Mấy năm trở lại đây, nghề nhân giống động vật có nguồn gốc hoang dã ngày càng thịnh hành, mang lại nguồn lợi lớn. So với các con vật đặc sản khác, thời điểm này có lẽ nhím giống là loài cho thu lãi nhanh nhất!
Chị Liễu nựng nhím như yêu con. |
Đàn nhím cứu tinh
Mười năm trước, vợ chồng chị Vi Thị Thanh Liễu - Hoàng Êm (cùng SN 1962) ở tổ 5, khối 8, P.Tân An, TP Buôn Ma Thuột được bạn dưới huyện cho 3 bé nhím cái về nuôi. Chị Liễu trước là lính biên phòng, anh Êm là công an viên, lo cho 2 cậu con trai ăn học đã vất vả, may sao 3 con nhím chẳng tốn tiền mua thức ăn mà lại lớn nhanh như thổi. Chị mượn nhím đực về phối giống, nghiên cứu xây rồi sửa tới 4 lần mới có được hệ thống chuồng trại hợp lý.
Hiện nay trại nhím rộng 150m2 ngăn thành nhiều ô nhỏ, mỗi ô rộng khoảng 1,4 m2 phía sau nhà chị đang có 150 con nhím. Năm 2010, từ việc bán nhím giống, vợ chồng Liễu-Êm thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Bước vào ô chuồng khéo léo ôm con nhím lông nhọn tua tủa lên tay cho tôi chụp ảnh, chị Liễu cho biết: Nhím là loài vật có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, nguồn thức ăn chủ yếu là các rau củ bỏ đi. Một năm nhím đẻ 2 lần, mỗi lần đẻ từ 2 - 3 con. Nhím một tháng tuổi chỉ bú mẹ đã nặng gần 1 ký, được 2-3 tháng đã có thể tách đàn.
Nhím thịt nuôi 3 - 4 năm nặng tối đa 20 ký, không lãi bằng nuôi nhím giống. Giá 1 cặp nhím 3 tháng tuổi 15 triệu đồng, nhím bố mẹ 1 tuổi trở lên giá 35 - 40 triệu đồng. Khi nhiều đực quá mới “ thanh lý bớt” vài con với giá 350.000đ/ ký hơi. Còn lâu cung mới đủ cầu, mà chi phí hầu như không đáng kể!
Hàng ngày, cứ 5 giờ sáng, chị chạy xe máy ra chợ Tân An, nhặt các loại rau củ quả kém chất lượng chở vài chuyến về rửa sạch là đủ cho đàn nhím ăn 3 bữa trong ngày.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho biết trong số các trại nuôi nhím ông từng đến thăm ở nhiều tỉnh thành, trại nuôi nhím của chị Liễu đáng tuyên dương nhất về làm tốt vệ sinh môi trường, giữa khu dân cư mà không hề gây ô nhiễm.
“Hoa hậu trại nhím”
Dù đã được mách trước, tôi vẫn bất ngờ khi đặt chân đến trại nhím lớn nhất tỉnh Đắk Nông.
Theo chân chủ trại Thái Thị Mỹ Thanh, chúng tôi lạc vào 14 dãy chuồng nhím. Thanh kể công việc hàng ngày của vợ chồng chị chủ yếu là tách chuồng cho nhím phối giống. Thường 1 anh được chia cho 2 ả trong một ô chuồng, ả nào có dấu hiệu mang thai mới tách riêng.
Chỉ những túm đuôi nhím đỏ lạ, chị giải thích đó là nhím đực, phết màu để dễ phân biệt, vì nếu lỡ nhốt lộn vài anh chung một ô chuồng là chúng sẽ đánh nhau dữ dội để giành gái. Còn những đôi nhím màu nâu tuyền lạ mắt gọi là nhím he đang được nhiều tay chơi lùng mua với giá đắt vì hiếm hơn loại nhím trắng đen.
Anh Nguyễn Quốc Khánh, chồng Thanh cho biết vợ chồng anh đã lắm phen “lên bờ xuống ruộng” với nghề nông. Cùng quê Nghệ An nhưng định cư trên xứ đạo này đã lâu, gia đình Khánh sở hữu nhiều đất đai ở xã Đức Minh, huyện Đắk Mil.
Năm 2004 giá cà phê tuột dốc còn có 10 triệu đồng/tấn, Khánh bán 2 tấn cà phê mới mua được 2 cặp nhím nuôi chơi. Anh nuôi dúi, nuôi cút, so sánh thấy nhím nuôi chơi mà lãi thật, bèn đi sâu tìm hiểu rồi dốc hết vốn mua hàng chục đôi nhím giống, gây đàn, bán nhím con.
Hiện tại, ba chị em của Khánh góp vốn nuôi chung gần 800 con nhím đủ cỡ, gồm khoảng 400 nhím mẹ, 200 nhím đực. Trừ thuế, phí, tiền thuê một lao động chăm sóc và mua thức ăn cho nhím, lãi ròng thu được từ trại nhím này trong năm 2011 chắc chắn đạt trên 3 tỉ đồng.
(Theo Hoàng Thiên Nga // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com