Ông Lê Văn Dũng |
“Hổ tướng” tuổi… chuột
Những người từng tiếp xúc với ông, chắc sẽ nghĩ tôi đùa. Bởi doanh nhân Lê Văn Dũng có phong thái rất nhỏ nhẹ, hiền lành, đến mức “yên ả”. Điều hành một doanh nghiệp thuộc hàng “top” của ngành dược phẩm như Tập đoàn Dược Viễn Đông, công việc bộn bề, song nhân viên rất ít khi thấy vị Chủ tịch Tập đoàn nổi cáu. Nhưng nói lại chuyện cách đây hơn một năm, khi Dược phẩm Viễn Đông đang chịu cảnh lao đao vì tác động của khủng hoảng kinh tế, mới thấy ẩn đằng sau vẻ hiền lành đến “yên ả” kia, là cả một bầu máu nóng và sự tỉnh táo, mạnh mẽ, quyết đoán có thừa.
Ấy là lúc Công ty vừa rầm rộ tuyển dụng nhân sự để mở rộng kênh phối và chuẩn bị cho nhà máy liên doanh Lili of France với quy mô lớn tại Bắc Ninh thì cơn bão khủng hoảng kinh tế ập tới. Tất nhiên, Dược Viễn Đông chẳng có “đôi đũa thần” nào hòng che chở cho Công ty khỏi bị “cơn bão” toàn cầu này quét qua. Trao đổi với Ban Lãnh đạo, Chủ tịch HĐQT Lê Văn Dũng khẳng định, suy thoái sẽ kéo dài và xác định, nếu không cắt giảm nhanh và hợp lý thì sẽ không cầm cự được. Một thông điệp được chuyển tới các lãnh đạo chủ chốt: “Thà rằng mình tự chặt tay của mình đi, còn hơn để mất mạng”.
Nói là làm, ông Dũng lên gặp ngân hàng đề nghị rút hồ sơ vay vốn cho các dự án mang về, khiến phía ngân hàng ngạc nhiên bởi họ còn vốn, mà Dược Viễn Đông lại thuộc diện đủ năng lực để vay.
Đồng thời, Dược Viễn Đông công bố chính sách tiết giảm, giãn và ngừng thực hiện ở cùng lúc 5 lĩnh vực quan trọng: tiết giảm nhân sự các bộ phận không hiệu quả, các bộ phận yểm trợ, bộ phận chuẩn bị cho tương lai nhưng hiện đang tiêu tốn nguồn lực; dừng lập tức các dự án không hiệu quả, thậm chí cả các dự án đầy tiềm năng nhưng chưa thể vận hành trong ngắn hạn, như nhà máy Liên doanh Lili of France, hay một Công ty với chức năng chuyển giao công nghệ dự kiến đặt văn phòng tại Mác xây (Pháp)…
Thậm chí, hai vợ chồng ông quyết định phải “tiết giảm” ngay trong chính gia đình mình: đứa con nhỏ đang học ở trường VIP Quốc tế, đành xin về học gần nhà, vừa tiện đưa đón, vừa là “bước đệm”, chuẩn bị gửi về quê với ông bà nội, sẵn sàng “vác ba lô” lên đường “chống khủng hoảng”.
Quyết liệt như vậy là bởi, như ông Dũng xác định, đây là thách thức cực kỳ lớn, thậm chí Dược Viễn Đông có thể “đoản mạng”, nhưng cũng là cơ hội không bao giờ có lại lần thứ hai trong lịch sử phát triển của Công ty cũng như trong cuộc đời của ông.
Trực tiếp “xung trận”
Trong thời điểm khó khăn và nhạy cảm này, rất cần những quyết sách nhanh nhạy, hợp lý, cần phải rút ngắn thời gian ra các quyết định so với thông thường. Nhận trách nhiệm đó về mình, ông Dũng quyết định phải trực tiếp “xung trận”. Ông rời vị trí Chủ tịch HĐQT, “nhảy” xuống vị trí Giám đốc điều hành toàn quốc, để trực tiếp xử lý các tình huống nhanh nhất, quyết đoán nhất.
Mặc dù khẳng định Dược Viễn Đông đứng trước thời vận có một không hai của Công ty và của chính mình, nhưng cái khó chính là không nhiều người nghĩ như ông Dũng.
“Tôi nghĩ, hoặc là Viễn Đông thành công, hoặc là Viễn Đông gặp nạn rất lớn, thậm chí phá sản; lúc ấy, cơ hội thành công chỉ là 10%, 50% có thể tăng trưởng một chút; nguy cơ phá sản chiếm tới 40%. Nhiều người can ngăn tôi. Một loạt vị lãnh đạo của Công ty đã rút khỏi vị trí, vì họ mong muốn Công ty rút vào vị trí an toàn nhất. Tôi nói với họ, đó không phải là cách an toàn nhất lúc này, vì càng co lại, mình càng mất niềm tin với nhà đầu tư, ngân hàng, đối tác; và cuối cùng là mất nguồn lực để phát triển; đó là cái mất lớn nhất. Phải củng cố niềm tin, “dàn trận ra cửa sông”, giành lấy nguồn lực để phát triển. Tôi chọn và thuyết phục họ chọn 10% cơ hội ít ỏi”, ông Dũng nhớ lại.
Vẫn sự quyết đoán ấy, ông lặng lẽ triển khai góc “10%” đã lựa chọn. Trong khi công bố “5 tiết giảm” quyết liệt, thì ông âm thầm thực hiện “2 gia tăng” cũng quyết liệt không kém, theo cách mà ông gọi là chính sách kinh doanh… “thời chiến”.
Một trong hai “gia tăng” của Công ty là tăng tối đa kinh phí triển khai bán hàng và nhân sự bán hàng, tranh thủ lúc nhiều doanh nghiệp co cụm, cắt giảm chi phí bán hàng do suy thoái.
Hơn 20 sản phẩm mới có tính độc đáo được tung ra thị trường; chi phí xúc tiến bán hàng cho các sản phẩm chính được Công ty nâng từ 7% lên trên 15%, riêng các sản phẩm mới được nâng lên trên 25%, do đó các sản phẩm này đã chiếm lĩnh thị trường rất tốt, khi các doanh nghiệp khác triển khai bán hàng trở lại thì những sản phẩm trọng điểm của Dược Viễn Đông đã “đứng chân” vững vàng trên thị trường, sẵn sàng cho giai đoạn phát triển sau này.
“Thị phần của chúng tôi tăng tới 30% chỉ trong gần một năm, trong khi với điều kiện bình thường phải mất ít nhất 3 năm. ‘Thời bình’ sẽ không có cơ hội này! Thay vì đưa vốn sang các lĩnh vực khác để giành lợi nhuận “nóng” theo kiểu hớt váng, ngắn hạn, chúng tôi đã tìm đúng hướng để tiếp tục phát triển ngay trong điều kiện phải tiết giảm”, ông Dũng hồ hởi.
Bước sang năm 2009, khi đã chiếm lĩnh được thị trường, ghi dấu thương hiệu đối với các sản phẩm mới, ông Dũng nhanh chóng “trả” chính sách về điều kiện “thời bình”, nhờ đó, Công ty đạt mức tăng trưởng đột biến cho năm 2009, với 936 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận gần 112 tỷ đồng (năm 2008, lợi nhuận ròng chỉ ở mức chỉ 25 tỷ đồng).
Đồng thời, dự án Lili of France được khởi động lại với quy mô lớn hơn, từ mức đầu tư dự kiến 250 tỷ đồng cho một nhà máy quy mô khu vực, nâng lên mức 450 tỷ đồng để hình thành một nhà máy tiêu chuẩn châu Âu.
Với nền tảng vững vàng và tiềm lực của mình, cuối năm 2009, Dược Viễn Đông chính thức chào sàn chứng khoán tập trung với mã DVD, và nhanh chóng được nhà đầu tư lựa chọn, có thêm nhiều đối tác tiềm năng; còn ông Dũng tiến thẳng vào danh sách 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán - theo khảo sát của một tờ báo, với vị trí 60 và là đại diện duy nhất của ngành dược trong danh sách này.
Nhắc lại chuyện này, ông bật cười, kể lại, hôm đó đang ở sân bay thì một nhân viên gọi điện báo tin ông vừa "đứng" ở đâu đó. Nghe loáng thoáng, ông còn hỏi lại: "Anh đang ở sân bay, em nói anh đứng ở đâu?".
"Thực ra, tôi không mấy quan tâm tới chuyện ấy, quan trọng là tôi có thực hiện được những kế hoạch, đam mê mà mình theo đuổi hay không", ông chia sẻ.
Nhìn vào tiêu chí tiết giảm, thì chính sách “gia tăng” thứ hai được Dược Viễn Đông thực hiện là một ngoại lệ. Đó là chính sách đầu tư sâu, tiếp tục theo đuổi một số công trình khoa học, vốn không cấp bách, nhưng ông Dũng vẫn quyết tâm duy trì ngay trong khó khăn.
“Tôi nói vui rằng, nếu “xảy ra chuyện”, thì Dược Viễn Đông sẽ trở lại bằng những công trình khoa học đột biến. Nhưng thực sự, chúng tôi quyết làm điều này bởi ước mong nung nấu nhiều năm nay, đó là đưa ngành dược Việt Nam sang một trang sử mới”, ông Dũng tâm sự.
Ít ai biết rằng, trong nhiều năm qua, Dược Viễn Đông đã có một đội ngũ các nhà khoa học trẻ, tài năng, từng học tập và tu nghiệp tại nước ngoài như Mỹ, Hàn Quốc và những cơ quan nghiên cứu lớn ở Việt Nam cộng tác với vai trò cố vấn cho Ban Dự án. Họ lặng lẽ theo đuổi các công trình nghiên cứu chuyên sâu của ngành dược, như các dự án tổng hợp hóa dược, nghiên cứu hoạt chất mới, các dạng bào chế mới với công nghệ cao…
Những sản phẩm độc quyền, có giá trị lớn như thuốc Fludon H1 điều trị cúm AH1N1, thuốc ngủ Sesen, hay que thử HIV qua nước bọt… dự kiến được Dược Viễn Đông tung ra làm “chấn động” thị trường dược trong năm 2010 mới là những kết quả đầu tiên của quá trình nghiên cứu này.
Thật thú vị, nhưng không bất ngờ khi biết rằng, cả 5 cố vấn này đã lần lượt được bổ nhiệm vào các vị trí quản lý cấp cao của Tập đoàn, phụ trách và tiếp tục những công việc họ đang tiến hành. Cách đối đãi với các nhà khoa học này của ông Dũng cũng hiếm gặp . Theo ông Dũng, khi khát vọng của cá nhân (các nhà khoa học) và mục đích của tập thể (Công ty) đã trùng nhau, đó là làm nâng đẳng cấp ngành dược Việt Nam, thì việc còn lại chỉ là làm sao cho họ yên tâm làm việc.
Ông đầu tư trang thiết bị tối tân nhất; tạo cơ chế thoáng nhất, ví như công trình, hay đề tài đặc biệt, họ có thể trao đổi trực tiếp với Chủ tịch HĐQT; ông cũng quyết định ký hợp đồng 10 năm, và trả trước tiền lương 5 năm, kèm những cam kết điều chỉnh phù hợp…
“Tôi nói với các nhà khoa học làm cố vấn cho Công ty rằng, nếu chỉ đặt ra hy vọng có một Viễn Đông dẫn đầu ngành dược Việt Nam, tôi đã không mời các bạn về. Điều tôi mong muốn là các bạn cùng chúng tôi làm nên một trang sử mới của ngành dược. Trang sử này tự tôi không lật được, mà là do các bạn. Chúng ta sẽ cùng lật trang sử này bằng cả tâm huyết, cả cuộc đời của chúng ta để các thế hệ tiếp theo nhìn nhận rằng lớp đàn anh đã làm được việc gì.
Đến giờ, tôi nghĩ hy vọng đó, trang sử đó, chúng tôi đã sẵn sàng lật bất cứ lúc nào, chỉ còn là thời điểm chúng tôi “ngửa bài” ra mà thôi. Đó có thể là dịp đón chào 1.000 năm Thăng Long!”, ông Dũng bật mí.
(Theo Huy Kiên // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com