Từ hai bàn tay trắng, anh đã xây dựng nên một công ty sản xuất gỗ nội thất, có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương, sản phẩm tiêu thụ tại thị trường Tây Ban Nha.
Anh Kiều Đức Thưởng - Ảnh Chinhphu.vn |
Ông chủ trẻ đó là Kiều Đức Thưởng, 33 tuổi, ở xã An Tường (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).
Nuôi chí 10 năm
Con đường nhỏ trải nhựa dẫn chúng tôi đến Công ty gỗ nội thất Hải Âu của anh Kiều Đức Thưởng, một khu nhà xưởng khang trang, được sắp xếp bài bản, trong đó có hàng chục công nhân đang hối hả làm việc.
Anh Thưởng cho biết, làng anh vốn có nghề làm mộc, ngày trước, người dân trong làng chủ yếu làm bàn ghế, giường tủ mang đi bán ở khắp nơi.
Từ nhỏ, anh đã bị cuốn hút bởi những sản phẩm làm từ gỗ. Hàng ngày, anh nhìn không biết chán đôi tay khéo léo của bố anh biến những khúc gỗ mộc thành những chiếc giường, chiếc tủ bóng bẩy. Bố anh đã được công nhận là nghệ nhân làng nghề cấp quốc gia.
Đến cuối những năm 1980, làng nghề ngày càng đi xuống do mẫu mã đơn điệu, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tiếng dùi đục, tiếng máy cưa xẻ gỗ ngày càng thưa dần. Những người thợ trong làng phải khăn gói tỏa đi khắp nơi làm thuê kiếm sống. Lúc bấy giờ, số gia đình trong làng còn duy trì sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Thấy nhiều người trong làng rời khỏi quê hương đi làm thuê ở các nơi, làng nghề làm gỗ truyền thống có nguy cơ bị mai một, tôi thấy day dứt. Bởi tôi luôn mong muốn một ngày nào đó có thể làm giàu từ chính nghề truyền thống của quê hương, góp phần đưa làng nghề phát triển”, anh Thưởng nói.
Năm 1992, anh theo gia đình chuyển xuống ngoại thành Hà Nội để mở cơ sở sản xuất đồ gỗ. Hồi mới hoạt động, cơ sở sản xuất của gia đình anh có quy mô nhỏ, chưa phát triển nên anh phải làm thêm nhiều nghề để kiếm sống. Anh từng làm thuê ở các tòa nhà cao tầng với công việc lau cửa kính, làm thợ lăn sơn…
Trong thời gian ở Hà Nội, anh Thưởng nhận thấy thị trường ngày càng có nhu cầu lớn về các mặt hàng được làm từ gỗ nhưng phải là những mặt hàng cao cấp, được chạm trổ hoa văn tinh xảo. Tại sao mình không đi học làm gỗ mỹ nghệ, vừa có thể giúp làm giàu từ nghề gỗ của ông cha, vừa tìm ra một hướng đi mới cho làng nghề, anh tự nhủ.
Vậy là anh lăn lội khắp các làng gỗ mỹ nghệ truyền thống ở Hà Tây và làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) để học hỏi kỹ thuật chạm khắc, cách thức tổ chức sản xuất. Vốn đam mê từ nhỏ và sinh ra ở làng nghề làm gỗ truyền thống nên chỉ một thời gian ngắn anh đã tích lũy được những kiến thức nhất định về làm đồ gỗ mỹ nghệ.
Công nhân đang làm việc tại công ty của anh Thưởng - Ảnh Chinhphu.vn |
Anh còn tìm đến các công ty chuyên bán đồ gỗ nội thất của nước ngoài ở Hà Nội tìm hiểu nhu cầu thị trường và công nghệ sản xuất gỗ nội thất.
Gần 10 năm bươn chải làm thêm cho các công ty ở Hà Nội và những ngày tháng mày mò học làm gỗ mỹ nghệ ở các làng nghề truyền thống đã trang bị cho anh Thưởng những kiến thức ban đầu về cách làm gỗ nội thất cao cấp.
Từ đó, anh bắt tay vào thực hiện ước muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương và góp sức giữ lại nghề truyền thống.
Thành công vững chắc
Năm 2001, anh Thưởng quyết định về quê mở cơ sở sản xuất gỗ nội thất cao cấp mặc dù gia đình anh đang làm ăn phát đạt tại Hà Nội. Hành trang anh mang theo là niền tin của tuổi trẻ và tay nghề của bản thân. Anh là một trong những người đầu tiên làm gỗ nội thất cao cấp ở làng nghề.
Tôi hỏi ông chủ trẻ “Khi mở cơ sở sản xuất, vốn đầu tư ban đầu của anh là bao nhiêu?”.
Anh Thưởng giơ hai bàn tay lên. “Có thể nói khởi nghiệp tay trắng. Vốn đầu tư ban đầu của tôi chính là tay nghề và những hiểu biết về cách tổ chức sản xuất gỗ nội thất đã học hỏi được ở các công ty và các làng nghề truyền thống”.
Anh nghĩ, làm gỗ nội thất điều quan trọng là phải đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Bây giờ, thị hiếu của khách hàng đòi hỏi các sản phẩm gỗ nội thất phải được chạm khắc tinh xảo.
Vẫn là sản xuất gỗ nội thất cao cấp nhưng anh Thưởng lại có cách riêng. Anh không làm từ những loại gỗ quý mà làm từ những cây gỗ trồng được như gỗ xoan, gỗ mít… Một mặt có thể giảm chi phí sản xuất, tạo nên giá thành hợp lý, mặt khác góp phần bảo vệ rừng.
Tác phẩm “Bộ bàn ghế Lạc Việt” - Ảnh Chinhphu.vn |
Ban đầu cơ sở sản xuất của anh quy mô nhỏ với gần 10 công nhân làm việc. Khách hàng chỉ là người quen gần nhà. Thấy sản phẩm gỗ nội thất của anh có chất lượng đảm bảo, những người này giới thiệu cho nhiều người khác nên cơ sở của anh không ngừng phát triển.
Tháng 4/2003, anh Thưởng quyết định thành lập Công ty TNHH phát triển nhân lực và sản xuất mộc nội thất Hải Âu nhằm mở rộng quy mô sản xuất trên chính mảnh đất quê hương.
“Khi thành lập công ty, mình không chỉ mong muốn làm giàu cho bản thân mà còn muốn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, giúp thanh niên trong làng có thể học cách làm gỗ nội thất cao cấp và phát triển làng nghề hơn nữa”, anh Thưởng tâm sự.
Hàng năm, anh tích cực tham gia các triển lãm và hội chợ làng nghề trong nước. Năm 2005, anh tham gia Hội chợ làng nghề Việt Nam – Agro với tác phẩm bộ cửa “Khái quát lịch sử” và đoạt cúp vàng. Tiếp đó, năm 2006 anh lại đoạt cúp bạc tại Hội chợ làng nghề Việt Nam – Agro với tác phẩm “Bộ bàn ghế Lạc Việt”. Qua những hoạt động này, anh đã xây dựng được thương hiệu và thị trường tiêu thụ cho sản phẩm gỗ nội thất cao cấp của mình.
Đến nay, anh Thưởng đã có thị trường tiêu thụ ở nhiều tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, từ năm 2002 - 2004, anh đã xuất được hàng sang thị trường Tây Ban Nha.
Từ một chàng trai nông thôn, từng phải đi làm thuê, anh Thưởng đã trở thành tỷ phú. Năm 2009, công ty của anh đạt tổng doanh thu gần 6 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 40 lao động địa phương. Từ năm 2000 đến 2004, anh được Trung ương Đoàn và UBND tỉnh Vĩnh Phúc tặng bằng khen.
(Theo Nguyễn Thắng // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com