng ong, phấn, sáp và giống ong cho vụ sau. Cứ thế, nuôi càng về lâu dài, số lãi sẽ càng lớn và chi phí sẽ càng thấp đi nhiều lần. Đến lúc thu hồi được vốn và chỉ còn phải dưỡng ong bằng phấn hoa, đậu nành, đường và chờ thu mật thì tiền lãi sẽ rất lớn. Người vốn ít cũng có thể phát triển kinh tế dần từ vài thùng mà không sợ lỗ. Một phần tin cậy hơn là đầu ra đã khá ổn định từ xuất khẩu. Theo ông Bình, nếu người Việt Nam có thói quen coi con ong rừng là tốt thì các nước châu Âu nhận hàng mật ong từ nước ta lại coi trọng mật nuôi vì tính ổn định đạm và vệ sinh an toàn thực phẩm mà người nuôi áp dụng.

Nghề nuôi cũng lắm công phu

Tuy nhiên, theo ông Bình, nghề nuôi ong dễ mà khó. Dễ với những người đam mê, thích học hỏi và muốn gắn bó lâu dài với nghề nhưng lại khó với những ai thích ăn xổi, không chịu đầu tư kỹ thuật. Có người học vài tháng đã thành công nhưng có người đến 3 năm vẫn chưa thuần thục, thậm chí, nhiều người mà ông Bình quen biết sau những tháng ngày thử nghiệm đã bỏ nghề. Vợ ông Bình, luôn sát cánh bên ông từ khi vào nghề tâm sự: “Nuôi ong công sức và thời gian chỉ bằng nửa làm rẫy và ít hao phí sức lực song lại đòi hỏi bản thân phải khéo léo, nâng niu, chăm bẵm ong như con trẻ. Chính mỗi người nuôi ong cũng phải cần mẫn như con ong”.

Con ong cũng thường mắc phải bệnh bại liệt, tiêu chảy, chí,... nếu không kịp thời phát hiện, chữa trị thì dễ lây lan dẫn đến mất luôn cả đàn ong. Nhưng muốn phát hiện được bệnh, người nuôi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật thật tốt. Dùng thuốc không đúng liều không những không hết bệnh mà có khi mật lại bị nhiễm độc. Chỉ có sự kiên trì học hỏi thì người nuôi mới tự đúc kết kinh nghiệm cho bản thân. Theo ông Bình, càng nuôi ong càng thấy hứng thú với nghề. Bởi  không chỉ hấp dẫn từ nguồn thu nhập mà còn từ vật phẩm của ong mật mang lại. Vẫn biết nuôi ong lấy mật là chính song sữa ong chúa, keo ong... dùng trong mỹ phẩm, y học... cũng là những vật phẩm quý giá. Để có được những vật phẩm này chỉ có người nuôi ong lâu năm mới đủ trình độ lấy được và khi lấy được chúng thì niềm vui sẽ tăng lên gấp bội, vì nó không chỉ cho thu nhập cao hơn mà còn thể hiện đẳng cấp người nuôi từng trải.

Nuôi ong còn vất vả ở chỗ là phải tìm nguồn thức ăn thiên nhiên cho ong, càng nhiều càng tốt. Vì thế, đến mùa vụ, muốn ong cho nhiều mật thì phải chịu khó di chuyển đàn ong tới các vùng trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, điều, cây ăn trái, hoa rừng... có quy mô lớn. Một năm bình quân ông Bình đã phải di chuyển đàn ong từ 5-7 lần. Không quản ngại lên tận Đắc Lắc đón mùa hoa cà phê hay xuống tận Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh đón mùa cây ăn trái nở hoa... Ông Bình còn tham vọng đưa đàn ong ra các tỉnh phía Bắc như vùng đất vải Lục Ngạn (Hà Bắc) hay nhãn (Hưng Yên). Tuy nhiên, chi phí đi lại khá tốn kém nên ông đang còn phân vân, cân nhắc. “Bình Phước là rốn mật, nhiều người nuôi ong mật ở các tỉnh bạn đổ về đây mà người trong tỉnh chưa phát triển được là bao từ nghề này thì tôi thấy buồn lắm”, ông Bình tâm sự. Vốn là một người lính, từ sự thành công, ông đã không ngại mang kinh nghiệm của mình ra chia sẻ, giúp đỡ những đồng đội, con em của họ cũng như người dân khắp nơi trong tỉnh cùng làm giàu từ nghề nuôi ong mật.

Đúng là nuôi ong mật khó thật, suốt quãng thời gian gắn bó với nghề, ông Bình đã trải qua không biết bao nhiêu gian khó. Để có những giọt mật, ông Bình đã phải dầm mưa, trải gió, quanh năm suốt tháng lầm lũi trong những vườn cây, đêm đến với chiếc võng đơn chiếc đung đưa quanh những gốc cây canh giữ, chăm sóc ong. Người cựu chiến binh ấy nói ông đã làm hết sức mình để có mật bán nuôi các con ăn học. Cũng may mà trời thương đã không phụ công sức ông bỏ ra. Đúng là những năm tháng chiến tranh đã tạo cho ông ý chí tuyệt vời để đối diện và không ngại khó khăn.

Làm bạn với ong hơn 15 năm qua, ông Bình đã truyền “bí kiếp” cho trên 20 người, trong số này trên 10 người đã gắn bó và khá giả lên từ nghề nuôi ong. Nhiều người được hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm, thậm chí cả thùng nuôi, ong giống... “Có người muốn nuôi nhưng trong tay chẳng có gì, đến gặp tôi hỗ trợ từ “A đến Z”, khi có mật bán mới quay lại trả ơn. Cũng có những người lúc đầu chỉ theo làm công ăn lương đến khi có tay nghề xin ra làm riêng tôi cũng hết lòng ủng hộ. Với tôi sống mà được sẻ chia giúp đỡ luôn là niềm vui. Có gì đâu, thấy họ khá giả là mình vui rồi”, ông Bình nói. Rồi ông cười khà khà: Ồ, tôi có khoe khoang, nổ lắm không! Theo ông những thanh niên đang ở cái tuổi “mắt sáng, tay mềm” mà chưa có việc làm thì chọn nghề này là rất phù hợp - một nghề vốn ít mà lại dễ kiếm tiền.

Từ một hộ nghèo khi mới đến tỉnh Bình Phước nhưng gắn bó với nghề nuôi ong mật nên cuộc sống giờ đã khấm khá hẳn, trở thành một nông dân sản xuất giỏi, một cựu chiến binh hăng hái tham gia công tác hội tại địa phương. Con ong đã giúp ông đổi đời để có được ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi - một cơ ngơi mà khi vào nghề nuôi ong chính ông cũng không dám mơ tới.

Với đầu ra ổn định (giá mật xuất khẩu từ 28.000 - 32.000 đồng/lít) và với một tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích điều, cao su, bên cạnh đó là vườn cây ăn trái, rừng tự nhiên dồi dào như Bình Phước, nghề nuôi ong đang mở ra hướng làm ăn mới cho nhiều người dân.

( Theo báo điện tử Bình Dương)

  • Tỷ phú… dược liệu
  • Tỷ phú vùng sơn cước
  • Đại gia Việt trên đất Triệu Voi
  • Chuyện về Tổng giám đốc IDG Venture Việt Nam
  • Ông tỷ phú luôn nảy sinh ý tưởng làm ăn mới
  • Chuyện ít biết về người phụ nữ giàu nhất Việt Nam
  • Ông Đoàn Nguyên Đức vẫn giàu nhất TTCK
  • Tự hào nữ doanh nhân Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao