Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Làm giàu trên chính mảnh đất quê hương

Dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư cho sản xuất hàng hóa để làm giàu chính đáng và có điều kiện giúp đỡ những người khó khăn hơn mình thoát nghèo là tâm sự của những nông dân sản xuất giỏi mà chúng tôi đã gặp trong Đại hội Thi đua yêu nước của Hội Nông dân Việt Nam.

Anh Cao Xuân Hậu - người nông dân sản xuất giỏi của Hà Giang. Ảnh: Chinhphu.vn

Từ trang trại tổng hợp …

Xuất ngũ trở về, anh Cao Xuân Hậu (thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) bắt tay vào làm kinh tế với khởi đầu hết sức khó khăn, đó là thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, chỉ có vùng đất nơi anh đang sinh sống rất màu mỡ, là điều kiện thuận lợi để có thể kết hợp trồng trọt gắn với chăn nuôi.

Anh Hậu đã quyết định dồn vốn mua cây giống trồng cam sành. Từ 3ha đất đồi ban đầu, năm 2000 anh đầu tư mua thêm 5ha nữa và trồng thêm 2.000 gốc cam. Từ 50 tấn quả cho thu nhập gần 300 triệu đồng năm 1999 đến 200 tấn quả cho thu nhập 700 triệu đồng năm 2004 là những bước thành công cho quyết tâm của anh Hậu trên con đường làm giàu từ mảnh đất của mình.

Năm 2004, qua chương trình “Bàn với nông dân cách làm giàu” của Đài Truyền hình Việt Nam, anh Hậu đã mạnh dạn nuôi nhím với suy nghĩ đây sẽ là hình thức giúp anh tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhưng thật bất ngờ nuôi nhím không chỉ giúp anh tăng thêm thu nhập mà còn giúp anh làm giàu.

Ban đầu, anh Hậu đầu tư mua 12 đôi nhím giống với giá 7 triệu đồng/đôi, chỉ sau 2 tháng nhím đã phát triển tốt, anh tiếp tục mua thêm 20 đôi nhím giống. Chỉ sau 1 năm, gia đình anh đã thu lãi từ nuôi nhím trên 142 triệu đồng. Từ nuôi nhím anh đã mua thêm 10ha đất đồi để trồng cây công nghiệp.

Nhưng cũng do từ năm 2005 – 2007, cam sành Hà Giang liên tục xuống giá, thu nhập từ vườn cam giảm, anh Hậu đã chuyển 3ha đất trồng cam sang trồng cây keo tai tượng làm nguyên liệu giấy. Cho đến nay, tổng diện tích dất trồng cây liệu giấy của trang trại anh lên tới 13ha.

Với loại hình sản xuất, kinh doanh trang trại tổng hợp bao gồm: chăn nuôi, sản xuất con nhím giống kết hợp với trồng cam sành, trồng cây nguyên liệu giấy đã giúp anh Hậu đã trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi không chỉ của tỉnh Hà Giang mà còn của cả nước. Anh Hậu cho biết, năm 2009 là năm mà trang trại của anh cho thu nhập lớn nhất đạt gần 2,8 tỷ đồng;  trừ toàn bộ chi phí, anh thu lãi gần 2 tỷ đồng.

Hưởng ứng chương trình của Hội Nông dân Việt Nam về thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, trong nhiều năm qua gia đình anh Cao Xuân Hậu đã giúp đỡ các hộ nông dân nghèo tại thị trấn Vĩnh Tuy vốn đầu tư sản xuất không lấy lãi để nuôi nhím và làm kinh tế VAC. Đến nay, 8 hộ nông dân đã thoát nghèo. Gia đình anh còn ủng hộ làm đường của thôn phố, xây dựng công trình văn hóa của thị trấn…

Chia sẻ bí quyết thành công, anh Hậu cho biết, muốn làm giàu từ sản xuất nông nghiệp phải dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất hàng hóa quy mô lớn, lấy chất lượng sản phẩm làm trọng. “Không được nản chí, vì hàng hóa nông nghiệp có năm được giá, có năm mất giá, phải kiên trì, quyết tâm để vươt qua mọi thử thách mới thành công.”, anh Hậu nói.

Chị Đặng Thị Dịu, một trong những tấm gương lao động giỏi của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Chinhphu.vn

Đến vuông tôm vùng ven biển

Gặp chị Đặng Thị Dịu ít ai nghĩ chị là nông dân bởi chị giống như một doanh nhân thành đạt trên thương trường, không phải chân lấm tay bùn. Vậy mà chị lại là nữ Giám đốc sản xuất kinh doanh giỏi trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh.

Sinh ra tại vùng quê Hải Hòa (Móng Cái, Quảng Ninh), gần biển, giáp vùng biên giới, chị Đặng Thị Dịu đã nắm bắt được vị thế thuận lợi của vùng đất này để nuôi trồng thủy hải sản. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Móng Cái cũng đã luôn tạo điều kiện để các hộ dân có thể phát triển kinh tế vùng biên đã giúp nông dân Hải Hòa hăng hái phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo …

Hòa chung với nhịp phát triển của Móng Cái, từ năm 1998, chị Dịu đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Với số vốn còn hạn hẹp, chị đầu tư nuôi tôm tư nhiên (nuôi quảng canh). Tuy nhiên, điều kiện nuôi khó khăn, năng suất ban đầu thấp, gia đình chị đã gặp nhiều trở ngại, nhất là về vốn để tái đầu tư sản xuất.

Dù rất cố gắng, song mỗi năm thu hoạch của gia đình chị cũng chỉ đủ trang trải chi phí nhân công và tu bổ đầm hồ. Sau đó, được sự giúp đỡ của Hội Nông dân Việt Nam, Sở NNPTNT Quảng Ninh, Hội Nông dân phường Hải Hòa, tạo điều kiện cho chị tham gia các lớp học, tham quan, tham gia tập huấn tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, chị quyết định thế chấp tài sản vay ngân hàng 600 triệu đồng đầu tư cải tạo đầm hồ, mở rộng sản xuất và áp dụng khoa học kỹ thuật vào từng khâu chăn nuôi.

Chỉ sau 1 năm, công việc đầu tư của gia đình đã bước đầu đạt kết quả giúp chị hoàn trả được số tiền nợ ngân hàng. Thế rồi chị tiếp tục đầu tư 6,2 tỷ đồng xây dựng, cải tạo lại bờ đầm và khoanh vùng phân ô để nuôi tôm cao sản, xây dựng trạm biến áp, mua máy sủi, máy sục, máy phát điện, xây dựng trụ sở làm việc…

Hiện nay gia đình chị có 10ha nuôi cao sản, 15ha nuôi quảng canh. Với quy mô sản xuất và quy trình kỹ thuật công nghệ được ứng dụng phù hợp vào sản xuất kinh doanh của gia đình nên mỗi năm thu nhập sau khi trừ chi phí đạt gần 1 tỷ đồng/năm.

Việc mở rộng sản xuất nuôi tôm hàng năm của gia đình chị đã tạo được việc làm cho 30 lao động là con em hộ nghèo của địa bàn, với mức tiền công ổn định là 3 triệu đồng/người/tháng.

Chẳng những sản xuất kinh doanh giỏi, chị Dịu còn là người tích cực tham gia các phong trào do Hội Nông dân và các đoàn thể tại địa phương phát động, đặc biệt là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng” do Hội Nông dân Việt Nam phát động. Gia đình chị đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, tương trợ giúp đỡ các hội nghèo, hộ chính sách.

Hàng năm chị đều dành thời gian truyền đạt kinh nghiệm sản xuất cho các hộ nuôi tôm trong phường với mong muốn ai cũng được thoát nghèo và làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.

Cũng giống như anh Cao Xuân Hậu, chị Dịu cho biết, muốn làm giàu trước hết phải có quyết tâm, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật. Và trong những nỗ lực vươn lên của mỗi người, sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp Hội, của chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng.

(Theo Kiều Liên // Tin Chính phủ)Kiều Liên

  • Nông dân chế tạo bộ phụ kiện phun thuốc đa năng
  • Tân giám đốc điều hành S-Fone từng làm cho Qualcomm
  • Đem lại giá trị cho trái bần
  • Liên tục cải tiến để chống hàng giả
  • Doanh nhân Nguyễn Hữu Sơn và giấc mơ “xe đạp”
  • Người nông dân nhận hai giải thưởng sáng tạo kỹ thuật
  • Người say mê với hạt đậu nành
  • Bầu Hiển: Mua trực thăng và uống bia hơi
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao