Mấy năm ròng rã ở các tỉnh bạn, cuối cùng, anh Khúc Văn Hồng nhận thấy, với diện tích nhỏ chỉ 1,4 ha như đất ruộng nhà mình thì nuôi cá và ếch là phù hợp hơn cả.
Anh Khúc Văn Hồng trước ao cá trăm triệu của mình - Ảnh Chinhphu.vn |
Anh Khúc Văn Hồng ở thị trấn Hưng Hà (huyện Hưng Hà, Thái Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa sang nuôi cá, ếch theo hướng công nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ lặn lội học nghề…
Anh Hồng nhận thấy, nếu không làm kinh tế mà chỉ quanh năm suốt tháng với việc trồng lúa sẽ rất vất vả, mà hiệu quả kinh tế không cao. Qua giới thiệu của bạn bè, anh quyết định lặn lội vào Nam ra Bắc, đi các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hưng Yên… với mong muốn sẽ học hỏi được một mô hình làm kinh tế mang lại hiệu quả cao, áp dụng được cho mình.
Mấy năm ròng rã ở các tỉnh bạn, cuối cùng, anh Hồng nhận thấy, với diện tích nhỏ chỉ 1,4 ha như đất ruộng nhà mình thì nuôi cá và ếch là phù hợp hơn cả.
Qua kinh nghiệm truyền lại của những người bạn ở các tỉnh, anh nhận thấy, cá chim là loại phàm ăn, lớn nhanh, thích nghi với nguồn nước không cần quá sạch, lại sống chủ yếu ở tầng nước trên. So với điều kiện khí hậu và môi trường đất ruộng của gia đình, anh Hồng xác định đây là loài cá nuôi chủ lực.
Tuy nhiên, vì mỗi loại cá thích hợp với một tầng nước khác nhau, nên anh nuôi tổng hợp các loài: cá chim, cá mè, cá chép, trôi và ếch.
Ngoài ra, anh còn nuôi thêm ếch trong các lồng, ở ven bờ. Thức ăn chủ yếu của ếch cũng là cám công nghiệp. Phân ếch đồng thời cũng là thức ăn cho các loại cá sống ở tầng nước dưới.
Đến thành công lớn
Anh Hồng tâm sự, tài sản ban đầu của anh Hồng chỉ vẻn vẹn có 30 triệu đồng. Nhưng nhận thấy mô hình làm kinh tế của anh Hồng rất khả thi nên các cấp chính quyền địa phương rất tin tưởng, rồi anh được Hội nông dân đứng ra tín chấp với ngân hàng để vay vốn. Cuối cùng anh có được tổng số vốn là 90 triệu đồng.
Năm 2006, anh vừa nuôi vừa tích lũy thêm kinh nghiệm, nhưng vẫn có lãi, dù chưa thật sự nhiều. Nhận thấy mô hình đi đúng hướng, sang năm 2007, anh bắt đầu đầu tư mạnh. Anh vẫn xác định cá chim là loài “chiến lược”. Mỗi đợt, anh thả 4 nghìn cá chim, chiếm khoảng 50% số lượng đàn. Còn lại là cá mè, cá chép, cá trôi.
Do nuôi theo hướng công nghiệp, đầu tư nhiều cám nên cá lớn rất nhanh, mỗi năm anh nuôi được tới 3 lứa. Anh Hồng ước tính, cứ đầu tư một tấn cám sẽ được một tấn cá. Mỗi lứa anh nuôi 4 nghìn cá chim, đạt 4 tấn cá. Bán với giá trung bình là 20 nghìn/kg, anh thu về khoảng 80 triệu, trừ chi phí ra anh lãi gần 25 triệu một lứa. Một năm 3 lứa, anh thu lãi trên 70 triệu đồng.
Còn ếch, năm 2008, anh nuôi 20 lồng, mỗi lồng khoảng 1.000 con, tỉ lệ sống đạt 70%. Mỗi con có trọng lượng khoảng 2 lạng, bán với giá trung bình 30 nghìn/kg, anh thu về trên 80 triệu, trừ chi phí anh lãi khoảng 40 triệu đồng. Tính tổng thu nhập từ cá và ếch, năm 2008, anh Hồng lãi trên 130 triệu đồng.
Nhờ tích cực tìm hiểu thị trường, có quan hệ bạn hàng làm ăn rộng nên thị trường tiêu thụ của anh Hồng khá phong phú. Ngoài bán lẻ tại địa phương, anh còn mở rộng thị trường ra các chợ đầu mối ở Hải Phòng, Hà Nội...
Với những kết quả bước đầu đạt được, đến đầu năm 2009, anh đã mở rộng thêm diện tích ao để tăng số lượng đàn nuôi. Anh Hồng dự định, nếu có đủ vốn, anh sẽ phát triển thêm mô hình chăn nuôi của mình, đầu tư thêm trang thiết bị kỹ thuật, thì chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.
Anh tâm sự: "Qua kinh nghiệm mấy năm, đến giờ tôi không sợ rủi ro, không sợ không có thị trường, chỉ sợ không đủ vốn, bởi giá cả thức ăn của cá ngày càng leo thang”.
Anh Hồng cũng cho biết, anh sẵn sàng hướng dẫn, truyền lại những kinh nghiệm của mình cho những ai quan tâm đến mô hình làm kinh tế của anh.
(Theo Sao Chi // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com