Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Làm tranh để quảng bá hình ảnh hạt gạo

Khách tham quan gian hàng trưng bày tranh gạo của cơ sở Thái Hoàng tại lễ hội Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương. Ảnh: Tường Nguyên.

Với ước mơ quảng bá hình ảnh hạt gạo Việt Nam, ba bạn trẻ thế hệ 8X đã gom góp được hơn 60 triệu đồng để mở cơ sở chế tác tranh làm từ những hạt gạo.

Tranh để lâu ngày gạo có bị rớt ra hay không? Tranh gạo có bị mối mọt không? Tuổi thọ tranh gạo kéo dài được mấy năm?... Hàng loạt câu hỏi có nội dung tương tự đã được khách tham quan đặt ra khi bước vào gian hàng trưng bày tranh gạo Thái Hoàng tại lễ hội Gốm sứ Việt Nam-Bình Dương vừa được tổ chức hồi đầu tháng 9-2010 tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Nguyễn Thái Hậu, 23 tuổi, một trong ba thành viên sáng lập cơ sở sản xuất tranh thủ công bằng chất liệu gạo Thái Hoàng ở thành phố Biên Hòa, cho biết có tám bước để hoàn thiện một bức tranh gạo. Đầu tiên là chọn gạo nguyên liệu hạt đều, không gãy vỡ hoặc bị nổ bung khi rang. Bước thứ hai là rang gạo để tạo màu. Những bước tiếp theo gồm phác thảo hình ảnh, sắp xếp từng hạt gạo lên khung gỗ để tạo hình, phun keo cố định, phơi tranh trong ba ngày. Cuối cùng là công đoạn xử lý hóa chất để tranh gạo không bị mối mọt rồi lắp tranh vô khung.

“Thời gian thực hiện mỗi bức tranh gạo mất từ hai đến bảy ngày, đôi khi mất cả tháng, tùy theo kích thước. Hiện bức tranh nhỏ nhất cơ sở có thể thực hiện là 20 cen ti mét vuông”, Hậu cho biết.

Khoảng hai năm trước, Hoàng Minh Thái, sinh năm 1986, người khởi xướng thành lập cơ sở tranh gạo Thái Hoàng, làm đề tài tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai. Không muốn chọn những chất liệu tự nhiên như vỏ cây, đất, mây tre lá… để thực hiện tác phẩm mỹ thuật như các thế hệ sinh viên đi trước đã làm, Thái chợt nghĩ đến việc dùng hạt gạo để làm tranh, mặc dù anh không phải là người đầu tiên ở trong nước nảy ra ý tưởng này. Đối với Thái, hạt gạo là hình ảnh tiêu biểu cho đất nước Việt Nam ruộng lúa phì nhiêu.

Ra trường năm 2009, Thái đã hợp tác với Hậu và Nguyễn Quốc Hưng (1984) thành lập cơ sở sản xuất tranh gạo thủ công Thái Hoàng. Số tiền ban đầu cả ba gom góp lại để mở cơ sở chỉ được hơn 60 triệu đồng. Thái phụ trách việc thiết kế mẫu. Hậu quản lý sản xuất, tìm cách tăng tuổi thọ cho những bức tranh. Hưng lo phần kế toán và kinh doanh.

Thời gian đầu, những bức tranh của cơ sở Thái Hoàng rất khó tiếp cận với thị trường và người tiêu dùng vì quá mới mẻ, đơn điệu về sáng tác, màu sắc của tranh chỉ gói gọn trong ba màu trắng, vàng và nâu. “Khách mua tranh lúc đó thỉnh thoảng phản ánh sau một thời gian tranh bị rơi rớt một số hạt gạo, hay trong lúc vận chuyển, va chạm hạt gạo bị bung keo, tranh bị thấm nước khi lộng kiếng…”, Hậu kể.

Biết được nhược điểm của sản phẩm, ba thành viên trong nhóm đã tìm cách nâng cao kỹ thuật chế tác, thay đổi loại keo dán bền hơn, tiếp tục gia tăng sắc độ của tranh gạo lên thành 17 gam màu. Từ ba màu ban đầu của tranh, họ đã tìm ra công thức rang gạo để cho ra những màu trung gian. Không chỉ thành công trong việc làm đa dạng màu sắc trong tranh, cơ sở Thái Hoàng còn phát triển sản phẩm thành năm chủ đề chính là phong cảnh, thư pháp, nghệ thuật, động vật và chân dung.

Hậu cho biết tranh chân dung khó thực hiện nhất vì đòi hỏi nghệ nhân phải hết sức tỉ mỉ trong từng chi tiết, kiên trì thực hiện các sắc độ sáng tối tương phản nhau, chính vì thế giá thành của loại tranh này cũng cao hơn so với bốn chủ đề còn lại. Một bức tranh nghệ thuật có kích thước 60×80 cen ti mét có giá 1,5 triệu đồng trong khi một bức tranh chân dung cùng kích cỡ có giá 2,2-2,5 triệu đồng.

Ba thành viên sáng lập cơ sở tranh gạo Thái Hoàng cho biết vấn đề kỹ thuật chế tác tranh đến nay đã được hoàn thiện. Tuy nhiên, cơ sở vẫn còn yếu trong việc thiết lập các mối quan hệ kinh doanh, quảng bá sản phẩm đến các thành phố lớn, các điểm du lịch hoặc khách du lịch nước ngoài. Ngoài việc bán tranh trực tiếp tại cơ sở sản xuất đặt tại thành phố Biên Hòa, tham gia các kỳ hội chợ có ưu đãi về kinh phí, đầu ra chính của cơ sở Thái Hoàng hiện nay là gia công cho một số doanh nghiệp, cửa hàng ở TPHCM.

Mục tiêu hiện nay của các thành viên sáng lập là sớm thiết kế trang web để quảng bá sản phẩm, được bán hàng với thương hiệu của mình. Qua đó ước mơ quảng bá hình ảnh hạt gạo Việt Nam đi khắp nơi mới sớm trở thành hiện thực.

(Theo Tường Nguyên // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Ông chủ Lai ép trấu thành củi
  • Vua dế với khát vọng làm giàu
  • Công bố 10 Doanh nhân trẻ xuất sắc TP.HCM 2010
  • Một nông dân muốn mua tin thời tiết để trồng khoai
  • Cô gái "đi bằng tay" và chặng đường làm bà chủ
  • Làm giàu trên chính mảnh đất quê hương
  • Nông dân chế tạo bộ phụ kiện phun thuốc đa năng
  • Tân giám đốc điều hành S-Fone từng làm cho Qualcomm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao