Anh Văn Ðức Quynh (sinh năm 1963 tại xã Hải Phú, huyện Hải Lăng) đã nhận hai Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật (STKT) tỉnh Quảng Trị. Năm 2007, (sản phẩm dự thi: máy tách hạt ngô) và năm 2009, (sản phẩm dự thi: máy cắt đa năng).
Các sản phẩm sáng chế của anh là những sáng chế rất độc đáo và hữu ích, kết quả từ tư duy sáng tạo và bàn tay khéo léo qua những năm tháng đam mê, miệt mài nghiên cứu để chế tạo thành công.
Sống trên mảnh đất màu mỡ rất phù hợp để phát triển các loại cây hoa màu (ngô, lạc, sắn,...), anh thường trăn trở làm sao sáng chế được những chiếc máy loại nhỏ để giải phóng sức lao động cho người dân nơi đây. Mỗi loại máy, anh phải vẽ bản vẽ thiết kế, mày mò tỉ mỉ từng chi tiết kỹ thuật, nghiên cứu để vận dụng nguyên lý hoạt động của từng loại máy cho phù hợp và sửa đi sửa lại rất nhiều lần, phải mất từ một đến ba năm mới chế tạo thành công một chiếc máy.
Ba chiếc máy độc đáo và hữu ích
Ðầu năm 2004, anh bắt đầu nghiên cứu chế tạo máy tách hạt ngô. Suốt ba năm (sáu vụ bắp) liền, anh phải kéo máy đi tách hạt ngô thử khắp làng khắp xóm; đến năm 2007, máy được hoàn thiện. Năng suất tách đạt gần năm tạ hạt/giờ (gấp 10 đến 15 lần/người tách bằng tay). Hạt ngô không bị vỡ và xước; chi phí điện năng thấp (1,1 đến 1,5 kW/giờ), chỉ cần dùng điện một pha, trong trường hợp không có điện thì dùng máy nổ.
Ðến năm 2008, anh tiếp tục sáng chế máy tuốt củ lạc. Máy tuốt củ lạc cũng có nhiều ưu điểm: công suất lớn, máy tuốt khoảng 150 đến 250 kg củ tươi/giờ (thay thế khoảng hơn mười lao động/giờ); lạc không bị vỡ và xước; chi phí điện thấp (1 kW đến 1,5 kW/giờ), có thể sử dụng máy nổ hon-đa ở tại khu vực không có điện.
Năm 2009, từ chiếc máy cắt củ sắn, anh đã tiếp tục nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc máy cắt đa năng (cắt chuối, rau, củ, quả, cỏ, ...). Nếu cắt cỏ và rau thì khoảng 500 đến 700 kg/giờ (thay thế khoảng 15 lao động/giờ), nếu cắt củ sắn thì khoảng hai, ba tấn giờ (thay thế khoảng hơn 30 lao động/giờ); các loại rau, củ, quả, ... được cắt lát mỏng và đều; chi phí điện thấp (từ 0,1 đến 1,5 kW/giờ).
Cả ba chiếc máy anh đều được sáng chế gọn, nhẹ (dễ vận chuyển) và mang tính bán thủ công nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ba chiếc máy anh sáng chế không chỉ đem lại hiệu quả thiết thực cho nhiều hộ nông dân tại tỉnh nhà và vài địa phương khác trên cả nước mà thực sự đã đóng góp tích cực vào sự thành công cho tỉnh Quảng Trị khi tham gia các hội chợ do Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như các bộ, ngành khác đã tổ chức ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Tại chợ Công nghệ (CN) và thiết bị (TB) Việt Nam 2007 (tổ chức tại TP Ðà Nẵng), Ban tổ chức đã đánh giá cao máy tách hạt ngô của anh và được Bộ KH và CN tặng Bằng khen với thành tích đóng góp sản phẩm tự sáng chế tham gia Hội chợ.
Tháng 9-2009, tại Chợ CN và TB Việt Nam ASEAN+ 3 (tổ chức tại TP Hà Nội), anh lại tiếp tục đem cả ba máy (từ máy cắt sắn, anh đã chế tạo thành máy cắt đa năng; máy tách hạt ngô và máy tuốt củ lạc đã được cải tiến) tới tham dự. Lần này, việc thao tác của từng chiếc máy đã được giới thiệu rất chuyên nghiệp. Nhìn chung, những sản phẩm sáng chế của anh tại các Hội chợ đã thu hút được sự chú ý, quan tâm. Với tuổi đời còn trẻ nhưng anh đã có những sản phẩm sáng chế kỹ thuật rất hữu ích. Hiện nay, nhiều người dân ở các địa phương trong tỉnh và một số tỉnh khác cũng đã tìm đến đặt hàng, anh đã bán được khoảng gần 100 chiếc máy (cả ba loại) cho nông dân tại tỉnh nhà cũng như một số tỉnh khác như Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Kon Tum, Gia Lai,...
Dù vẫn còn khó khăn về tài chính nhưng anh đã nâng công suất máy tách hạt ngô từ năm tạ/giờ lên một tấn đến 1,5 tấn/giờ (gấp 20 đến 45 lần/người tách bằng tay) và vẫn đang có ý tưởng sáng chế thêm một số loại máy khác để phục vụ cho bà con nông dân trong vùng.
(Theo ÐINH LỢI // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com